Cách đây khoảng 8 năm, khi đó Techmaster mở lớp đào tạo Java trong một chung cư nhỏ trên đường Lê Văn Lương, Hà nội. Tôi có gặp một bạn sinh viên vừa đi học lại phải vừa trông em mới học lớp 1 hay 2 thì phải. Mẹ bế con đi học lập trình ở Techmaster có vài trường hợp. Nhưng anh vừa chăm em vừa ngồi học lập trình say sưa thì công nhận hiếm. Đầu năm tôi gửi một danh sách 20 câu hỏi để cựu sinh viên năm xưa chia sẻ hành trình học, trở thành lập trình viên tại Nhật Bản. Tôi quyết định phỏng vấn ẩn danh vì người được phỏng vấn cảm thấy thoải mái trả lời những câu hỏi hóc búa, tế nhị nhất mà không thấy ngại.

1- Anh đã học CNTT ở trường nào hay trung tâm nào?

Chào mọi người, mình là cựu sinh viên Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông.

Đồng thời mình cũng là cựu học viên ở Techmaster những năm 2016. Thời sinh viên mọi thứ rất mơ hồ đối với mình, không biết tương lai nghề nghiệp của mình sẽ như thế nào, ra trường sẽ làm gì. May mắn mình có một người anh đồng hương có giới thiệu Techmaster và mình đã học 2 khoá, một khoá Java Core cơ bản và một khoá nâng cao về Web tập trung vào Spring Framework. Nhờ 2 khoá học rất giá trị đã tạo cho mình những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp. Ở đó mình gặp được người thầy tốt, bạn học sau này đã có những lúc trở thành đồng nghiệp của nhau. Hiện tại mình đang làm cho một công ty tập trung vào thị trường Nhật. Công việc chủ yếu của mình liên quan đến Backend và Cloud(AWS). Sau hơn 5 năm làm việc ở các doanh nghiệp lớn nhỏ, mình cũng tích lũy được một số kinh nghiệm cho bản thân và muốn chia sẻ với mọi người, hi vọng sẽ có những thông tin hữu ích.

Lưu ý: tất cả chỉ là quan điểm cá nhân, có thể phù hợp với mình nhưng không phù hợp với người khác.

2- Hãy kể về công việc đầu tiên, dự án phần mềm đầu tiên anh làm? Công nghệ gì, mục đích của phần mềm. Những kỷ niệm nếu có của ngày đầu viết code.

Dự án đầu tiên mình làm là xây dựng một hệ thống cung cấp các dịch vụ bảo hiểm. Mình đảm nhiệm cả Frontend lẫn Backend. Sử dụng Angular Framework cho Frontend, Spring Framework cho Backend cụ thể là Spring Integration. Những ngày gõ những dòng code đầu tiên cho một dự án thực tế cảm giác rất sợ. Sợ mình không hiểu yêu cầu, sợ code mình chạy có đúng không, cách đặt tên biến, tên hàm có đúng convention của mọi người không. Code xong rồi thì test như thế nào, test xong rồi thì bước tiếp theo phải làm gì, báo cáo với ai. Đa số trường hợp code của bạn sẽ được review bởi một senior vì là người mới còn rất ít kinh nghiệm, cảm giác chờ đợi nhận lại feedback rất hồi hộp và lo lắng. Và khi mọi thứ xong xuôi hết, những dòng code đầu tiên của mình được merge vào, sau đó deploy lên môi trường product. Mình đã cảm thấy rất vui vì lần đầu tiên tạo ra được một cái gì đó mà tất cả mọi người đều nhìn thấy và sử dụng được.

