Chào Trung, bạn có thể giới thiệu một vài thông tin về cá nhân cho các bạn độc giả cùng biết ?

Mình là Nguyễn Minh Trung. Đang ở độ tuổi 3x.Tốt nghiệp ngành Điện của Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Mình đã có bằng thạc sĩ về quản lý công nghệ. Đã có 6 năm đi làm trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất thiết bị điện. Tháng 8 năm 2017 mình quyết định từ bỏ 13 năm ( học và làm) ngành điện để chuyển sang Front-end Web Development. Và hiện tại mình đang làm Front-end Developer, chuyên về thư viện D3.Js tại công ty Saltlux ở Hà Nội.

  Cơ duyên để bạn tìm hiểu và biết đến Techmaster Việt Nam?                              

Mình cũng không nhớ rõ nắm. Có thể là qua google, hoặc qua các diễn đàn CNTT online như daynhauhoc.com. Sau khi đọc về Aptech, Funix, Techmaster và Techkids (và còn một vài trung tâm khác nữa), mình quyết định chọn Techmaster vì cảm nhận được nhiệt huyết và sự chú trọng của Techmaster đối phương châm: "Học là (phải) có việc". Đối với cá nhân mình ở thời điểm nghỉ làm, việc "có việc trở lại trong thời gian ngắn nhất" là điều ưu tiên tuyệt đối.

  Bạn có thể cho biết lý do nào khiến bạn lựa chọn chuyển nghề sang học lập trình?

Với nghề cũ, ngành Điện, mọi thứ xung quanh mình phụ thuộc vào công cụ, máy móc, phần mềm của nước ngoài. Mình chỉ có kiến thức để lên kế hoạch, vận hành, điều khiển thôi. Còn với Công nghệ thông tin, chỉ với chiếc máy tính và phần mềm miễn phí, mình đã có thể tạo ra những sản phẩm dù nhỏ thôi, nhưng hữu ích, giải quyết các bài toán hàng ngày. Đó là lợi thế của ngành CNTT mà ngành Điện không có được. Chưa kể ngành Công nghệ thông tin lúc nào cũng có thứ mới, luôn luôn thử thách, rất phù hợp vơi tính thích đọc cái mới, tìm tòi của mình.

      Khi bạn lựa chọn theo đuổi con đường lập trình bạn đã phải trải qua những khó khăn như thế nào ?                                     

Quả thật việc lựa chọn thay đổi một hướng đi mới mình đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Không có nền tảng về Khoa học máy tinh. Mình đã có gia đình và đã qua tuổi có thể cày cuốc thâu đêm, sức bật, độ nhanh nhạy với cái mới không bằng các bạn 9x. Hơn thế nữa các kế hoạch của gia đình liên quan đến tiền bạc vẫn cần phải thực hiện.

     Vậy khi bạn quyết định sẽ chuyển sang hướng đi này bạn có gặp sự cản trở từ gia đình hay không?

Bảo là không thì hơi nói dối. Nhưng nói chung là gia đình mình ủng hộ. Gia đình ủng hộ là một trong những điều kiện quan trọng giúp mình thấy an tâm hơn khi bước vào cuộc chiến mới mà kết quả ra sao chưa rõ. 

 Được gia đình ủng hộ như vậy bạn có thể cho biết là bạn đã làm như thế nào ?

Theo mình là nên đối thoại, chỉ rõ tâm tư nguyện vọng, và nhất là phải đưa ra 1 kế hoạch hành động cụ thể, có cân nhắc cả yếu tố tiền nong để cho gia đình thấy quyết định của mình là quyết định có cả lý trí chứ không phải chỉ là cảm tính. 

Trước quyết định như vậy bạn có thể chia sẻ kế hoạch của mình cùng với mọi người ?

Bản Kế hoạch của mình gồm: kế hoạch học tập, kế hoạch tiêu tiền, kiếm tiền, chi phí cơ hội mất đi.

  • Học tập: Chọn 1 mục tiêu cụ thể, như mình chọn front-end, với các nhiệm vụ nhỏ hơn trong vòng 6 - 9 tháng. Sau này có thể thay đổi sau, nhưng đây là "bài tập về nhà" chắc chắn phải làm trước khi làm cái gì.
  • Tiêu tiền: Tiền tiêu cho học phí, ăn uống, nhà ở, xăng xe, điện thoại, v.v.
  • Kiếm tiền: Tiền kiếm được nhờ đi làm

Kế hoạch này phải dựa trên khung thời gian từ lúc bắt đầu đi học CNTT, học xong, đi tìm việc, kiếm được việc cho đến 24 tháng sau khi kiếm được việc.  Đại loại đây sẽ là 1 khung thời gian khoảng 30 - 33 tháng. 

Đây là bản rút gọn và ẩn đi mấy thông tin cá nhân của kế hoạch của mình:

Kế hoạch học trở thành Node.js Developer ở Techmaster:

Tổng quan khung thời gian học của mình: 

Khi làm ra bản này, mình sẽ phân tích các điểm sau:

  1. Trong thời gian đi học và đi kiếm việc, mình sẽ chi tiêu bao tiền, vào việc gì. Liệu có tiền để tiêu hay không? nếu không có tiền thì phải làm gì để kiếm được khoản tiền đó? vay (bạn bè, người thân)? đi lái Uber motor, Grabike? đi làm bán thời gian?
  2. Mức lương dự tính kiếm được trong năm 1 và năm 2 là bao nhiêu. Cái này phải đi hỏi để giúp mình có một ước tính thực tế, tránh ảo tưởng.
  3. Tổng thu nhập của mình cho tòan bộ quãng thời gian kia NẾU vẫn giữ nghề CŨ là bao nhiêu. Tổng thu nhập này như thế nào so với dự tính tổng thu nhập với nghề mới (lập trình). Chú ý thu nhập ở đây bao gồm cả lương cứng, lương mềm, bảo hiểm xã hội, y tế, các chính sách khác của công ty.

