Tôi đến đất nước huyền thoại này trong khuôn khổ học bổng của chương trình Quản lý Sáng tạo do Bộ ngoại giao Israel cấp cho các quốc gia ngoài khối OECD. Hiểu rõ những bất lợi nhất định của mình trong ngoại giao so với các quốc gia khác, Israel đầu tư nhiều để tranh thủ tình cảm, gây dựng kênh thông tin tích cực và dần thể hiện trách nhiệm của một quốc gia tiên tiến với các quốc gia đang phát triển. Họ gọi việc đó là nỗ lực chủ động xây dựng thương hiệu quốc gia. Và học bổng mà tôi được may mắn là một trong 27 người của 19 quốc gia trên toàn thế giới nhận được là một hoạt động quan trọng trong nỗ lực ấy. Cũng phải nói lời cảm ơn đối với YBA, đặc biệt là PCT thường trực Nguyễn Tuấn Quỳnh, vì nếu không được sự giới thiệu nhiệt tình của các anh thì có lẽ sẽ khó khăn hơn rất nhiều để có thể nhận được suất học bổng kéo dài suốt một tháng ở một đất nước của những điều kỳ diệu như vậy.
Bước đầu ngỡ ngàng
Khi ở ngoài Israel, ta thường cho rằng đấy là một đất nước hiện đại. Sự thực không phải là như vậy. Sân bay của họ nhỏ và có phần hơi cũ dù được coi là một trong những sân bay được phục vụ tốt nhất thế giới. Đường xá và các công trình xây dựng cũng vừa phải, không quá hoành tráng hay tạo cảm giác choáng ngợp như ở các nước Á châu. Tiện nghi bên trong cũng như vậy. Sức mạnh của người Do Thái nằm ở hai chữ Hiệu quả và Tập trung. Họ tập trung tinh thần và nguồn lực vào vấn đề mấu chốt nhất mà họ cần giải quyết chứ không phải hình thức bên ngoài.
Và họ thực hành tinh thần đó rất 3M: Mỗi ngày, Mỗi người, và trong Mỗi hành động.
Hành trình tìm hiểu năng lực sáng tạo của người Do Thái Không khó để giải mã được năng lực khởi nghiệp và sáng tạo của người dân nơi đây. Hầu hết những người có quan tâm đều có thể chỉ ra được ít nhất một vài trong những yếu tố quan trọng:
(1) nền giáo dục đề cao dân chủ và phản biện: trường học ở đây cho phép người học đặt câu hỏi, khuyến khích chất vấn và phản biện với giáo viên. Cho đến khi họ cảm thấy hài lòng. Chính vì được lớn lên trong môi trường như vậy cho nên người dân ở đây không tự đặt ra những giới hạn, không dễ chấp nhận những giả thuyết mang tính khuôn khổ. Họ không bị hay tự giam mình trong những vùng an toàn ngục tù tư duy.
(2) thời gian phục vụ trong quân đội: tất cả thanh niên đều phải trải qua gian đoạn này, bất kể là nam hay nữ. Chỉ sau khi phục vụ xong trong quân đội, thanh niên mới được phép học đại học. Chính thời gian này đã trang bị cho giới trẻ ý thức kỷ luật và tự kỷ luật, khả năng làm việc nhóm, tinh thần trách nhiệm cao độ và ý thức về mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân và tập thể. Chính vì vậy, nó đã trung hoà và chuyển hoá năng lượng tự do và năng lực phản biện (có thể có phần hơi quá thái) được hình thành trong quá trình đi học theo hướng tích cực. Khoảng thời gian này cũng giúp các bạn trẻ quên bớt giáo điều sách vở để đến với những vấn đề cụ thể và sinh động hơn của cuộc sống. Sau khoảng thời gian này, thông thường các bạn trẻ sẽ đi làm lấy tiền, đi du lịch tìm hiểu thế giới trước khi quay lại trường đại học. Nhờ vậy, họ trở thành chủ thể đi tìm hiểu tri thức và nghiên cứu khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề hay ước mơ của mình. Điều này khác hẳn với một số quốc gia, giáo dục đại học chỉ là việc nhồi thêm kiến thức vào đầu các em trẻ chưa biết gì về cuộc sống, hiệu quả hoàn toàn phụ thuộc vào các thầy, và chắc chắn là không cao.