3- Những điều kỳ cục, hay sai lầm anh phạm phải khi còn là lập trình viên ít kinh nghiệm

Dựa trên kinh nghiệm của bạn thân từng vấp phải, và chứng kiến các bạn khác(mình cũng có chút kinh nghiệm training và mentor người khác), mình thấy có một vài sai lầm như sau:

Đọc tài liệu tiếng Việt. Mình thấy đọc tài liệu bằng tiếng việt không xấu, nhưng không được phụ thuộc vì nhiều bài viết mang yếu tố chủ quan của người viết vào, dẫn đến tam sao thất bản. Nếu tiếng Anh kém thì có thể tham khảo bài viết bằng tiếng Việt trước, sau đó sẽ cố gắng đọc các nguồn bằng tiếng Anh. Và tài liệu đáng tin cậy nhất chính là trang tài liệu chính thức của công nghệ bạn đang sử dụng.

Không hiểu rõ thực sự các hàm, thư viện mình sử dụng đang làm gì, chỉ copy code của người khác ngay trong chính dự án đang làm hoặc trên Internet.

Code không theo quy tắc nào cả, nên tham khảo những quy tắc chung của từng ngôn ngữ ví dụ như cách đặt tên biến, method, quy định dấu cách, căn lề … Nên đọc qua những cái này trước khi viết code.

Kiến thức căn bản rất quan trọng như cấu trúc dữ liệu và giải thuật, cơ sở dữ liệu, mạng … Bản thân mình hiện tại cũng đang cải thiện và củng cố kiến thức nền tảng.

Sợ, không dám hỏi mọi người 🙁

Đổ thừa cho máy tính, thư viện có vấn đề mỗi lần có lỗi xảy ra mà không hiểu tại sao. Hiện tại mình thỉnh thoảng cũng đang còn đổ thừa nhưng ít hơn và kiên nhẫn hơn :))))

Ít đọc sách, đọc sách sẽ giúp mình tích lũy kinh nghiệm nhanh hơn, học được sai lầm và kinh nghiệm của người đi trước để lại.

4- Anh bắt đầu học tiếng Nhật từ khi nào? Và đã thi đến chứng chỉ gì? Thời gian học tiếng Nhật quyết liệt tập trung nhất của anh diễn ra trong bao nhiêu tháng?

Mình có ý định học tiếng Nhật từ hồi năm cuối đại học. Lúc đó suy nghĩ của mình là nếu mình học tiếng Anh có thể sẽ không bằng những bạn khác được học tiếng Anh từ bé và mình sẽ không có lợi thế(sau này mình mới nhận ra sai lầm, mình vẫn hoàn toàn có thể bắt kịp được), nên mình đã chọn tập trung vào tiếng Nhật. Nhưng sau khi học một khoá học ở một trung tâm thì mình bỏ giữa chừng vì thiếu động lực. Đến đầu năm 2018 mình mới thực sự tập trung học tiếng Nhật và quyết tâm đi Nhật. Mình vừa làm vừa học tiếng Nhật đều đặn trong vòng hơn 2 năm. Lần đầu tiên mình thi N5 trượt, N4 trượt, đến lần thứ 3 mình thi N3 thì đỗ. Đến năm thứ 3 thì mình mới thi đỗ N2 và được công ty tạo điều kiện sang Nhật làm việc.

5- Anh đã dùng phần mềm gì, phương pháp gì để học tiếng Nhật hiệu quả?

