Tôi biết rất nhiều sinh viên chật vật học nhiều năm không thể thành thạo một ngoại ngữ, hoặc học lập trình nhiều lần mà vẫn thất bại. Lần nào cũng chỉ qua phần cú pháp căn bản là nản, bỏ cuộc. Rồi những lập trình viên qua tuổi 40 mất đi sự tập trung, đam mê công nghệ, hầu như không học thêm công nghệ mới, tà tà chuyển sang công việc mới.

Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World | Đọc Sách, Đọc  Truyện, Tải Ebook Miễn Phí - Epub.vn

Tình cờ, hôm rồi (4/6/2020), tình cờ kiếm được một quyển sách "Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World" của tác giả Cal NewPort, một nhà khoa học máy tính nghiêm túc, có nhiều công trình nghiên cứu và viết nhiều sách:

Trong sách Deep Work, Cal NewPort chỉ ra:

Khổ nạn mà công dân thời đại số, Internet, mạng xã hội gặp phải

  1. Thời gian bị phân mảnh nghiêm trọng, không thể tập trung làm một việc gì hữu ích.
  2. Thay vì tự suy nghĩ để tạo ra sản phẩm sáng tạo nổi bật, thì lại đi tìm kiếm từ nhiều nguồn rồi tổng hợp lại.
  3. Suy nghĩ nông cạn hời hợt (shalow thinking) chứ không suy nghĩ sâu (deep thinking).
  4. Họ tưởng họ lợi dụng được công nghệ để làm việc hiệu quả hơn, nhưng thực tế họ đang bị các dịch vụ số lợi dụng để quảng cáo, thu thập thông tin và thói quen cá nhân.
  5. Những công việc lặp đi, lặp lại bằng cơ bắp bị thay thế bởi robot, việc văn phòng quy trình lặp lại sẽ bị thay thế bởi máy móc thông minh (intelligent machine)
  6. Công việc sáng tạo có tính địa phương sẽ bị cạnh tranh, cướp mất bởi lao động, người sáng tạo, nghệ sỹ có kỹ năng tốt hơn, hiệu suất cao hơn. Ví dụ lập trình viên có thể làm việc xuyên biên giới. Bài hát, phim địa phương bị cạnh tranh bởi bài hát, bộ phim quốc tế xuất sắc hơn do các kênh phân phối Apple Music, YouTube, Spotify, Netflix.

Deep Work ~ Làm việc sâu có ý nghĩa thế nào?

Để là người chiến thắng hoặc tồn tại (không bị mất việc, đào thải) trong nền kinh tế mới, bạn cần phải làm chủ kỹ năng làm việc sâu:

  1. Khả năng học những kỹ năng khó trong một khoảng thời gian ngắn. Thay vì học tiếng Anh thi IELTS đạt điểm 7.0 trong 10 năm, hãy rút xuống còn 3 năm.
  2. Khả năng tạo sản phẩm, kết quả chất lượng cao (xuất sắc) với thời gian ngắn. Đây là cuộc đua khốc liệt trong không gian mạng rất rộng, ví dụ 2 phần mềm mã nguồn mở cùng chức năng, mục đích, phần mềm nào liên tục có thêm tính năng mới, code trong sáng, kiểm thử kỹ, tác giả liên tục vá lỗi, có văn bản hướng dẫn, ví dụ mẫu tốt sẽ được nhiều người chọn dùng.

Nếu bạn không thể học nhanh, làm chủ kỹ năng mới, bạn không thể phát triển. Không những vậy phải dùng kỹ năng đó để tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị được nhiều người công nhận. Ví dụ bạn tham gia một web site thi lập trình trực tuyến, bạn giải được rất nhiều đề bài khó, điểm cao chót vót. Đã đến lúc bạn dùng kỹ năng lập trình tốt của mình để viết sản phẩm hữu ích như David Heinemeier Hansson tạo ra Ruby On Rails. Nếu bạn chỉ dừng lại ở kỹ năng xuất sắc, mà không tạo ra hay tham gia nhóm tạo sản phẩm, dịch vụ hữu ích, bạn vẫn chưa đạt mục tiêu của Deep Work.

The Language Journal: The Thinker – A symbol of reflection and deep thought

Làm thế nào để làm việc sâu - Deep Work?

Tôi vẫn nhớ một trò đùa hồi còn đi học như sau. Ngồi cạnh tôi là một người bạn viết chữ rất nắn nót và đẹp. Một hôm tôi thách cậu ý có thể viết đẹp nếu tôi liên tục rung rung cẳng tay phải của cậu ta. Kết quả là chữ viết cực kỳ run rẩy, loằng ngoằng. Khi học ngoại ngữ, lập trình, chơi đàn, chơi cờ hay học một kỹ năng cần nhận thức, chỉ một góc nhỏ trong não thực sự cần được kích hoạt, lặp đi lặp lại nhiều lần để ghi lại thông tin vào não bộ. Quá trình ghi nhớ vào não bộ càng nhiều lần, càng ít bị nhiễu, thì người học sẽ càng mau tiến bộ. Mỗi thành tích đạt được sẽ làm người học thêm phấn khích (như một dạng được nhận phần thưởng), quá trình học lại càng phấn khích thuận lợi.

Vậy để Deep Work, mỗi cá nhân phải nỗ lực loại bỏ nhiễu không cần thiết mà ở đây là sự chen ngang của mạng xã hội, điện thoại, chát, tin nhắn, tiếng ồn, không gian nhiều người qua lại, hình thành một thói quen tập trung làm một việc trong một thời gian đủ dài 2-4 tiếng liên tục, ra kết quả cụ thể.

