Tác giả bài viết này đã 40 tuổi, sẽ lập trình đến năm 50. Hiện đã kiếm đủ để hạnh phúc với cuộc sống giản dị. Các bạn đừng quá lo. Cứ học, và lập trình chăm vào. Đoạn sau là hiện thực xã hội Vn. Còn bạn vẫn giỏi và đam mê, ai cấm được bạn nghĩ kiếm tiền từ lập trình.
Email của mình đây nhé: cuong[at]techmaster[dot]vn. Mình là giảng viên dạy môn iOS, Objective-C, Swift, Node.js và Python ở Techmaster.
Ngày hôm nay, đi đến bất kỳ trường đại học nào, trường cao đẳng nào, trường nghề nào, chúng ta cũng thấy có khoa đào tạo tin học. Chi phí để mở khoa đào tạo tin học trong mắt các nhà quản lý giáo dục hay kinh doanh giáo dục khá rẻ, điều kiện cơ hội cũng thuận lợi:
- Đầu tư phòng lab máy tính khoảng 12 triệu VND /1 máy. 20 máy tính khoảng 240 triệu VND. Bàn ghế, máy chiếu, bảng, quạt trần, điều hòa thêm khoảng 150 triệu VND. Nhìn chung là không quá cao.
- Giảng viên có thể thuê ngoài. Giáo trình có thể mua từ Mỹ, Ấn. Thậm chí thuê vài ông lập trình viên quá đát, chán lập trình, thích làm quản lý, thích đứng lớp về dạy là chuẩn nhất. Sinh viên vừa thích nghe thầy kể chuyện, thầy có công ty ngoài, giới thiệu các em đi thực tập xin việc. Lợi cả đôi đường.
- Đầu ra tuyển dụng lập trình viên tin học trong 20 năm trở lại đây và trong 5 năm kế tiếp luôn cao hơn nhiều số sinh viên CNTT có thể làm được việc luôn.
- Truyền thông để tuyển sinh, ngành IT là ngành có nhiều thuận lợi nhiều so với ngành cơ khí, cầu đường, hóa chất... vì nghề IT được cho là văn minh, hiện đại ngồi văn phòng mát mẻ, điều hòa, không lấm lem dầu mỡ, hay vất vả nắng, mưa như xây dựng, cầu đường. Tấm gương ngành CNTT thông tin Ấn Độ, hay như các tỷ phủ Bill Gates, Mark Zuckerber hay Steve Jobs, bố mẹ ở thành phố đến nông thôn đều biết hoặc nghe qua.
Phụ huynh lẫn học sinh lựa chọn ngành CNTT ít đắn đo mà không hiểu rằng:
- Người chọn nghề, nhưng nghề cũng chọn người.
- Một công việc phổ thông đến một nghề kỹ thuật cần phải đào tạo. Từ một nghề để có một sự nghiệp tương đối thành công cần tối thiểu 10 năm lao động cật lực nghiêm túc. Xem bài Tự học lập trình trong 10 năm dịch từ bài gốc của tác giả Peter Novig
- Tuổi nghề lập trình viên (loại ngành hẹp trong CNTT có số lượng việc làm chiếm hơn 70%) ở Việt nam rất là thấp trung bình dưới 35 tuổi. Trong khi tuổi về hưu trung bình là 60 tuổi.
Tuổi nghề lập trình viên ( loại ngành hẹp có số lượng việc làm chiếm hơn 70%) ở Việt nam rất là thấp trung bình dưới 35 tuổi. Trong khi tuổi về hưu trung bình là 60 tuổi.
Các kỹ sư làm việc cho tập đoàn điện tử lớn Hàn Quốc thường có một sức ép rất lớn khi qua tuổi 40. Hoặc phải trở thành nhà quản lý, trưởng nhóm chịu trách nhiệm nhiều hơn, thưởng cao hơn, hoặc phải nhận bồi thường để nghỉ việc. Nghe nói những nhân viên kỳ cựu của chaebol Samsung xin bị ép nghỉ việc được bồi thường một khoản tiến đủ để mở một quán thịt nướng Samkiepsa. Nhân viên làm cho công ty tư nhân nhỏ lẻ còn tệ hơn. Xem bài này . Nhiều người về hưu sau tuổi 40 đã phải lái xe taxi, làm bảo vệ, hoặc bán hàng ăn bằng xe đẩy. Chính mắt tôi đã chứng kiến cảnh này trong thời gian du học tại Hàn Quốc từ 2004 đến 2007.