Mình học tiếng Nhật chủ yếu chỉ giấy và bút. Không sử dụng phần mềm nào cả, nhưng mình khuyên mọi người nên dùng những phần mềm như Quizlet với Memrise sẽ giúp cho việc ghi nhớ từ vựng hiệu quả hơn. Sau này qua Nhật mình có sử dụng một thời gian ngắn nhưng chỉ để duy trì từ vựng. Thời gian học tiếng Nhật ở Việt Nam rất vất vả, mình thường đi làm sớm hơn 30 phút đến 45 phút, thường là một trong những người đi sớm nhất trong công ty. Thứ nhất để tránh tắc đường giờ cao điểm, thứ hai để tranh thủ có thời gian học tiếng Nhật trước khi vào giờ làm việc. Buổi tối mình cũng học đến tầm 23h30 rồi buổi sáng mình cũng dậy sớm để học. Những lúc đến mùa thi cử có những hôm mình phải dậy từ lúc 3 4h sáng để tranh thủ học. Mình duy trì thói quen đó một thời gian khá dài. Ngoài ra mình còn thuê luôn cả gia sư dạy 1-1, rồi cả giáo viên dạy 1-1 khi học lên level cao như N3, N2. Mình học khá sách vở, một phần cũng không có thời gian nên chỉ tập trung vào thi cử mà những kỹ năng khác như viết và nói mình khá kém. Sau này qua Nhật mình mới tập trung phát triển những kỹ năng đó. Cuối tuần mình có đến các trung tâm dạy tiếng Nhật miễn phí do những người lớn tuổi đứng lớp. Vừa học tiếng Nhật vừa tìm hiểu, nghe chia sẻ về văn hoá của họ. Buổi tối mình có học thêm một ít trên italki, nền tảng cho phép mình học trực tiếp với người native. Hiện tại thì năng lực tiếng Nhật của mình đang mai một dần vì mình đang chuyển sang môi trường nói tiếng Anh, không tập trung học tiếng Nhật nữa.

6- Khi sang Nhật, làm việc với đồng nghiệp Nhật Bản, anh giao tiếp với họ có thuận lợi trôi chảy không? Có khi nào anh thấy thà chuyển sang nói tiếng Anh cho tiện không?

Khi mới sang Nhật mình rất áp lực và sợ mỗi lần họp với các bác người Nhật. Đến mức mình phải chạy bộ vào buổi chiều mỗi ngày để giải tỏa áp lực. Dự án mình làm từ đầu, từ giai đoạn PoC(Proof of Concept) nên phải tìm hiểu và research khá nhiều. Và mình phải giải thích với các bác người Nhật những gì tìm hiểu được, những khó khăn gặp phải …vv. Lúc đó mới sang tiếng Nhật mình nghe nói còn rất hạn chế, từ vựng chuyên ngành rồi kính ngữ. Có những thứ giải thích bằng tiếng Việt đã rất khó nhưng phải giải thích bằng tiếng Nhật. Mình giải quyết bằng cách trước mỗi buổi họp mình chuẩn bị rất kỹ, viết ra nội dung trình bày bằng tiếng Nhật. Đọc đi đọc lại, luyện nói và đặt ra các tình huống có thể bị hỏi để chuẩn bị câu trả lời tối hôm trước. Sau một thời gian thì dần dần mình quen dần và không phải căng thẳng trước mỗi buổi họp nữa. Có khi nào anh thấy thà chuyển sang nói tiếng Anh cho tiện không? Thú thật tiếng anh giao tiếp của mình lúc đó kém còn hơn tiếng Nhật, mình chỉ mới cải thiện trong vòng 6 tháng gần đây(cũng là một hành trình nữa :D). Nhưng theo ý kiến cá nhân của mình, người Nhật sẽ đánh giá cao nếu bạn cố gắng giải thích bằng tiếng Nhật bằng cách này hay cách khác, làm sao để họ thấy được mình rất muốn truyền đạt bằng ngôn ngữ của họ thay vì nói một thứ ngôn ngữ khác. Trường hợp bất đắc dĩ sử dụng tiếng Anh, có thể sẽ phải đi kèm một câu xin phép trước vì bản thân mình sẽ có cảm giác thất lễ.

7- Được biết anh đã tự học và ôn thi được rất nhiều chứng chỉ : AWS Associate -> Pro, PMP, Oracle Java…Anh hay so sánh qua về các chứng chỉ này ở các tiêu chí sau:

  • Mức độ áp dụng vào thực tế công việc của anh

  • Mức độ khó (khó học, khó nhớ, khó thực hành)

