Nếu bạn có điều kiện tài chính thì nên kiếm nguồn tài liệu hoặc khóa học nào mất phí nhưng chất lượng để có thể thông thạo Tiếng Anh càng nhanh càng tốt. Giỏi Tiếng Anh sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích so với chi phí bỏ ra.

Ok, trước khi đọc tiếp, bạn thử bỏ ra 5 phút suy nghĩ để trả lời câu hỏi sau:

Cuộc đời bạn sẽ thay đổi như nào nếu bạn thành thạo Tiếng Anh?

(câu trên mình mượn từ https://speakenglishwithvanessa.com, một nguồn học Tiếng Anh có vẻ tốt, nhưng mình chưa có thời gian học thử).

Trả lời được câu hỏi trên tức là bạn đã tìm được mục tiêu để học Tiếng Anh, mục tiêu rõ ràng và đủ lớn thì mới có động lực để học, vì học Tiếng Anh quan trọng nhất là “chăm”.

Quay lại với tiêu đề bài viết “Chia sẻ cách học Tiếng Anh cho người nghèo”, người nghèo ở đây là những người hiện tại không có đủ tài chính để đăng ký các khóa học đắt tiền chất lượng cao, hoặc là chưa tìm được chỗ học đủ tin tưởng, sợ lãng phí thời gian và tiền bạc.

Vậy các bạn có thể thử học theo cách của mình: Học qua ứng dụng di động (1 ứng dụng miễn phí + 1 ứng dụng có phí nhưng thấp) kết hợp với sử dụng Google. Chú ý là học với chi phí thấp thì công sức và thời gian các bạn phải bỏ ra nhiều hơn, mà thời gian chính là tiền bạc. Và không có công thức nào hiệu quả tuyệt đối, áp dụng cho tất cả mọi người, nếu bạn học theo cách này không thấy hiệu quả thì hãy tìm một cách học khác.

1. Elsa Speak

Elsa Speak

Ứng dụng đầu tiên mình muốn giới thiệu đến các bạn là Elsa Speak.
Vì mục đích trước mắt của mình là học Tiếng Anh giao tiếp để phục vụ cho công việc (giao tiếp với khách hàng nước ngoài), cũng như sở thích cá nhân (đi du lịch nước ngoài).

Đây là một ứng dụng có thu phí, nhưng thấp hơn nhiều so với bỏ tiền ra đi học ở một trung tâm hoặc học 1:1 với giáo viên bản xứ.
Đặc biệt ứng dụng này là của Việt Nam, nên người Việt sẽ được ưu đãi rất lớn khi đăng ký các gói học. Các bạn có thể đăng ký ở website để được hỗ trợ (qua email hoặc sđt) và ưu đãi lớn nhất (có thể lên đến 85%): https://elsaspeak.vn/?id=707.

Đăng ký qua website trên sẽ có cả gói vĩnh viễn (trên app không có, kích hoạt ở website), tuy nhiên mình khuyến khích các bạn đăng ký gói theo tháng hoặc theo năm (tùy theo mục tiêu cụ thể), vì khi đó sẽ có áp lực để học nhanh hơn (kẻo phí tiền). Chỉ đăng ký gói vĩnh viễn nếu có đủ quyết tâm, nếu không bạn sẽ bỏ xó (vì nó không bao giờ hết hạn).

Ưu điểm:

  • Nội dung phong phú, tính năng phân tích giọng nói độ chính xác cao => giúp phát âm chuẩn hơn (âm cuối, nối âm, nuốt âm, …).
  • Học mọi lúc mọi nơi => Cứ có mạng internet và thời gian rảnh là học được, học 5-10ph cũng được không cần phải học theo buổi kéo dài 1-2 tiếng.
  • Ứng dụng thiết kế theo dạng gamification (giống như chơi game), giúp dễ có hứng thú và duy trì việc học lâu hơn.
  • Có nhiều chức năng cập nhật liên tục, giúp bạn tự thiết kế được cách học phù hợp cho riêng mình (hiện tại mình đã học mấy tháng rồi mà cũng chưa dùng được hết toàn bộ tính năng của app 😅).

