Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế, năm 2020 sẽ là một trong những năm nắng nóng kỷ lục, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có đợt nắng nóng kéo dài ngày nhất trong 27 năm qua, tính từ năm 1993 đến nay, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 1,1 độ C. 

Nắng nóng sẽ dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng cao của người dân, thiếu mưa nên hạn hán trên diện rộng, đó là những nguy cơ tiềm ẩn của hoả hoạn như cháy rừng, chập cháy từ các thiết bị điện và các tai nạn, thiên tai khác. Chính vì vậy, người người nhà nhà phải tự chủ động ứng phó để giảm thiệt hại.

MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI CHÁY NỔ

- Cháy liên quan đến nấu nướng

- Cháy gây ra bởi các đồ tạo nhiệt

- Cháy do điện

- Cháy do hút thuốc, đốt diêm, bắn tia lửa do hàn xì

- Cháy do hoá vàng tại gần nơi có đồ dẫn cháy

- Cháy do hóa chất

- Cháy do các hoạt động vô ý, trò nghịch dại của trẻ nhỏ

Một số câu chuyện dẫn đến cháy nổ không mong muốn:

1. Khi tổ chức sinh nhật, thường sẽ có bóng bay o-xy, (trong quả bóng này được bơm khí H2); bên cạnh khi sẽ đốt pháo sinh nhật, những tia lửa này bắn rất xa, có thể bắn tới bóng bay và gây phản ứng nổ trong tích tắc không khác gì bom nguyên tử.

2. Người dân Việt Nam thường có phong tục hoá vàng, khi hoá vàng ở các chung cư, trong các căn gác nhỏ sẽ dễ dẫn tới cháy lan sang các đồ vật xung quanh

3. Các mẹ nội trợ khi nấu nướng thường dễ để dầu sôi lâu ở nhiệt độ cao và không may làm văng nước vào cũng dễ gây bùng lửa; ngoài ra thì nhiều gia đình có thói quen sau khi nấu ăn thì không khoá van bình gas, dễ gây rò rỉ khí gas

4. Cháy do tàn thuốc lá chưa tắt hẳn, hay viên than tổ ong còn cháy âm ỉ, bị vứt chung vào nơi chứa rác (nơi có nhiều vật dễ cháy như giấy, túi bóng, ...)

5. Cháy do bộ sạc điện (ắc quy, sạc dự phòng) bị cắm điện liên tục trong thời gian dài

6. Cháy do rò rỉ khí gas và bật/tắt công tắc điện có thể khiến khí gas đã len lỏi vào các mạch điện gây chập, cháy

Và rất nhiều câu chuyện đáng tiếc đã xảy ra bởi những lý do không lường tới ...

LÀM GÌ KHI XẢY RA CHÁY NỔ?

Tại nơi làm việc trong các trụ sở, toà nhà, các bạn sẽ luôn thấy dán những hướng dẫn khi xảy ra cháy nổ, đó là các bước trong TIÊU LỆNH CHỮA CHÁY

Một điều các bạn cần nhớ đó là khi xảy ra cháy nổ, chúng ta cần bình tĩnh, sau đó thực hiện các bước theo tiêu lệnh chữa cháy trong hoàn cảnh phù hợp, cho phép

1. Khi có cháy, cần báo động gấp

- Để báo động có thể sử dụng nhiều cách: Sử dụng kẻng, loa hoặc kích hoạt nút ấn báo động (được trang bị trong các toà nhà) hoặc hô hoán (ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc) để báo động cho mọi người xung quanh khu vực được biết

Nút ấn báo động, được trang bị trong toà nhà

2. Cắt điện khu vực bị cháy

- Khi có cháy, các bạn cần nhanh chóng dập cầu dao điện, aptomat để cắt điện, tránh việc cháy lan gây chập điện, tránh rò điện khi cứu hoả.

Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

3. Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC 

- Số điện thoại của lực lượng phòng cháy chuyên nghiệp: 114

4. Sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu để dập cháy

- Phương tiện chữa cháy ban đầu có thể là: cát, chăn chiên (được nhúng ướt), bình chữa cháy 

- Đối với bình chữa cháy, thông thường tại nơi làm việc hay nhà ở sẽ được trang bị 2 loại bình chữa cháy: bình bột và bình khí

So sánhBình cứu hoả dạng bộtBình cứu hoả dạng khí
Hình ảnh

Nhận biếtVòi phun làm từ cao su dẻo, dễ uốnVòi phun làm từ kim loại, cứng, không uốn được
Chất liệu dập cháy

Bột mịn

Khí CO2
Tác dụng

- Để chữa các vật liệu cháy có đặc tính khác nhau, được ký hiệu lần lượt là:

A (chữa cháy chất rắn),

B (chữa cháy chất lỏng),

C (chữa cháy chất khí), 

D hoặc E (chữa cháy điện)

Ví dụ:  Bình bột BC sẽ dập được đám cháy chất lỏng hoặc chất khí, bình ABC dập được ba loại cháy là chất rắn, lỏng, và khí. Riêng loại ABCE có thể chữa cháy cả thiết bị điện.

- Bột chữa cháy không độc, không dẫn điện, có hiệu quả cao; thao tác sử dụng bình đơn giản, dễ kiểm tra, dùng để chữa cháy những đám cháy nhỏ, mới phát sinh.