(3) khả năng tiếp cận khoa học công nghệ: các trường đại học của Israel được đầu tư mạnh và có trình độ công nghệ cao, ngang tầm các quốc gia tiên tiến nhất. Các trường đại học lại có quan hệ đặc biệt sâu sát với các doanh nghiêp, với chính quyền và đặc biệt là với quân đội. Do đó, chương trình đào tạo và các nội dung nghiên cứu đều mang tính thực tiễn và ứng dụng rất cao. Sinh viên trong các trường đại học, nhờ vậy, có được tư duy và nền tảng cực tốt để bắt đầu. Tôi đã đến thăm đại học Technion và đại học Tel Aviv và được gặp rất nhiều những bạn trẻ khởi nghiệp từ năm nhất, năm hai, thậm chí từ lúc chưa vào đại học. Đại học, đối với họ, chỉ là một cánh cửa công nghệ, một công cụ để giúp họ rút ngắn thời gian hiện thực hoá những ý tưởng của mình. Chứ không phải là vì bằng cấp, học vị hay chỉ vì đơn giản là không biết làm gì.
(4) ý thức sâu sắc về những hạn chế: người Do Thái được truyền thông rất rõ, và được cọ xát mỗi ngày trong cuộc sống về những hạn chế, thiếu sót và áp lực mà xã hội hay quốc gia đang phải chịu. Và họ hiểu mình phải là người thay đổi những điều đó. Nhưng trước tiên phải ý thức rõ, hay thậm chí là chấp nhận những hạn chế đó. Điều này là khá lạ khi mà đa phần các nền văn hoá khác khuyến khích mọi người thả cho trí tưởng tượng bay xa, suy nghĩ phải vượt khỏi khuôn khổ của thực tại (out-of-the-box) thì người Israel lại làm ngược lại: suy nghĩ tập trung, giải quyết vấn đề trọng tâm và tôn trọng những ràng buộc không thể thay đổi được. Họ gọi đó là sáng tạo inside-the-box. Nhờ vậy, những sáng tạo được định hướng tốt hơn. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà những sáng tạo của người Do Thái thường thiên về làm tốt hơn, hiệu quả hơn, rẻ hơn hiện tại (increamental innovation) chứ thường ít có những phát minh mang tính đột biến hay cách mạng (destruction innovation).
(5) thái độ đối với thất bại: sẽ là ngạc nhiên khi nói rằng tỷ lệ khởi nghiệp hay sáng tạo thành công tại Israel, mặc dù có được những nền tảng đã nêu ở trên hỗ trợ, không quá cao so với các quốc gia khác. Họ vẫn thất bại, nhưng vì xã hội không đánh giá hay dè bĩu những người thất bại, nên họ lại tiếp tục cố gắng, học hỏi từ những thất bại của mình. Và nhờ đó, sau rất nhiều lần thất bại, họ có thể thành công. Tỷ lệ thành công trên số lần khởi nghiệp là không quá cao, nhưng tỷ lệ thành công trên số dân lại là cực kỳ ngoạn mục.
