Hôm nay kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại Học Bách Khoa Hà nội. Thăm lại trường vài bạn cũ đã làm trưởng bộ môn, phó khoa, nhiều thầy cũ đã là người thiên cổ. Bạn bè nhiều ông tóc bạc hoa râm, bụng mấy ngấn, số người tóc đen là thiểu số, mấy ông đã có biểu hiện quên tên bạn cũ. Tôi cũng là một người trong số đó. Vậy phải viết lại chút gì kẻo 10 năm nữa quên quên nhớ nhớ.
Người viết bài này hiện đang có một phòng lab thí nghiệm điện tử gồm đầy đủ máy hiện xung Oscilloscope, máy tạo xung, máy đo vạn năng, máy in 3D, công cụ cầm tay, các loại kit vi mạch điều khiển phổ biến trên thị trường. Phòng lab ở rất gần Bách Khoa. Anh em nào đã từng học Bách Khoa, thực sự thiết kế làm sản phẩm điện tử muốn dạy lại kinh nghiệm thực tế qua phòng lab thực hành cho thế hệ đàn em liên hệ ngay với mình. Mình là Cường, cuong@techmaster.vn. Chém gió, nói phét, lý thuyết xuông, ngại thực hành đừng bận tâm liên hệ mình.
Tôi học Điện Tử - Viễn Thông, K37, vào trường năm 1992, tốt nghiệp 1997. Con đường đến kỹ thuật của tôi giản dị: bố tôi là chủ xưởng cơ khí, chuyên thiết kế sửa chữa máy nông cụ, máy nổ, quạt, máy dệt...Ngày nào tôi cũng tiếp xúc với máy móc. Tôi đặc biệt yêu điện tử. Năm lớp 7, bố tôi có cho tôi xem một quyển sách "Radio thật là đơn giản", rồi hướng dẫn ra chợ Trời mua điện trở, transistor và dây đồng về quấn cuộn cảm để điều chế sóng mang (AM: Amplitude Modulation), lấy giấy bạc, cuốn xen kẽ với giấy thường làm tụ điện để tạo ra một chiếc radio to cỡ quyển sách. Chiếc radio chỉ hoạt động được khoảng 5 phút rỗi mãi mãi tắt ngấm (không rõ nguyên nhân gì) nhưng nó đem lại cho tôi niềm tin tuyệt đối với công nghệ, kỹ thuật.
Tôi quyết định học Bách Khoa từ lúc đó, lớp 7. Lúc này tôi đang học chuyên Anh ở trường PTCS Đoàn Kết. Trong lớp nhiều bạn gái xinh, phong trào học tiếng Anh trong lớp chuyên Anh lên rất cao. Riêng tôi thì chỉ quan tâm toán, vật lý, sinh học và máy móc. Những môn gì thực hành được, ra kết quả đo đếm được, nhìn được, sờ được là thích. Tôi hơi giống một kẻ ngược đời trong lớp chuyên ngữ.
Những năm học cấp 2 (1986-1989), tôi thỉnh thoảng đi vào Bách Khoa. Đoạn cổng Trần Đại Nghĩa đi vào bên phải là xưởng cơ khí, còn bên kia là ruộng lúa thí nghiệm. Hoàn toàn không có hàng quán, photocopy như ngày nay. Chỉ khoảng 7 giờ tối là đã tối om, ếch nhái kêu ộp oạp. Hồi đó cà cuống có nhiều. Tầm hè, cà cuống bò dưới chân cột đèn, dễ dàng bắt được về chấm nước mắm.
Ấn tượng nhất vẫn là cổng sắt C1 to, thư viện sách rộng nhiều hàng sách đủ các chủ đề. Các anh chị sinh viên gày gò không lớn hơn tôi là mấy. Nam mặc áo bộ đội màu xanh, còn nữ mặc quần đen, đi dép nhựa, đeo túi cói. Tôi có đi qua một số khoa. Khoa thực phẩm vi sinh, thấy các giảng viên mặc blue trắng, đang nghiên cứu cấy men vi sinh để sản xuất bia. Lúc này bia ở Hà nội rất đắt đỏ, bán kiểu tem phiếu xếp hàng. Nguyên liệu chính là hoa hublong từ Tiệp Khắc. Việc sản xuất bia cỏ là nhu cầu rất tự nhiên trong nhân dân. Bố tôi chế tạo một máy ủ bia và cử tôi đi "tham khảo học tập". Khóa cơ khí-chế tạo máy có xưởng như một nhà máy nhỏ.