  • Mức độ hứng thú của kỳ thi đối với anh

  • Mức độ trọng dụng, đón nhận của khách hàng hay dự án đối với chứng chỉ đó

Gần đây mình khá ngại khi nói về vấn đề chứng chỉ, nó là một chủ đề gây khá nhiều tranh cãi. Đối với mình, nếu có thời gian và công ty hỗ trợ, việc học thi chứng chỉ là rất tốt. Có nhiều lợi ích khi sở hữu một chứng chỉ. Như đối với những người làm trái ngành, hoặc không có cơ hội, điều kiện để theo học các trường đại học, bên cạnh một project thực tế mình thấy chứng chỉ cũng khá cần thiết, vì nó có thể bù đắp phần nào tấm bằng đại học hoặc chuyên môn của bạn. Trong môi trường doanh nghiệp, nếu bạn có chứng chỉ thì sẽ được ưu tiên và tin tưởng hơn khi giao việc cho bạn nếu các tham số khác giữa hai người hoàn toàn giống nhau. Khi công ty đấu thầu dự án, chứng chỉ cũng là một cách chứng minh năng lực rất hiệu quả.

Nhưng quan trọng nhất vấn là năng lực giải quyết vấn đề, và hiệu suất làm việc thực tế. Đối với mình, người có năng lực chắc chắn sẽ lấy được bất kỳ chứng chỉ nào, còn người có chứng chỉ chưa chắc đã có năng lực thực tế vì có rất nhiều cách để lấy một chứng chỉ. Việc học với theo đuổi một chứng chỉ đối với mình ngoài việc học thêm kiến thức mà có thể mình sẽ không có cơ hội có được khi làm dự án thực tế, thì để tạo thói quen học tập, rèn luyện tính kỷ luật, tạo mục tiêu và quản lý thời gian để hoàn thành mục tiêu cá nhân cũng là lý do chính.

Một vài chứng chỉ mình đã lấy được:

Java (Oracle)

Nếu bạn chọn Java làm ngôn ngữ để theo đuổi, thì mình khuyên nên theo học kiến thức của 2 bài thi OCA(Oracle Certified Associate) và OCP (Oracle Certified Professional), mình khuyên nên học vì việc thi phụ thuộc vào điều kiện của từng người. Nhưng nội dung kiến thức thực sự rất quý giá. Bạn sẽ hiểu được lý thuyết về OOP(Object-oriented programming) sâu sắc hơn, nắm được các thư viện trong Java có gì thay vì mỗi lần phải lên mạng tìm kiếm, hiểu được những lỗi compiler trả về mà nhiều lúc bạn còn chẳng hiểu tại sao. Mình thực sự rất thích Java và đến giờ mình mới chỉ học được một phần của Java Core và còn rất nhiều thứ nữa để học.

Cloud(AWS, Google Cloud)

Gần đây đa số các hệ thống đều được triển khai trên Cloud thay thế cách làm truyền thống. Kỹ năng về Cloud là vô cùng quan trọng. Bạn có thể nhìn thấy những thông tin đăng tuyển dụng, hầu hết trong số đó đều ưu tiên những ứng viên biết về AWS, Google Cloud và Azure. Chỉ ít năm nữa thôi mình nghĩ những kỹ năng này sẽ là bắt buộc. Nên hãy học và trang bị kỹ năng này càng sớm càng tốt.

PMP

Mình áp dụng kiến thức của PMP trực tiếp vào dự án không nhiều, vì role của mình là Software Engineer không phải Project Manager. Nhưng mình hiểu được một dự án được vận hành như thế nào, mình đóng vai trò gì trong dự án, trách nhiệm của mình là gì. PMP có 3 domains chính: People, Processes và Business Environment. Mình học được rất nhiều thứ từ People giúp mình biết cách làm việc với mọi người hiệu quả hơn. Những kiến thức về Business Environment cũng rất thú vị, giúp mình hiểu được mình đang làm, phát triển cái gì và mục đích cuối cùng là để làm gì. Processes thì mình tập trung học Agile và mình là một trong những người ủng hộ cách làm Agile trong công ty, tuy nhiên không phải dự án nào cũng áp dụng được.

