Bài viết này sẽ giúp các bạn không học chuyên ngành CNTT muốn học và luyện thi chứng chỉ FE với tỷ lệ đỗ cao. Và nếu không đủ kiên nhẫn để ôn thi FE, tôi sẽ tư vấn cho bạn nhiều lựa chọn khác.
Mở đầu
Hiện nay, có rất nhiều du học sinh ở Nhật mong muốn thi chứng chỉ FE (Fundamental Engineering), tạm dịch là chứng chỉ cơ sở kỹ thuật CNTT. Chứng chỉ này dùng để đánh giá mức độ hiểu biết, sẵn sàng làm trong ngành CNTT, tương đương kiến thức của một sinh viên học chuyên ngành CNTT hệ 4 đến 5 năm. Ở Nhật Bản, có nhiều trung tâm đào tạo nghề cũng hướng sinh viên thi chứng chỉ này để được công nhận khi đi xin việc. Ngoài kỳ thi FE, còn có kỳ thi IT Passport đánh giá mức độ hiểu biết căn bản về IT, mức độ khó thấp hơn dành cho đối tượng tester hoặc kỹ thuật viên. Kỳ thi AP (Applied Information Technology Engineer Examination), mức độ khó cao hơn FE, có nhiều câu hỏi liên quan đến lập trình và thuật toán, phát triển phần mềm. Sinh viên học CNTT ở những trường hàng đầu tại Việt nam hiện nay, sau khi tốt nghiệp cũng phải mất cỡ khoảng 3 tháng ôn thi tập trung đúng phương pháp thì tỷ lệ thi đỗ FE rất cao > 70%. Còn nếu một lập trình viên kinh nghiệm trên 3 năm, nếu không có sự chuẩn bị hợp lý thì tỷ lệ thi đỗ FE gần như bằng 0. Tỷ lệ đỗ trung bình kỳ thi FE ở VN khoảng 20-24%.
Như vậy kỳ thi FE sẽ rất nặng vào việc luyện thi bộ đề. Hiện có khoảng 22 bộ đề và câu trả lời mẫu. Đề thi sáng 80 câu, đề thi chiều 8 câu nhưng rất dài…
Hỏi đáp
Q: Có thể học vẹt để thi chứng chỉ FE không?
A: Chắc chắn không ! Những bạn đã nắm được bản chất, lý thuyết tốt cũng phải học vẹt một số hạng mục lý thuyết. Nhưng nếu hoàn toàn không học CNTT bài bản thì việc học vẹt theo bộ đề để đi thi là không thể. Những câu hỏi lặp lại trong bộ đề là không có. Chỉ có dạng câu hỏi lặp lại thôi, nhưng khá đánh đố, bạn cần đọc kỹ, dùng phương pháp loại trừ để chọn ra câu hỏi đúng.
Q: Nếu tôi không học chuyên ngành CNTT muốn thi chứng chỉ FE đảm bảo đỗ thì làm thế nào?
A: Bạn cần dành ra cỡ 2 năm để học CNTT cụ thể là lập trình, sau đó dành ra khoảng 4 tháng tập trung ôn thi FE.
Q: Tôi nên chọn FE tiếng Anh, tiếng Nhật hay Việt?
A: Hiện nay đề thi FE ở Việt nam có 2 lựa chọn Anh và Việt. Đôi khi đọc đề tiếng Việt còn khó hiểu hơn cả đề tiếng Anh. Còn nếu bạn ở Nhật, có thể có 2 lựa chọn Nhật và Anh. Tuỳ vào năng lực ngoại ngữ của bạn và thời gian ôn thi bạn hay làm bộ đề bằng ngôn ngữ gì thì khi thi chọn ngôn ngữ đó.
Q: Tôi có nhất thiết phải có chứng chỉ FE thì mới được tuyển dụng vào một công ty Nhật Bản?
A: Không ! Nếu bạn có kinh năng lập trình tốt, sử dụng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh tốt, có những dự án cụ thể để demo, và vượt qua kỳ phỏng vấn khả năng cao bạn vẫn tuyển dụng.
Q: Có những kỳ thi, chứng chỉ gì mà các công ty Nhật Bản ưa chuộng có thể thay thế cho FE?
A: Oracle Certified Associate Java Programmer, Amazon Web Service Solution Architect Associate, Amazon Web Service Developer Associate, Microsoft Certification. Những chứng chỉ này chỉ tập trung sâu về một công nghệ, có nhiều bộ đề với đáp án, có thể tập trung học với thời gian ngắn hơn và thi tỷ lệ đỗ cao hơn FE.
FE rộng nhưng không sâu
Như tôi đã nói ngay ở trên, nếu bạn không học chuyên ngành CNTT, mà bạn luyện thi FE ngay thì xác suất đỗ là rất thấp bởi bạn sẽ chỉ hiểu cỡ khoảng 30% nội dung thi, 70% còn lại là may rủi học vẹt.