Tại thời điểm đó trường Bách Khoa trong mắt tôi, rộng lớn, nhiều bộ môn công nghệ thực tiễn, máy móc hiện đại. Vì vậy từ lớp 7 đến lớp 12, 5 năm liền, tôi chỉ có một mục tiêu là vào học Bách Khoa, khoa Điện Tử. Cấp 3, tôi học chuyên ngành Vật Lý trường Ams. Khác với một số bạn trong lớp, học thật giỏi để thi đại học điểm cao để xuất đi du học. Tôi chỉ thích thú với thí nghiệm vật lý để chuẩn bị trở thành sinh viên điện tử Bách Khoa. Trường Ams cũng là nơi tiến bộ. Ở đó có nhiều câu lạc bộ Tin Học, Điện tử, Văn Thể Mỹ... Học sinh có nhiều điều kiện thí nghiệm, thực hành, sáng tạo có vẻ hơn nhiều các trường khác. Tôi ráp một chiếc xuồng thân bọt xốp, gắn động cơ thả ở hồ Giảng Võ, hay thí nghiệm đo gia tốc trọng trường bằng thả bi sắt, bấm thời gian, lắp dàn tên lửa...
Trong thập kỷ 90, VN nhập đồ điện tử từ Đông Âu (tivi Netptune đen trắng, radio Rigonda) và hàng bãi (Sanyo, Panasonic, Hitachi...) từ Nhật Bản. Nhiều người mong rằng công nghiệp điện tử phải là ngành công nghệ mũi nhọn của Việt nam, sản xuất ra những mặt hàng dân dụng thiết yếu bán đại trà như radio, casette, tivi, tủ lạnh, quạt. Chỉ tiếc là giấc mơ 30 năm trước về một ngành điện tử tự chủ sản xuất hàng hóa dân dụng của tôi đến nay vẫn "sắp" thành hiện thực.
05 năm, 1992-1997, học tại Bách Khoa là khoảng thời gian tuyệt vời phát triển năng lực bản thân. Tôi chân thành nhận xét thế này, 2 năm học đại cương, các giảng viên dạy chất lượng rất tốt, vì các môn này thuần túy lý thuyết. Mọi thứ đều từ công thức mà tính toán suy luận ra. Nên ai chăm chỉ học, làm bài tập đều thì sẽ có kiến thức nền tảng toán, lý, hóa rất chắc chắn. Tôi vẫn nhớ tốt tích phân, vi phân bậc 1, 2, 3, lấy lim, đại số tuyến tính,... Kiến thức này áp dụng ít nhiều cho lập trình Game và môn Machine Learning trong tin học.
Từ năm 3, một số môn chuyên ngành do không có kết nối với thực hành ngay khi học lý thuyết nên khá khó hiểu, khó ứng dụng thực tiễn. Lý thuyết và thực hành rất vênh nhau. Sinh viên điện tử BK khóa tôi nói chung lười thực hành, ngại va chạm.
- Môn lý thuyết mạch của cô Túy, phần transistor, diode, thyristor, sinh viên chả được thực hành đó. Mọi biểu đồ đặc tính đều chép từ sách chứ sinh viên không được kiểm định lại nên bạn tôi nhiều người hụt hẫng, sợ thực hành mà chỉ học qua môn cho xong.
- Môn lý thuyết thông tin của thầy Phương Xuân Nhàn rất hay, nhưng rất khó. Tôi biết nhiều anh em và cả tôi chả thể hiểu rõ khái niệm biến đổi Fourier biến đổi từ miền tần số sang miền thời gian và ngược lại. Sau này khi học cao học ở Hàn Quốc, phải dùng Matlab, đọc lại nhiều sách vở Tây tôi mới vỡ ra ít nhiều.