- Bình chữa cháy khí CO2 có tác dụng làm loãng đám cháy, vì vậy các loại bình này không thể sử dụng được ngoài trời mà chỉ dùng trong nhà (để đạt hiệu quả tốt nhất)

- Bình chữa cháy khí CO2 được dùng để dập tắt các đám cháy nhỏ, mới phát sinh như đám cháy chất lỏng, rắn. Ngoài ra, bình này có hiệu quả cao đối với các đám cháy trong văn phòng, buồng kín, hoặc cháy các thiết bị điện, điện tử

Cách dùng

- Khi có cháy xảy ra xách bình tới gần địa điểm cháy.

- Lắc xóc bình từ 3-4 lần để bột tơi, đặt bình xuống đất, giật chốt hãm kẹp chì

- Xách bình lên, một tay cầm vòi phun tại vị trí được đánh dấu bằng vòng trọng bạc, chọn đầu hướng gió hướng vòi phun vào gốc lửa.

- Giữ bình ở khoảng cách 3 - 4 m tuỳ loại bình, bóp van bình để bột chữa cháy phun ra (giữ van liên tục) khi bột ra yếu thì tiến lại gần và đưa loa phun qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.

- Khi có cháy xảy ra xách bình tới gần địa điểm cháy.

- Đặt bình xuống đất, xoay vòi phun vuông góc với bình, giật chốt hãm kẹp chì

- Xách bình lên, hướng vòi phun vào gốc lửa.

- Giữ bình ở khoảng cách 1 - 2 m tuỳ loại bình, bóp van bình  (giữ van liên tục) khi khí yếu thì tiến lại gần và đưa loa phun qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Lưu ý

- Các loại bình bột tuyệt đối không được dùng để phun vào các thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao như máy tính, vì bột có thành phần muối, sẽ làm hư hại thiết bị

- Đối với bình bột, khi dập xong đám cháy dễ bùng phát lại, do đó người dập lửa phải kiểm tra kỹ.

- Khí CO2 lỏng trong bình thoát ra ngoài qua hệ thống ống lặn và loa phun chuyển thành dạng như tuyết thán khí, lạnh tới - 78,90C. Vì vậy không cầm tay vào phần ống sắt của vòi phun, có thể gây bỏng lạnh.

- Không sử dụng bình khí CO2 để chữa các đám cháy có kim loại kiềm, kiềm thổ, phân đạm, than cốc. Vì khi phun khí CO2 vào đám cháy sẽ tạo ra phản ứng hoá học, trong phản ứng đó sẽ tạo ra khí CO là loại khí vừa độc hại vừa có nguy hiểm cháy nổ.

THOÁT NẠN AN TOÀN TỪ ĐÁM CHÁY

Khi không thể kiểm soát đám cháy, chúng ta cần tìm cách chạy thoát khỏi đám cháy:

- Nếu đám cháy xảy ra từ căn nhà, căn phòng bạn đang ở; bạn cần tìm cho mình một cái khăn nhúng ẩm che miệng mũi tránh ngạt khí, sau đó đi thấp người (mặt cách màn sàn độ 0,5m); đi men một bên tường hướng ra phía cửa. Nếu không thể ra lối cửa chính, hãy tìm đến ban công, nơi có khiều khí oxy và dùng đồ có màu sắc sặc sỡ vẫy để kêu cứu; tuyệt đối không nhảy xuống từ tầng cao; gia đình bạn nên thiết kế một lối thoát hiểm phía ban công cửa sổ, bình thường khoá lại và để chìa khoá nơi tất cả thành viên trong gia đình bạn có thể thấy và lấy khi cần thiết.

- Nếu đám cháy xảy ra từ bên ngoài, trước khi thoát ra ngoài hành lang các bạn cần dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt độ cửa xem nhiệt độ cửa có tăng cao trước khi ra khỏi phòng. Nếu nhiệt độ tăng cao (nghĩa là khói có thể là lửa đã lan tới gần) các bạn nên ở lại căn phòng đó chờ cứu hộ, đồng thời lấy chăn, màn, vải vóc nhúng nước và chặn vào các khe cửa để tránh khói vào phòng

- Ở các chung cư, khi xảy ra cháy mọi người "tuyệt đối không sử dụng thang máy", hãy thoát nạn bằng đường thang bộ, trên đường thoát nạn hãy hô hoán cho tất cả mọi người; trường hợp khói trong hành lang dày đặc, bạn cần tìm cho mình một cái khăn nhúng ẩm che miệng mũi tránh ngạt khí, sau đó đi thấp người (mặt cách màn sàn độ 0,5m); xác định hướng lối thoát hiểm và đi men một bên tường

MỘT SỐ LƯU Ý

- Cửa vào lối thoát hiểm của các chung cư phải giữ luôn đóng, không sử dụng vật chèn chặn cửa.

- Lối thoát hiểm tại nơi cầu thang không xếp đồ gây cản trở lối đi

- Trang bị cho gia đình, văn phòng bình chữa cháy; ròng rọc hãm phanh để thoát nạn từ tầng cao

- Nếu bị lửa dính vào quần áo, lập tức dừng lại; nằm xuống đất và lăn tròn tới khi lửa tắt

- Khi đã thoát nạn từ đám cháy; hãy báo lại với lực lượng phòng cháy hoặc người trong công ty, người thân, bạn bè để lực lượng phòng cháy có thể tập trung cứu hộ các nạn nhân mắc kẹt khác