Bốn tuyên ngôn của Agile như sau:
“Cá nhân và sự tương hỗ quan trọng hơn quy trình và công cụ”
“Sản phẩm dùng được quan trọng hơn tài liệu về sản phẩm”
“Cộng tác với khách hàng quan trọng hơn đàm phán hợp đồng”
“Phản hồi với sự thay đổi quan trọng hơn bám theo kế hoạch”
“Cá nhân và sự tương hỗ quan trọng hơn quy trình và công cụ”
Ý tưởng là đặt trọng tâm vào con người và sự tương hỗ giữa những thành viên trong nhóm. Cơ bản là nếu dự án có những thành viên có năng lực, chịu làm việc cùng nhau thì sẽ mang đến thành công cho dự án. Nếu dự án của bạn có quy trình làm việc tốt, được hỗ trợ những công cụ tốt nhất nhưng những thành viên không “cùng nhìn về một hướng” thì khả năng dự án thất bại là rất lớn. Nói điều này không có nghĩa là phủ nhận tầm quan trọng của quy trình và công cụ nhưng trong Agile nó được đặt sau yếu tố con người. Có một câu bằng tiếng Anh khá phổ biến nói về điều này là “a fool with a tool is just a fool”
“Sản phẩm dùng được quan trọng hơn tài liệu về sản phẩm”
Trong một số quy trình phát triển phần mềm, việc tạo ra và cập nhật các tài liệu về sản phẩm là bắt buộc. Nhóm Dev không thể hoặc không đồng ý tiến hành công việc nếu không có tài liệu đặc tả về yêu cầu, thiết kế hệ thống. Nhóm Test thì yêu cầu tài liệu về sản phẩm để có thể viết trường hợp kiểm thử và kiểm thử được. Nhóm QA đòi tất cả các tài liệu phải được viết trước khi sản phẩm được giao cho khách hàng nếu không thì không đủ điều kiện, chuẩn để giao sản phẩm cho khách hàng. Thực ra đứng với góc độ khách hàng thì khách hàng chỉ quan tâm đến sản phẩm có hoạt động được và tốt hay không. Trong khi việc tạo và cập nhật tài liệu mất nhiều thời gian và được cho là buồn tẻ. Vậy tại sao mình phải tập trung quá nhiều cho việc không cần thiết mà không dành thời gian đó để trao đổi để hiểu thêm về công việc phải làm. Mọi người đừng hiểu lầm là làm Agile là không viết tài liệu. Ý tưởng là chỉ viết những gì mà mọi người cần đọc.
“Cộng tác với khách hàng quan trọng hơn đàm phán hợp đồng”
“Khách hàng là thượng đế” hay “khách hàng luôn luôn đúng”. Tuy nhiên thì khách hàng có đủ loại khách hàng. Có khách hàng am hiểu về công nghệ, có người không. Có người suy nghĩ nhất quán có người thay đổi xoành xoạch, có người lạnh lùng có người cười nói suốt ngày, v.v và cách duy nhất để có thể làm việc tốt là phải cộng tác với khách hàng để hiểu được khách hàng muốn gì và cần gì để có thể tư vấn và điều chỉnh thay vì chỉ dựa vào những điều đã quy định trong hợp đồng.
“Phản hồi với sự thay đổi quan trọng hơn bám theo kế hoạch”
Có một điểm chung mà mình thấy trong hầu hết những dự án mình đã trải qua đó là không có dự án nào không có sự thay đổi điều chỉnh khi thực thi. Sự thay đổi đó có thể là thay đổi về yêu cầu, thay đổi công nghệ, thay đổi nhân sự, thay đổi deadline, thay đổi phương thức làm việc, v.v mặc dù kế hoạch đã được định ra rõ ràng từ đầu. Agile không khuyến khích cho sự thay đổi nhưng khuyến khích chúng ta tập thích nghi với thay đổi. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần để thay đổi khi tham gia vào dự án Agile nhé.
Có một điều thú vị là đa số trong chúng ta đều cơ bản đồng ý với 4 tuyên ngôn của Agile. Nhiều người hiểu tầm quan trọng của “cá nhân” hay “cá nhân là tài sản quý giá nhất công ty” nhưng sẳn sàng thay đổi nhân lực để tương thích với quy trình/công cụ hiện có. Nhiều người hiểu “khách hàng là thượng đế” và “phải thích nghi với sự thay đổi” nhưng sẵn sàng tuyên bố “Dẹp, không làm nữa” vì khách hàng thay đổi yêu cầu liên tục. Hay như “sản phẩm xài được là quan trọng “ nhưng vẫn cố gắng viết thêm tài liệu với ý nghĩ rằng “biết đâu/lỡ sau này có ai cần thì có cái mà cung cấp”. 4 tuyên ngôn của Agile nói dễ hơn làm nhưng khi bạn theo Agile thì bạn hãy chuẩn bị tinh thần để “làm” chứ không phải để “nói”.
Trong phần kế tiếp mình sẽ giới thiệu thêm về “12 nguyên tắc trong Agile”. Các bạn chờ nhé!
(Nguồn: Bài viết được sưu tầm trên Internet, có tham khảo và lược dịch từ Wiki và Agilemanifesto.org)
Bình luận