8- Phương pháp học và ôn thi chứng chỉ của anh là gì? Hãy kể chi tiết cả lịch ôn thi, phần mềm hỗ trợ để ôn…

Phương pháp học tập của mình cũng không có gì đặc biệt, mình nghĩ mọi người đều biết. Cố gắng kiên trì, kỷ luật, chịu khó thì chứng chỉ nào cũng lấy được hết.

Mình không kể chi tiết được nhưng mình đều có chung một cách thực hiện:

Bước 1: Xác định chứng chỉ mình muốn lấy, và tìm hiểu kỹ xem có thực sự cần và phù hợp định hướng của bản thân, công ty không.

Bước 2: Tham khảo cách học, thời gian học của người khác, xác định độ khó

Bước 3: Lên kế hoạch thực hiện, các mốc thời gian chính, thời gian thi dự kiến

Bước 4: Tổng hợp tất cả các nguồn tài liệu, ưu tiên những tài liệu chính thống, mình thích đọc sách hơn là xem video nhưng vẫn kết hợp cả 2. Mình học chủ yếu theo các khoá trên Udemy, Coursera và mua ebook để học.

Bước 5: Dồn hết thời gian rảnh, tập trung thực hiện, những lúc ôn thi chứng chỉ nào đó ngoài thời gian làm dự án ở công ty ra, mình dành hết gần như toàn bộ thời gian rảnh để học, kể cả đang ngồi trên tàu xe, chờ đèn xanh đèn đỏ…

Bước 6: Làm để thi thử, làm càng nhiều càng tốt, cố gắng đảm bảo mình cũng đã làm hết những gì người khác đã làm. Cộng thêm những phần mình tự ôn luyện thêm nữa.

Bước 7: Đăng ký thi và đi thi (có một vài chứng chỉ bước này cần thực hiện sớm để sắp xếp phòng thi từ trước)

Vì vậy thời gian mình ôn thi để lấy một chứng chỉ khá ngắn vì mình tập trung hết toàn bộ thời gian trong lúc ôn thi để đạt hiệu quả tối đa nhất. Vì các chứng chỉ đa phần là hỏi lý thuyết mà mình học lý thuyết khá nhanh. Còn về thực hành thì để thực sự đủ điều kiện để lấy một chứng chỉ bạn phải thực hành cả mấy năm trời.

9- Hãy kể về một dự án phần mềm mà anh thích thú nhất, làm hăng say, khách hàng hài lòng, phần mềm vận hành ổn…

Cách đây hơn 3 năm mình có làm một dự án liên quan đến vận tải. Ngày đó mình được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng phát hành phiếu giảm giá cho hệ thống. Công việc rất thú vị mình được làm từ đầu đến cuối, từ giai đoạn thiết kế đến lúc chức năng được tích hợp vào hệ thống. Do thời gian cũng khá gấp nên có những hôm mình ngồi làm quên cả thời gian đi ăn trưa, đến chiều tối mới nhận ra. Kết quả sau khi chức năng ra mắt thì được người dùng rất đón nhận và thu hút được nhiều người dùng sử dụng ứng dụng hơn.

10- Hãy kể về cuộc sống ở bên Nhật của anh:

  • Việc xin visa làm việc tại Nhật có những bước gì, thủ tục gì?

  • Khoảng cách từ nơi anh ở đến văn phòng làm việc? Anh di chuyển bằng phương tiện gì? Mất bao thời gian

  • Anh thức dậy từ mấy giờ sáng? và trở về nhà lúc mấy giờ?

  • Một tuần anh làm bao nhiêu ngày?

  • Anh có phải làm over time không? nếu có thì trung bao bao nhiều giờ overtime trong 1 tuần?

  • Anh đã đi tham quan những nơi nào ở nước Nhật, nơi nào làm anh ấn tượng nhất?

Mình may mắn được công ty tạo điều kiện cho qua Nhật làm việc nên phần thủ tục làm visa được công ty hỗ trợ. Mình chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như một chiếc CV, bằng đại học, hộ chiếu và các chứng chỉ liên quan đến IT nếu có. Do dịch Covid nên việc làm giấy tờ và chờ xét duyệt của mình mất rất nhiều thời gian. Làm từ gần giữa năm mà tận cuối năm mình mới bay được.