- Môn Vật Lý thầy Nguyễn Minh Hiển, khi chúng tôi học, thầy chuẩn bị lên hiệu trưởng. Thầy dạy được 3-4 buổi bập bõm, chém gió linh tinh một hồi rồi thầy nghỉ. Học ở giảng đường lớn, mỗi lần tiết thầy, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng, mơ mộng nhìn ra hồ công viên Thống Nhất bên kia đường Đại Cổ Việt. Mấy anh em khác ngồi tập vẽ 2 đường cong tròn tròn tượng tưởng ra từ ngắm áo các bạn gái ngồi hàng ghế trước. Môn này nền tảng cho nhiều môn khác nhưng sách giáo khoa lạc hậu, giảng viên cũng cẩu thả nên sinh viên môn này kêu và mất hứng thú học. Giáo sư đh Priceton đoạt giải Nobel 2016 vẫn đến lớp bình thường
- Môn Ăng Ten của thầy Phan Anh thì càng mơ hồ. Toàn những công thức tính búp sóng hết sức loằng ngoằng, mà đến giờ tôi không hiểu tại sao tôi chép đúng bài thằng khác được 7 điểm, còn nó phải thi lại !!!
- Môn Tivi đen trắng của thầy nhà ở phố Bà Triệu tôi phải thi lại. Để hiểu môn này, tôi đã phải mở tung tivi màu Sharp 21 inch nhà tôi ra xem. Mạch điện tivi Nhật lúc này đã dùng IC tích hợp nên chả giống với những thứ thầy mô tả, trừ bộ lái tia và mạch nắn điện xoay chiều ra một chiều.
- Môn radar của thầy Tuân có phần lập trình mô phỏng cũng vui vui. Tôi viết chương trình Visual Basic mô phỏng rất màu mè. Khi học cao học ở KAIST, tôi hiểu ra mấy thứ mô phỏng của tôi và các bạn ở VN là nhảm nhí, nặng về hình thức. Các nhà khoa học Hàn Quốc đã nghiên cứu chế tạo nhưng loại radar, và phân tích ảnh rất hiện đại để lắp vào máy bay tiêm kích, xe tăng nước họ.
- Môn điện tử số thầy Vương Cộng, ghép nối các AND, OR, NOT, XOR để tạo ra mạch LED, mạch cộng, cộng có nhớ v...v. Cả lớp chả thằng nào làm thí nghiệm. Tôi ra 78 Hàng Trống mua linh kiện về ráp mạch đèn LED bật, tắt đuổi nhau. Khi thi, tôi viết ra những kinh nghiệm thực tế thu được nhận được con 4 và phải thi lại. Lý thuyết thì bóng bẩy còn thực tế thì rất nhọ !
- Môn thực hành điện tử số tôi ráp được cái mạch đếm xung cỡ 5 kHz, hiển thị ra đèn LED 7 thanh được 10 điểm vì làm rất cẩn thận, báo cáo trong sáng, vẽ mạch - ráp mạch chạy được.
- Môn chủ nghĩa xã hội khoa học và lịch sử Đảng với nhiều người là cực hình. Nhưng chúng lại giúp tôi hiểu ra CN Marx là không tưởng, đ*o có cái vẹo gì. Phắn khẩn trương !
- Môn lý thuyết khuyếch đại thuật toán của cô Minh Hà. Tôi học PSpice để mô phỏng đường đặc tuyến hệ số khuyếch đại / tần số. Trong nhóm có mỗi tôi ráp mạch OpAmp lưỡng cực nghịch đảo để đo đếm. Hai ông bạn cùng nhóm chả học mượn kết quả thí nghiệp để chép. Lúc báo cáo, cô Hà chỉ hỏi 2 ông kia, không cho tôi một cơ hội trình bày. Cả nhóm ăn 5 điểm.
- Môn lập trình Pascal trên giấy. Tôi nhận điểm 5 mặc dù lúc này tôi còn code giúp bạn học khóa Tin làm bài tập lớn rồi. Lý thuyết trên giấy và thực hành thực tế luôn có một khoảng cách rất xa.
- Môn dạy báo hiệu số 7 của thầy Công Hùng thì tôi không học luôn. Vì tôi không được nhìn thấy tổng đài, tôi không thể biết nó vận hành ra sao. Tôi cứ phải sờ mới sướng !
- Môn thực hành điện tử ở đoạn phố Lê Thanh Nghị cũng hay. Lần đầu tiên được sửa pan radio bị hỏng, được dùng Oscillo. Hơi lạc hậu so với quốc tế nhưng thích hơn học lý thuyết suông.