Nói chung sẽ có nhiều điểm rút ra từ bảng này. Trong trường hợp của mình, dù thu nhập cũ không tồi chút nào, nghỉ sẽ thiệt hại tương đối nhiều, nhưng mình vẫn quyết chuyển vì nhìn thấy nhiều triển vọng trong lương lai xa hơn (3 - 5 năm sau).

  Bạn đã tham gia học tập tại Techmaster bạn có thể chia sẻ đôi chút về kinh nghiệm của mình để đạt kết quả tốt nhất ?

Nên bám sát chương trình của Techmaster. Chương trình của Techmaster bao gồm cả cứng (khóa học) và mềm (học tiếng Anh, tập thể dục, và đi dã ngoại). Chú ý: "Cứng" không đồng nghĩa với "chính", "mềm" không có nghĩa là "phụ". Rất nhiều bạn chỉ chăm chăm học code, xem thường những thứ còn lại. Nhưng bạn nên biết rằng không có tiếng Anh thì không tiến xa được trong thế giới lập trình, không tập thể dục thì chẳng có sức khỏe đầu óc minh mẫn mà code, và không đi dã ngoại thì tâm trí không thoáng đãng sáng tạo.  Chú ý vừa học phải vừa ghi chép, chịu khó trao đổi (hỏi han thầy giáo, chỉ bài cho bạn cùng lớp), và chịu khó làm seminar để xem mình hiểu đến đâu, hiểu đúng hay sai. 

Đây là một mô phỏng về sản phẩm mình đã thực thi tại Techmaster:

Techmaster được biết thông tin bạn đã trúng tuyển ngay lần đầu phỏng vấn công ty đầu tiên (Saltlux), bạn đã có                                                                       trong mình kinh nghiệm gì ?

Trước khi phỏng vấn đừng thức khuya. Trong khi phỏng vấn nên bình tĩnh, có gì nói đấy, trung thực, đừng vòng vo, đừng nói những thứ mình không chắc. Nếu chưa biết và đang suy luận thì suy luận đến bước nào phải nói rõ ra đến bước đó. Sau khi phỏng vấn nên viết thư cảm ơn, trả lời những câu hỏi mà mình không trả lời được lúc gặp trực tiếp.

Cá nhân mình hôm phỏng vấn có vài thứ không trả lời được. Nhưng chiều về mình tra cứu lại sách vở, tối viết email tổng hợp lại câu trả lời và gửi cho phía công ty kia. Lúc đó mình nghĩ đơn giản lắm: không trả lời được tức có lỗ hổng kiến thức, cần phải tìm cách bịt ngay, để còn chuẩn bị cho phỏng vấn ở ... các công ty tiếp theo. Ấy vậy mà thư mình gửi đi khoảng 11:30 tối, thì chỉ 30 phút sau là anh giám đốc bên công ty kia trả lời, cảm ơn sự nhiệt tình của mình, và thông báo mình đã trúng tuyển. Liệu đây là ngẫu nhiên, ăn may?

 Sau một quá trình học và thực tập bạn thấy công việc ngay sau khi đi làm như thế nào?

Lập trình không hề dễ. Nó đòi hỏi trí óc lúc nào cũng phải vận động, để hoàn thành việc được giao đúng hạn, để học những công nghệ mới liên tục được sinh ra. Xin lỗi là ngay cả lúc chúng ta ngồi trong toilet công nghệ vẫn không ngừng có cái mới. Còn thu nhập? Mình mới vào nghề nên không dám nói nhiều, nhưng chắc chắn không hề có thu nhập KHỦNG. Nếu ai nghĩ là nghề này dễ, ngồi mát ăn bát vàng thì xin dừng lại trước khi quá muộn. 

     Bạn thấy được lợi thế của người chuyên ngành ra sao?

Những người chuyển ngành hầu như đã thử qua nhiều việc, và biết mình không thích, hoặc không phù hợp với thứ gì. Điều đó giúp họ tập trung hơn vào nghề mới (lập trình), không ngó nghiêng lung tung. Hơn nữa, họ có kinh nghiệm cuộc sống, nên tư duy cũng "đời" hơn, phong phú hơn, nhìn nhận mọi thứ từ góc độ đời thường chứ không thiên quá từ góc độ dân lập trình thuần.
 

Cảm ơn bạn về câu trả lời. Bạn có lời khuyên cuối cho những bạn đang và sẽ có những bước ngoặt trong cuộc đời giống mình không?                    

 

- Trước khi chuyển: Dứt khoát và quyết liệt. Không lừng khừng. Đừng "định thế này định thế kia". Cuôc sống ngắn lắm, không có chỗ cho "định".
- Sau khi chuyển: Vẫn phải cố gắng thật nhiều để học và kiếm được việc. Dù có kiếm được việc rồi vẫn không được buông bản thân, lúc nào cũng phải học thêm những kiến thức nền tảng mà mình bị thiệt so với các bạn chính quy. À, luôn nhớ phải chăm chỉ kết bạn, giao lưu trong ngành (nhưng đừng bia rượu).

Techmaster gửi lời cảm ơn đến Trung và chúc bạn sức khỏe, hạnh phúc và có thật nhiều thành công trong sự nghiệp sắp tới của mình.