Trăn trở cho chính mình
Là một trong những người lãnh đạo của YBA - Hội doanh nhân trẻ Tp HCM, lại là một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp hoạt động khắp Bắc Nam, tôi đặt ra cho chính mình mục tiêu không chỉ là Hiểu vì sao, mà còn là Xem mình có thể áp dụng được gì. Và quá trình này là quá trình làm tôi suy nghĩ nhiều nhất. Người Do Thái thông minh. Tôi không cho rằng người Việt Nam ta không như vậy. Người Do Thái bị vây trong những khó khăn bốn bề: thiếu đất, thiếu nước, thiếu người, lại bị vây bởi các quốc gia thù địch, … ngay cả đến tiếng nói vẫn không thống nhất được sau hơn 60 năm lập quốc. Tôi cho rằng Việt Nam ta tuy có thuận lợi hơn, nhưng không phải không có khó khăn. Nhiều vấn đề sẽ cần thời gian, hoặc ở phạm vi của mình tôi hay thậm chí là các hội đoàn doanh nghiệp không thể giải quyết được. Tuy vậy, tôi cho rằng có năm điều mà các doanh nghiệp Việt Nam ta có thể chủ động làm được:
(a) Nhận biết rõ những hạn chế và ràng buộc của mình, chủ động truyền thông đến cho toàn thể người lao động, và xây dựng chính sách để động viên người lao động trở thành chủ thể sáng tạo, và sáng tạo có định hướng.
(b) Dần góp phần xây dựng văn hoá chấp nhận thất bại trong nội bộ doanh nghiệp và trong các hội đoàn. Hãy cho phép những người nhân viên, đồng sự hay đối tác của mình được phép thất bại. Cũng nên phân biệt rõ các loại thất bại để có những đối đãi khác nhau, nhưng quan trọng hơn hết là đề cao thành công, thay vì chăm chú vào đếm và trừng phạt thất bại.
(c) Tạo môi trường giao tiếp và phản biện tích cực để sớm phát hiện những hạn chế hay những vấn đề tiềm ẩn. Đây chính là những nguyên liệu chính yếu cho sáng tạo.
(d) Tập trung vào việc tạo-ra-giá-trị thay vì dịch-chuyển-giá-trị. Có lẽ đã dần qua giai đoạn phát triển nhanh và nóng của nền kinh tế để mà những thành công có thể đến một cách dễ dàng từ việc vận dụng lợi thế thông tin-quan hệ, kết nối cơ hội hay mua đi bán lại một sản phẩm hay dịch vụ. Với nền kinh tế dần hội nhập, để tồn tại được, các doanh nghiệp của chúng ta buộc phải tạo ra được giá trị bằng cách làm tốt hơn, hiệu quả hơn, hay sáng tạo ra được sản phẩm. Nếu không làm được điều này, trở lực sẽ ngày càng lớn trong khi lợi thế sẽ ngày càng nhỏ. Các doanh nghiệp và cá nhân mà tôi được tiếp xúc trong suốt gần một tháng ở Israel cũng như các bạn đồng học từ nhiều nơi trên thế giới đều cho thấy một mẫu số chung khá rõ như vậy.
(e) Hướng đến công nghệ và khả năng nhân rộng. Định hướng sáng tạo nên hướng đến yếu tố công nghệ. Để một thành công có thể được nhân lên nhiều lần, và nhờ vậy, chi phí đầu tư trên tổng doanh thu sẽ trở nên thấp ở mức chấp nhận được. Cuối cùng là một điều mà chúng tôi nhận ra một cách hiển nhiên trong khoá học là: người Do Thái họ không thông minh hơn mình, không có kiến thức siêu việt hơn mình, không hẳn có ý tưởng tốt hơn mình, không có nguyên liệu nhiều như mình, không có thị trường rộng như mình... Điều duy nhất mà họ làm tốt hơn mình chỉ là họ làm thật, tập trung và hướng đến hiệu quả. Họ không hề hô hào, nhưng kết quả công việc cho thấy rõ tất cả. Mong một ngày các doanh nghiệp của chúng ta thành công vượt bậc, quốc gia của chúng ta hùng cường đến mức có thể đứng ra tổ chức những khoá học giúp bạn bè năm châu cùng tiến bộ. Mong thay.
Bình luận