Kể cả khi có chứng chỉ FE, khi bạn đi làm ở một công ty phần mềm Nhật Bản, bạn sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm thực tế. Chủ đề thi của FE rất rộng bao gồm kiến thức căn bản điện tử số (digital electronics), kiến trúc hệ điều hành (operation system), quản trị rủi ro (risk management), phân tích nghiệp vụ (business analysis), lập trình căn bản (basic programming), cấu trúc dữ liệu giải thuật (data structure and algorithm), cơ sở dữ liệu (relational database, sắp tới có thể cả no-sql), an toàn bảo mật thông tin (information security)… Nhưng FE lại không hỏi sâu về một chủ đề cụ thể hay để đánh giá kỹ năng lập trình Web, di động, điện toán đám mây. Thế nên xảy ra mấy trường hợp sau đây:
- Một lập trình viên giỏi, code tốt, nhưng không ôn thi FE, khi thi tỷ lệ đỗ gần 0%.
- Một sinh viên CNTT học lực bình thường, chăm chỉ luyện thi FE, làm đi làm làm các bộ đề, tỷ lệ đỗ trên 70%, khi vào dự án phần mềm thực tế code vẫn tệ.
Tuy nhiên một khi đã vượt qua kỳ thi FE, chắc chắn bạn là người có hiểu biết rộng, có kiến thức cơ sở CNTT rất vững vàng, lý luận tốt, học chuyên sâu kỹ thuật gì cũng dễ hơn người chưa thi FE. Tên kỳ thì Fundamental Engineering phản ánh đúng thực tế này.
Lộ trình học để thi FE
Sau một hồi lòng vòng, tôi ngắn gọn thế này để các bạn dễ nắm bắt:
- Hãy học lập trình bài bản một khoá học full stack cỡ khoảng 7 tháng liên tục, làm ra một số sản phẩm cá nhân nho nhỏ. Thử tìm việc. Nếu tìm được việc tốt, lương khá, hãy làm 1 năm để lên kinh nghiệm đã.
- Học thêm một khoá nâng cao kiểu như DevOps, Amazon Web Service cỡ 3-4 tháng, thi chứng chỉ Oracle Certified Associate Java Programmer, AWS Solution Architect Associate. Nếu có chứng chỉ, thử apply việc ở công ty Nhật. Nếu được tuyển dụng thì khỏi cần thi FE ! Lệ phí thi FE không đắt, nhưng nó đòi hỏi bạn rất nhiều thời gian. Mà thời gian là cơ hội, tiền bạc nhé.
- Sau bước 1 hoặc (1 và 2), mà bạn vẫn thấy cơ hội nghề nghiệp không có, vẫn cần FE mới có thể ở lại Nhật Bản, lúc này dành ra 4 tháng chuyên tâm để luyện thi FE.
Như vậy trên con đường giành được FE, đôi khi bạn sẽ thấy có rất nhiều cơ hội tốt mở ra và đôi khi chả cẩn thi FE nữa ! Dân số Nhật Bản đang già đi rất nhanh. Nhu cầu tuyển dụng lập trình viên rất cao. Nếu tự xét thấy trở thành lập trình viên viết được sản phẩm cụ thể vui hơn, phù hợp với bạn hơn, có cơ hội xin việc tốt hơn, thì đừng cố học vẹt để thi FE. Học vẹt để thi bất kỳ chứng chỉ công nghệ nào với tôi là mù quáng và phản tác dụng.
Trong 2 năm ~ 24 tháng, bạn chia ra thành 4 thời kỳ:
- Tìm hiểu cơ hội việc làm tại vùng bạn đang sinh sống, hoặc nơi bạn muốn chuyển đến. Mạnh dạn hỏi người có kinh nghiệm trong ngành CNTT, đọc kỹ khoảng 50 tin tuyển dụng CNTT để lọc ra những kỹ năng có nhu cầu cao nhất
- Học lập trình: 100 nghe không bằng 1 thấy, 100 thấy không bằng 1 sờ. Hãy đăng ký một khoá học lập trình dài hạn. Nếu bạn đang phải đi làm hoặc đi học thì có thể học lớp buổi tối và từ xa. Tôi cũng phải thành thật với bạn cách đây 30 năm (1992), chính tôi đã từng chán nản định bỏ lập trình vì thấy mờ mịt và học mãi không tiến bộ. Sau đó khi đã lập trình tàm tạm, tôi đã từng bị 6 công ty từ chối nhận vào. Giờ thì tình hình đơn giản hơn nhiều: có rất nhiều khoá học trực tuyến miễn phí, có phí chất lượng rất tốt, khó đâu chỉ cần google là ra đầy giải pháp, các ví dụ mẫu cũng nhiều, sách ebook để đọc chuyên sâu cũng nhiều. Các công ty cũng cởi mở và sẵn sàng tuyển những người không có bằng cấp CNTT. Nếu mục đích cuối cùng là thi chứng chỉ FE, thì bạn nên tham khảo khoá học “Lập trình Java Full Stack” tại Techmaster. Khoá học này kéo dài 7 tháng, mỗi tuần học 3 buổi. Học tại phòng lab hoặc học từ xa tuỳ bạn. Khoá chia thành nhiều môn học ngắn, có bài giảng microlearning gồm video ngắn, mã nguồn, hướng dẫn, quiz. Điều hay nhất là bạn có giảng viên hướng dẫn tháo gỡ ngay khó khăn. Các môn học trong khoá “Lập trình Java Full Stack” cung cấp cho bạn kỹ năng thực tế và kiến thức sẽ được hỏi trong kỳ thi FE ví dụ: lập trình căn bản, lập trình hướng đối tượng Java, tư duy logic, cơ sở dữ liệu quan hệ, lập trình web, cấu trúc dữ liệu - giải thuật, quy trình phát triển phần mềm, bảo mật, hệ điều hành…
- Luyện thi FE: giả sử sau bước 2, bạn đã thử đi xin việc nhà tuyển dụng vẫn yêu cầu bạn phải có chứng chỉ FE, hoặc thấy nhiều người bạn đã có chứng chỉ FE đi xin việc rất thuận lợi. Hãy dành hẳn 4 tháng để học và luyện thi FE. Tôi chia sẻ kỹ thuật luyện thi ở phần tiếp theo.