Cuộc sống ở Nhật mình thấy rất thoải mái và dễ chịu, không có cảnh tắc đường, người người chen nhau vào thang máy, lối gửi xe như ở Việt Nam. Người Nhật rất lịch sự, nếu bạn là người đứng ở chỗ cửa thang máy thì nếu ở Việt Nam bạn là người ra thang máy đầu tiên, nhưng ở Nhật họ sẽ là người ấn giữ thang máy để cửa không đóng và nhường cho mọi người ra trước.

Khi qua đường thỉnh thoảng bạn sẽ nhìn thấy cảnh người đi bộ nhường người đi ô tô, người đi ô tô nhường người đi bộ không ai đi trước cả.

Công ty mình bắt đầu làm việc khá muộn, nên mình thường thức dậy vào lúc 7h30. Mình đến công ty bằng tàu vì bên Nhật đa số sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Mất 15 phút đi tàu và khoảng 10 phút đi bộ là mình đến công ty. Mình làm việc từ 10h đến 19h, nghỉ trưa 1h, các ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Mình làm việc trực tiếp với người Nhật nên việc quản lý tiến độ, estimate họ làm rất cẩn thận và thời gian khá thoải mái nên mình gần như không phải OT vì người Nhật đi chậm mà chắc.

Hơn 2 năm ở Nhật mình được trải nghiệm cuộc sống ở 2 thành phố lớn là Tokyo và Osaka. Ngoài ra mình cũng đi du lịch và khám phá nhiều nơi như Hokkaido, Yokohama, Kyoto, Kobe, núi Phú Sĩ, Tokyo Disneyland, Universal Studios Japan … Lần đi ngắm núi Phú Sĩ để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất.

11- Các dự án phần mềm anh làm ở Nhật sử dụng những công nghệ gì? (Technology Stack)?

Các công nghệ mà dự án mình làm hay sử dụng:

Infrastructure (Cloud): AWS, Google Cloud

Backend: Nodejs, TypeScript, Java

Frontend: Angular

Mobile applications: Flutter

Database: DynamoDB, PostgreSQL

Container: Docker

Frameworks: AWS SAM, Express, Serverless Framework, Spring, Amplify

Security: SAML, Oauth2, Openid Connect

12- Quy trình quản lý, phát triển phần mềm ở Nhật khác gì với Việt nam (Quy trình, công cụ, phương pháp quản lý tiến độ, mã nguồn)?

Theo như mình quan sát thì ở Nhật cách làm chủ yếu vẫn là sử dụng mô hình Waterfall để phát triển phần mềm. Một vài công ty môi trường global thì mình thấy họ đã áp dụng Agile vào dự án rất nhiều. Dự án của mình tất cả mọi thứ đều được quản lý trên Microsoft Teams. Người Nhật quản lý rất chặt về chất lượng dự án, đặc biệt là quy trình test của họ. Số lượng test case phải được đảm bảo, test coverage phải cao. Nếu phát hiện lỗi trong quá trình test thì sẽ được phân loại rất cụ thể, tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ để hạn chế xảy ra lỗi trong tương lai. Họ có những phải excel để quản lý chất lượng rất kinh dị. Đó cũng chính là lý do làm mình thấy sợ khi làm việc trên excel với người Nhật, mình đang chuyển dần hết sang sử dụng Markdown để làm tài liệu.