Hiện nay hàng năm, ở ba thành phố lớn: Hồ Chí Minh, Hà nội, Đà nẵng, các công ty phần mềm (600 công ty lớn nhỏ) cần tuyển thêm mới khoảng 10,000 - 12,000 lập trình viên (bạn nào có con số chính xác hơn xin cung cấp). Trong 10 năm tới, số lượng lập trình viên, người làm IT ở Việt nam sẽ trở nên một lực lượng đông nhưng không tinh, chịu nhiều rủi ro và sẽ có tình trạng thất nghiệp.
Nếu số lượng lập trình viên chuyển sang làm quản lý quá đông, mô hình tổ chức sẽ trở nên cồng kềnh, nhiều lớp quản lý trung gian, lợi nhuận giảm. Công ty khó khăn khi chuyển hướng sang công nghệ mới. Năm 2010-2014 tôi đã chứng kiến sự chuyển đổi từ mô hình client - server, nền tảng .NET sang di động, điện toán đám mây. Các doanh nghiệp Việt nam (đặc biệt ở Hà Nội) tỏ ra rất chật vật so với những đối thử xừng xỏ như Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Âu. Lập trình viên Trung Quốc năng động hơn chúng ta, họ tích cực tham gia đóng góp vào các mã nguồn mở, tạo ra các mã nguồn mở có chất lượng như Cocos2D-X, gói phần mềm cho Node.js, Go-Lang, Docker.... Năm 2014 -2015, khi trào lưu lập trình Freelancer phổ biến, chúng ta lại gặp sự cạnh tranh từ lập trình viên Nga - Ukraina do cuộc chiến ở Ukraina, khủng hoảng kinh tế Nga, thêm cả lập trình viên Campuchia, Philipines, code vừa tốt, vừa chăm, tiếng Anh lại giỏi.
Thực tế dạy và học lập trình ở Việt Nam
- Mỗi lập trình viên Việt nam chưa hình thành thói quen cập nhật kiến thức liên tục. Tốt nghiệp đại học năm 21 tuổi, tính đến năm 37 tuổi lập trình được 14 năm, 2 năm cuối năng suất giảm gần như về 0. Trong 14 năm, đó, lập trình viên Vn thường chỉ chuyển đổi công nghệ 1 - 2 lần.
- Bản thân họ và nhiều người định kiến cho rằng, qua tuổi 40, vẫn tiếp tục lập trình là sự nghiệp không thành công.
- Công ty không có chương trình bồi dưỡng chuyên gia công nghệ. Trên 70% lập trình viên làm cho công ty gia công phần mềm, phần lớn lập trình trên khuôn mẫu, mã nguồn có sẵn. Tỷ lệ chuyển việc khá cao khoảng 3-4 năm/1 công ty, khiến các công ty ngại đầu tư lâu dài vào nhân lực.
- Khóa CNTT ở các trường đại học công ở Việt nam không có môn nào kiểu như:
- How to start up: dạy khởi nghiệp để lập trình viên chuyển từ thợ sang người sáng tạo sản phẩm dịch vụ
- Career path development: phát triển nghề nghiệp hay tối thiểu như đạo đức nghề lập trình. Lập trình viên VN copy, sử dụng mã nguồn một cách bừa bãi, không tôn trọng quy định không tiết lộ (NDA - Non Disclosure Agreement),... là phổ biến. Không có "Đạo" là không có con đường dẫn lối. Không có đường dẫn lối, thì làm sao có thể tiến dài và tiến xa?