- Môn điện công nghiệp học về điện 2 pha, 3 pha, động cơ motor 2 pha, 3 pha, chổi than, lồng xóc các kiểu, nhưng chưa một lần sinh viên được mổ một con mô tơ xem nó có gì bên trong. Thật là đáng tiếc. Vì môn này rất quan trọng cho đời thường.
- Môn kỹ thuật nhiệt, chu trình Carno, trao đổi công nhiệt loằng ngoằng. Thầy môn này thích lập trình Pascal, code ra ứng dụng thi trắc nghiệm rồi cho vào đĩa mềm. Nhờ thầy mà sinh viên phải cố mua được cái máy tính hoặc đi thuê máy để luyện quiz. Thầy vô tình thúc sinh viên dùng máy tính, học cách dùng đĩa mềm. Từ kỹ năng copy đĩa mềm mà ảnh nude, truyện cô giáo Thảo phát tán khắp nơi.
5 năm học ĐH Bách Khoa, tôi có nhiều bạn tốt. Việc làm có lương đầu tiên là do bạn Hà giới thiệu. Bạn Minh lớp Tin bày cho tôi lập trình ngắt trong Pascal. Bạn Toàn, bạn Thành lớp trưởng, lớp phó vẫn giữ giùm tôi học bổng kể cả khi tôi bùng học đi làm thêm. Tôi không dành quá nhiều thời gian la cà quán xá mà dồn sức học lập trình và học tiếng Anh, tiếng Nhật. Tôi tạo hẳn một phòng thí nghiệm điện tử thô sơ trong phòng ngủ của mình. Trong lớp tôi hòa đồng, tham gia các hoạt động văn thể mỹ đều. Đi ăn (nhưng không nhậu) đều, được anh em rủ xem phim "xiếc" ở nhà Thành Chung, thức đêm canh phòng tài chính của trường, cắm trại ở công viên Thống Nhất đúng hôm trời mưa, rủ bạn trong lớp làm marketing, dán biển quảng cáo, bốc vác cho sự kiện Hello Việt nam, tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, tiếng Nhật, khiêu vũ, quen được nhiều em gái sinh viên Ngoại Thương, Ngoại Ngữ, giải khuyến khích Olympic Tin, giải Nhất tiếng Nhật Hà nội 1995, sang Indo thực tập ở hãng dầu khí Schumberger.... Năm năm đó tôi không đánh lộn, không cờ bạc, không hút thuốc, uống rượu và kể cả bia.
5 năm học Bách Khoa tuyệt vời. Nếu không có 5 năm đó, tôi không thể như ngày hôm nay, không có kiến thức nền tảng vững chắc để ứng dụng các công nghệ mới nhanh. Nếu không ở Bách Khoa, chắc chắn không thể có những ông bạn rất hay, rất quý thỉnh thoảng lại giới thiệu cho dự án này, dự án kia. Gần đây có vài ông bạn đã tin tưởng gửi con đến Techmaster học lập trình Robot....
Điều kiện thực hành ở Bách Khoa thiếu thốn, tôi không chê trách bởi khi đó hoàn cảnh đất nước khó khăn. Trường không thu học phí mà còn cấp học bổng cho sinh viên có thành tích học tập. Tiền học bổng đủ mua sách vở cần thiết. Bạn có biết một năm du học Úc, Mỹ giờ có thể tốn 1 tỷ đồng. Nếu bạn học không đúng phương pháp và không đam mê, chuyên cần thì học ở Âu, Mỹ, Úc sẽ không tạo ra kết quả cụ thể bằng một sinh viên học có phương pháp ở trong nước.
Ở đây tôi không bàn đến khía cạnh tị nạn giáo dục. Thời của tôi có Tử Quang tạo ra phần mềm diệt virus BKAV và BKPhone, có vài bạn hiện đang làm ở Microsoft, Google Hoa Kỳ, khóa trước anh Long-anh Hoàng tạo phần mềm kế toán MISA, có Hòa Bình làm ra tiếng Anh 123....sau này có nhiều sinh viên mạnh mở nhiều công ty công nghệ, sản phẩm cụ thể...
Video dưới đây của chương trình VKT quay, phỏng vấn sinh viên Bách Khoa. Có nhiều bạn cùng khóa K37 trong video này.
Bình luận