13- Cảm nhận của anh về đồng nghiệp Nhật Bản xét theo các tiêu chí ( trình độ chuyên môn, tinh thần cầu tiến học hỏi, hoà đồng - hợp tác, khả năng sáng tạo, làm việc độc lập…)

Mình làm việc với các bác lớn tuổi hơn mình rất nhiều, có đến cả hơn 30 năm trong nghề. Nhưng các bác vẫn code rất “khoẻ", thậm chí tốc độ của mình nhiều khi còn không theo kịp mặc dù mình không chậm. Mọi người làm việc độc lập với nhau và nói rất ít. Dự án mình hơi đặc thù nên vậy. Nhưng mình có tham gia những dự án khác nữa thì thấy người Nhật họp rất nhiều và quá nhiều. Các bác rất điềm đạm, khi có vấn đề xảy ra rất bình tĩnh xử lý. Nhưng có một điều mình để ý và cảm nhận được, lúc mình báo cáo thì lúc nào cũng được khen tốt nhưng có thể output đó có thể bị sửa ngay sau đó mà bạn không hay biết :))))

14- Nếu anh được giao làm project manager một dự án phần mềm có 6-8 người Nhật, có vài người còn lớn tuổi hơn anh. Tuy nhiên anh là người trẻ, năng động và có khả năng tự học nhanh. Anh có sẵn sàng nhận trách nhiệm này không? Theo anh những người Nhật có chấp nhận để một người VN làm quản lý của họ vì mục tiêu thành công của dự án?

Mình không ngại gì cả, sẵn sàng nhận nhiệm vụ nếu mình cảm thấy có thể đảm nhiệm được và làm tốt hơn những người khác.

Ý thứ 2 rất khó để trả lời, người Nhật làm việc rất tập thể và bao giờ cũng vì mục tiêu chung và dài hạn. Cho dù xảy ra mâu thuẫn nội bộ nhưng họ cũng sẽ cố gắng không để ảnh hưởng đến dự án. Nhưng để chấp nhận để một người Việt Nam lên làm quản lý là rất khó, vì tính tự tôn của họ rất cao. Theo quan điểm cá nhân của mình, tuỳ vào từng công ty vẫn có khả năng người Nhật chấp nhận để người Việt Nam lên làm quản lý. Trong các công ty truyền thông thì rất khó, nhưng trong các công ty global ở Nhật mình thấy nhiều người Việt được làm ở những vị trí rất cao.

15- Khi anh làm việc ở Nhật, có bao giờ anh muốn bỏ tất cả để về ngay Việt nam? Hãy kể về hoàn cảnh lúc đó.

Mình chưa bao giờ tiêu cực đến mức đó, giả sử có tình huống đó xảy ra mình sẽ giải quyết bằng cách đi du lịch, gặp bạn bè đồng nghiệp nhờ giúp đỡ, nghĩ đến lý do bao năm mình phấn đấu để được qua Nhật. Vì trước khi qua Nhật mình đã xác định tinh thần từ trước, mọi thứ ban đầu sẽ rất khó khăn.

16- Hiện nay giá một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ ở VN là 3 tỷ. Theo anh tính toán thì một lập trình viên VN sang Nhật làm việc sống tiết kiệm không đi nhà hàng (tự nấu ăn), không uống StarBuck (tự pha cafe uống), không đi xem phim ở rạp (mua tài khoản Netflix xem) thì cần phải làm trong bao nhiêu năm sẽ mua được chung cư này?

Câu này mình không trả lời được, vì hiện tại mục tiêu của mình chưa phải là kiếm tiền để mua nhà nên cũng chưa tìm hiểu. Nhưng mình nghĩ trung bình một người mới ra trường sẽ phải mất tầm hơn 5 năm.

17- Khi ở Nhật, anh có bao giờ tự nấu ăn? Anh có thể những món anh nấu thành thạo nhất?

Ở Nhật mình đa số tự nấu ăn ở nhà và nấu các món cơ bản như kho thịt, cá … Có rất nhiều quán tạp hoá, cửa hàng Việt nam ở Nhật, mọi người có thể mua bất cứ thứ gì. Đồ ăn ở Nhật rất ngon, đặc biệt mình thích món cá nướng và sushi.