- Thi đỗ hoặc trượt FE Dù bạn thi đỗ và trượt FE, sau khi nhận kết quả thi xong, bạn vẫn phải trả lời làm gì tiếp đây. Nếu bạn trượt FE với điểm số gần đạt, cứ mạnh dạn chụp kết quả vào đơn xin việc. Nếu trượt một phần thi sáng hoặc chiều, thì chờ 5 tháng sau thi tiếp. Nếu tôi là bạn thì tôi vẫn sẽ đi xin việc luôn.
Kỹ thuật luyện thi bất kỳ loại chứng chỉ nào
Kỳ thi chứng chỉ hiện này đều được số hoá: một câu hỏi có 4 đến 5 lựa chọn. Tôi thường làm những cách sau đây để ôn thi:
- Sử dụng lược đồ tư duy - Mind Map để tiếp cận mỗi chủ đề theo hướng top - down. Có khoảng 50 chủ đề trong FE, vậy làm 50 mind map, in ra dán ở chỗ nào bạn thường xuyên nhìn thấy.
- Đối lập, so sánh, liệt kê, liên kết các chủ đề, các nội dung: ví dụ buble sort vs quick sort, hash vs encryption, HTTP 1 vs HTTP 2, client vs server…
- Nhập vai một chuyên gia chia sẻ lại kiến thức. Nếu bạn đã xem bộ phim “Catch Me If You Cant” do Dicaprio đóng. Bạn hãy đóng vai một người có chứng chỉ, giảng giải lại cho người khác bằng viết blog hoặc quay video chia sẻ trên YouTube.
- Nhận biết, khoanh vùng những điểm yếu để tập trung ôn lại. Nhiều bạn có bộ đề cứ thi ào ào nhiều lần mà thiếu sự rút kinh nghiệm.
Tài liệu ôn bổ xung
Sách
- Introduction to Java. Tác giả Daniel Lang, có nhiều ví dụ minh hoạ, hình vẽ sinh động, có cả bài tập và đáp án.
- Grokking Algorithms: An Illustrated Guide for Programmers and Other Curious People. Có nhiều hình ảnh minh hoạ cực vui nhộn.
- Computer Science Distilled: Learn the Art of Solving Computational Problems. Sách dành cho người mới bắt đầu
Video
- PowerCert Animated Videos . Bộ video giải thích cơ chế hoạt động networking…
- Programming with Mosh. Rất nhiều video dạy lập trình hay.
Khoá học
- Lập trình Java Full Stack 7 tháng. Tôi là người thiết kế nên khoá học này song song với đó tham khảo nội dung thi FE. Khoá học chỉ bao gồm 30% kiến thức sẽ thi trong FE nhưng lại cho bạn kỹ năng lập trình thực tế để đi xin việc ngay và sự tự tin khi luyện thi FE. Học xong khoá này, bạn có thể thi chứng chỉ Oracle Java Certified Professional, rất có giá trị ở Nhật Bản.
- Front End + React.js. Khoá học này chỉ bao gồm 10% kiến thức sẽ thi trong FE. Tuy nhiên nó tập trung dạy lập trình Web, giao diện. Với những bạn chưa quen tư duy logic, thì đây là điểm bắt đầu hợp lý. Cơ hội việc làm cũng tốt, kể cả khi bạn chưa FE, nhưng có sản phẩm đồ án, vẫn có thể xin được việc.
- Learn AWS the Hard Way. Nếu bạn bó tay hoàn toàn với FE, nhưng vẫn có đam mê CNTT, hãy cố gắng giành chứng chỉ AWS. Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư AWS rất cao. Khoá học này chỉ dành cho những bạn đã lập trình tối thiểu 8 tháng, đọc hiểu tiếng Anh tốt. Khoá học khá dài 30 buổi với 120 bài lab trên Python, Java, Golang…
Chia sẻ
- Kinh nghiệm học CNTT và thi FE của một bạn nữ. Học cấp 3, sau đó học 2.5 năm lập trình, làm lập trình viên 4 năm, luyện thi FE 3 tháng và thi đỗ
Bình luận