- Môn thiết kế phần mềm có dạy nhưng lạc hậu, thiếu ví dụ cụ thể. Khiến cho sinh viên CNTT ra trường phải học lại lập trình như thợ lập trình mất 2 năm. Còn khả năng kiến trúc thiết kề thì còn tùy vào từng người, từng hoàn cảnh công việc.
Lập trình viên Việt nam sẽ làm gì nếu chỉ lập trình đến năm 37? Làm gì tiếp trong 23 năm tiếp theo?
Đây là một câu hỏi mà tôi đã từng trăn trở với chính tôi khi tôi 35 tuổi (2010). Lúc đó, tôi làm nhân viên của một tập đoàn phần mềm nước ngoài ở Việt nam. Công việc liên quan đến phần mềm nhưng không thực sự phát triển phần mềm, sản phẩm. Tôi bứt rứt khó chịu đến mức 1 năm sau đó đã xin nghỉ để có thể quay lại lập trình. Những người như tôi có thể không còn nhiều. Một khi đã làm cho tập đoàn nước ngoài, cái đích tiếp sẽ là chức vụ cao hơn hoặc chuyển sang một tập đoàn khác. Khi nào đi mỏi chân 5-6 công ty, thì cũng vừa lúc về hưu non (~48-50 tuổi).
Điều gì sẽ xảy ra nếu từ 2020, ở Việt nam hàng năm có khoảng 7,000 đến 8,000 lập trình viên qua tuổi 40 bị đào thải vì không cạnh tranh được với lực lượng lao động trẻ lương thấp, được đào tạo kỹ năng hợp thời hơn? Hoặc do thị trường gia công cho Nhật Bản đi xuống vì lúc này thế vận hội Olympic 2020 tại Nhật đã xong, nhu cầu phát triển phần mềm thay mới chững lại? Internet Of Thing phát triển mạnh, nhưng Việt nam không mạnh về kỹ nghệ điện tử, cơ khí chế tạo, kiểu dáng... Đã có nhiều dịch vụ điện toán đám mây đe dọa đến các sản phẩm, dịch vụ phần mềm trong nước ví dụ như: Uber - GrabTaxi, Skype, Viber, tiếp theo là y tế, giáo dục, tài chính...
Sau 5 năm, năng lực tiếng Anh của lập trình viên Việt nam có thể cạnh tranh với Ấn Độ chưa? Khi tại thời điểm này, người Ấn Độ đã nắm nhiều vị trí chủ chốt trong các tập đoàn phần mềm Mỹ. Kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu, tự học của lập trình viên VN có cạnh tranh được với đồng nghiệp Trung Quốc? 5 năm là thời gian quá ngắn khó cải thiện hệ thống giáo dục bảo thủ, lạc hậu tại Việt nam.
Tham khảo thêm bài viết "Nghề lập trình trước 40 tuổi"
Tham khảo Ấn Độ:
- Lập trình viên Ấn Độ phải đi sang nhiều nước khác. Tiếng Anh lập trình viên Ấn rất tốt, còn tiếng Anh của lập trình viên VN kém. Họ chịu khó, khả năng thuyết trình, làm việc nhóm tốt, khả năng cò cưa đẩy việc cũng tốt.
- Chuyển sang làm Freelancer
- Bỏ nghề, chuyển nghề khác như lái xe taxi, mở hàng ăn, kinh doanh nhỏ....
- Ấn Độ có ngành dịch vụ BPO, Call Center rất mạnh. Nhân viên IT có thể chuyển sang làm ở BPO, Call Center hoặc liên quan. Còn Việt nam chỉ tập trung khá đơn điều vào gia công phần cứng (công nhân tập đoàn Samsung, Intel, FoxCon, Microsoft), gia công phần mềm (60% đến từ thị trường Nhật Bản).
Đây là một bài viết chưa hoàn chỉnh vì chưa có ý kiến đóng góp từ những lập trình viên và anh em khác trong ngành, tôi tạm thời chưa viết phần kết. Tôi cần thêm phản hồi từ các bạn, những lập trình viên để có thêm thông tin để hoàn thành bài viết này.
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn vào Google Form. Tôi sẽ trích dẫn trong bài tới
Bình luận