18- Anh có ý định ở lại Nhật cư trú vĩnh viễn? Xin hỏi thêm là chính phủ Nhật có tạo điều kiện cho nhân công chất lượng cao nước ngoài cư trú vĩnh viễn ở Nhật? (Ưu đãi thuế, thuê nhà…)

Sau 2 năm làm việc ở Nhật thì kế hoạch sắp tới của mình có chút thay đổi. Mình quyết định về nước và chuyển từ môi trường tiếng Nhật sang môi trường sử dụng tiếng Anh. Một phần vì lý do cá nhân, một phần vì muốn trải nghiệm môi trường, thử thách mới. Vì mình cảm thấy tiếng Nhật làm mình bị chậm lại, và cơ hội của mình ít hơn so với môi trường tiếng Anh. Một lý do khách quan nữa gần đây đồng Yên giảm khá mạnh.

Về nhân công chất lượng cao mình không rõ về thông tin này lắm, các bạn bè đồng nghiệp của mình muốn xin dạng visa này để xin vĩnh trú sớm hơn thay vì phải sống ở Nhật ít nhất 10 năm mới đủ điều kiện.

19- Tôi có xem một kênh YouTube của một anh chàng người VN lấy vợ Nhật. Theo anh cơ hội làm quen một bạn gái người Nhật khi làm việc ở Nhật có cao không?

Theo mình quan sát thì cơ hội khá thấp. Các trường hợp mình biết đa phần làm việc chung công ty, đồng nghiệp lâu năm.

20- Theo anh, thu nhập 1 kỹ sư phần mềm ở VN tại Nhật có đủ bao cấp cho vợ anh ý cùng sang sống ở Nhật. Chị vợ không đi làm chỉ ở nhà nấu nướng…

Mình nghĩ việc đó khá thoải mái. Vì chi phí chủ yếu là tiền nhà, tiền điện và ga hằng tháng. Thêm các dịch vụ như điện thoại, Internet, ở Nhật các dịch vụ này rất đắt đỏ. Những chi phí này khá cố định hằng tháng. Nếu bạn đem thêm vợ qua Nhật thì chi phí phát sinh thêm không nhiều (mình nghĩ thế, vì chưa nghĩ ra được thêm khoản lớn nào). Thêm vào đó bạn có người nấu ăn ở nhà, không phải đi ăn ngoài có thể tiết kiệm được một khoản. Nhưng nếu có thêm con nhỏ thì lại là một vấn đề. Có rất nhiều chi phí phát sinh thêm, việc này ở các thành phố lớn ở Việt Nam cũng rất đau đầu chứ chưa nói đến ở Nhật.

Kết

Mình đọc được khá nhiều câu chuyện đầy nghị lực ở Techmaster và bản thân mình cũng đã chứng kiến khá nhiều trường hợp trái ngành chuyển sang ngành IT và họ rất thành công. Nên nếu có ý định muốn thử sức, đừng ngần ngại, chỉ cần mọi người cố gắng sẽ có người giúp bạn đi những bước đầu tiên trên sự nghiệp. Chẳng bao giờ là muộn cả, mình xuất phát điểm cũng không có gì, không ngoại ngữ, không đam mê, không có kỹ năng lập trình, chẳng biết gì về máy tính vì mình ở quê ra thành phố học. Nhưng sau 5 năm cố gắng, mình thấy tiến bộ mỗi ngày và thấy rất vui vì điều đó. 2 năm làm việc ở Nhật thực sự rất giá trị và xứng đáng với nỗ lực mà mình đã bỏ ra. Đất nước, con người ở đây xứng đáng để học hỏi. Hơi tiếc vì sắp tới có thể công việc của mình không liên quan gì đến người Nhật và tiếng Nhật nữa.

Chúc mọi người nói chung và học viên Techmaster nói riêng năm mới thành công, làm đồ án được điểm cao, sớm kiếm được việc làm ưng ý trong tình hình hậu Covid đang khó khăn hiện tại! Chúc Techmaster đào tạo thêm được nhiều nguồn lực chất lượng hơn nữa cho doanh nghiệp và ngày càng phát triển, mở rộng thêm được các chi nhánh khác tạo điều kiện cơ hội đến với nhiều người hơn.