Thay vì làm nhiều việc cùng một lúc, hay làm từng việc một giải quyết dứt điểm, giảm tối đa các sự vụ bất thường chen ngang. Nếu đang làm dở một việc, rồi phải tạm ngưng chuyển sang việc khác, bộ não chúng ta vẫn còn lăn tăn, bất an về công việc dang dở. Nếu số công việc dang dở càng nhiều thì hiệu suất làm việc càng giảm. Các cụ đời xưa đã đúc kết một câu "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề" là vậy.

Chất lượng một sản phẩm trí tuệ = Số thời gian thực sự dành để làm sản phẩm x Mức độ tập trung/ chuyên tâm trong thời gian này. Trong một thống kế nhưng sinh viên tài năng ở các trường đỉnh của Mỹ, thì lượng thời gian họ bỏ ra để học một môn học thường thấp hơn những sinh viên đạt điểm thấp hơn, nguyên nhân là những sinh viên tài năng có phương pháp học hiệu quả và tập trung hơn.

Không biện minh cho hiệu suất thấp bằng sự bận rộn. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, năng suất của một công nhân được đo đếm bằng sản phẩm anh ta tạo ra. Hiện nay, hiệu quả một nhà nghiên cứu được đánh giá qua chỉ số h-index, số lượng - chất lượng bài viết trích dẫn bài viết của nhà nghiên cứu đó. Rất nhiều người lao động trí tuệ nhẫm lẫn tai hại giữa bận rộn và kết quả công việc. Một lập trình viên luôn nói mình bận rộn, nhưng không đẩy code lên git hub, không viết blog, không thể liệt kê rõ dự án anh ta tham gia và đóng góp ở phần nào là một lập trình viên tồi. Một quản lý liên tục nhắn tin, gọi điện, nhận việc, rồi lại giao việc cho người, anh ta cố gắng tạo cảm giác mình là quản lý năng nổ, nhưng thực chất anh ta làm việc chưa chắc đã hiệu quả, đang cố tình làm rối mọi việc, hoặc chỉ là người sai chuyền.

Liệu chúng ta có bị xa lánh hay mất đi cơ hội bán hàng khi tạm ngắt kết nối khi Deep Work

Mạng xã hội Facebook giúp chúng ta kết nối được nhiều người bạn mới, khách hàng mới hơn trước rất nhiều. Zalo, Skype, FaceBook Messenger giúp cho nhân viên bán hàng trả lời khách hàng nhanh chóng trao đổi với khách hàng tức thì với chi phí gần như bằng 0. Google Search, Stack Overflow giúp lập trình viên tìm ngay những đoạn code mẫu dùng lại được ngay, hoặc lời giải cho nhiều thuật toán đang nhé anh ta cần tập trung suy nghĩ để luyện tập trí não.

Tuy vào bạn muốn mình như thế nào bạn có thể chọn lựa:

  1. Tận dụng, tái sử dụng (hớt váng - cơ hội): cần tận dụng tối đa những gì sẵn có, lắp ghép lại. Kết nối thật nhiều, phản hồi thật nhanh nhưng không đem lại giá trị gì đặc sắc, có ích cho cộng đồng.
  2. Làm việc sâu, tạo ra giá trị hữu ích, đặc sắc, sáng tạo được cộng động ghi nhận và mua hàng.

Tôi sẽ có ngay ví dụ. Một số người tôi biết trên Facebook họ chỉ đi lê la cóp nhặt những post hay, ảnh thú vị rồi chia sẻ lại trên trang cá nhân của họ. Số lượng like cũng chỉ 4-10. Một số khá hơn, trước khi chia sẻ, viết thêm một chút cảm nghĩ, nhận xét của mình, số lượng like 10-30. Kiểu hớt váng này giờ đây nhiều ứng dụng tạo bot ảo Facebook đã làm được. Họ tạo ra những tài khoản giả, kết bạn, chia sẻ những bài viết, ảnh, video thú vị, lâu lâu cài thông tin bán hàng.

Giờ tôi nói đến việc bán hàng trên Facebook hay Zalo. Giữa một người liên tục post bài quảng cáo bán hàng nội dung nhàm chán, lặp đi lặp lại, không một chút cảm xúc và một người có thể 2-3 ngày mới post một bài nhưng có video quay, hậu kỳ kỹ lưỡng, đẹp, nội dung chi tiết rõ ràng về sản phẩm, bạn sẽ chọn mua của ai? Tôi không sẽ không sản phẩm từ một con người hời hợt, chia like, share để hớt váng. Tôi sẽ mua sản phẩm từ một chuyên gia tốt nhất trong ngành, chấp nhận chả chi phí cao hơn một chút nhưng dịch vụ tin tưởng.

Với Zalo cũng vậy, nếu một người bán hàng liên tục nhắn tin cho bạn khi nào bạn sẽ đặt hàng, hối thúc bạn mua ngay bạn có thích không? Rõ ràng bạn đang bị tạo áp lực khi bạn chưa sẵn sàng. Một người bán hàng thấm được tinh thần Deep Work, bạn nên dành thêm nhiều thời gian hiểu về sản phẩm, viết những bài chia sẻ công tâm, thêm một chút hài hước, vài điểm nhấn bắt trend. Khách hàng thấy được tình yêu và sự tận tâm với sản phẩm, dịch vụ của bạn, họ sẽ ra quyết định mua, không phải hôm nay, mà nhiều tháng sau đó. Đừng vội, vì vội cũng chả bán được hàng.

Lập trình viên cần luyện tập Deep Work như thế nào?

Đón đọc phần 2. 

Tôi sẽ quay trở lại viết blog phần 2 sau khi dạy xong lớp Spring Boot. Cảm ơn các bạn