Nhược điểm:

  • Chỉ tập trung vào Listening và Speaking, không tập trung vào ngữ pháp => Cứ nói cho người nghe hiểu là được, chưa cần quan tâm ngữ pháp.
  • Không có người hướng dẫn trực tiếp, giải đáp thắc mắc ngay lập tức (ví dụ về ngữ pháp, thành ngữ, thuật ngữ, …) => Khắc phục bằng cách đi hỏi hoặc tự tìm hiểu qua Google search (tự mò ra sẽ nhớ lâu hơn).
  • Không nói chuyện trực tiếp với người thật => khó luyện phản xạ như khi nói chuyện trực tiếp, nên sau khi học ở trên app này để có kiến thức cơ bản thì bạn sẽ cần chủ động luyện tập nói chuyện trực tiếp (với bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, …).

Một số mẹo khi học:

  • Trong ứng dụng có 1 tính năng rất hay đó là bảng xếp hạng. Mỗi khi hoàn thành 1 bài học bạn sẽ được cộng điểm và dùng để tính vào bảng xếp hạng => học càng nhiều thì xếp hạng càng cao, xếp hạng cao thì có thể lên “giải đấu” cao hơn, xếp hạng thấp thì bị đẩy xuống “giải đấu” thấp hơn. Mục tiêu nhỏ mình đặt ra đó là leo lên “giải đấu” cao nhất.
    Bảng xếp hạng trong Elsa Speak
  • Nếu học liên tục đều đặn các ngày thì bạn sẽ đạt được streak và được cộng điểm => cố gắng đạt được streak đồng thời sẽ tạo được thói quen học hàng ngày, thời gian ít cũng được nhưng đều đặn. Một khi đã tạo được thói quen, bạn sẽ không cần phải duy trì động lực nữa (duy trì thói quen sẽ dễ hơn, ví dụ như thói quen đánh răng mỗi sáng). Bình thường mỗi ngày mình sẽ học khoảng 15 phút (do lười dần), tối thiểu là xong phần “Luyện tập bài học Hàng ngày” và một vài bài ở “Học theo Chủ đề”.
    Bruce Lee kicks quote
  • Với các bài tập phát âm nên để chế độ nâng cao và cố gắng tập đi tập lại cho đến khi đạt yêu cầu (độ chính xác hiển thị màu xanh lá, thường >= 80%).
    Bài tập phát âm trong Elsa Speak
  • Với các bài tập dạng hội thoại, nên tập nghe hiểu bằng cách không nhìn vào script khi đến lượt computer nói.
    Bài tập hội thoại trong Elsa Speak

2. Duolingo

Duolingo

Đối với nhiều người thì ứng dụng này khá là khủng bố, vì 1 khi đã học mà bỏ giữa chừng nó sẽ tìm mọi cách để notify bạn (thậm chí chửi bạn 😂).

Ứng dụng này có thể dùng FREE (chịu khó xem quảng cáo) hoặc thu phí (học thoải mái hơn, không cần xem quảng cáo). Nếu bạn tải app qua link này thì sẽ được dùng bản VIP trong vài tuần (tùy từng thời điểm chạy chương trình mời bạn bè).

Ưu điểm và nhược điểm khá giống với Elsa Speak, tuy nhiên app này nhận diện giọng nói không tốt bằng Elsa, và app thiên về học từ vựng + ngữ pháp hơn là nghe nói.

Một số mẹo khi học:

  • Trong ứng dụng này cũng có bảng xếp hạng, hoạt động tương tự Elsa Speak, bạn có thể đặt mục tiêu đạt “giải đấu” hạng cao nhất.
  • Nếu học liên tục đều đặn các ngày thì bạn sẽ đạt được streak, và trong Duolingo bạn có thể xem streak cao nhất của mình, lấy đó làm động lực duy trì việc học.
    Duolingo Streak
  • Nên mời thêm bạn bè, theo dõi lẫn nhau, học cùng nhau thì sẽ có thêm động lực (xem được tiến trình học của bạn bè và có nhiệm vụ chung với bạn bè).
    Nhiệm vụ bạn bè trong Duolingo
  • Với các bài tập dịch sang Tiếng Anh, hãy dùng tính năng dịch giọng nói thành chữ để luyện phát âm cho chuẩn.
    Bài tập dịch Tiếng Anh trong Duolingo

3. Google

Dùng Google search sẽ giúp bạn tự học thêm về ngữ pháp, nghe hiểu và đọc tài liệu Tiếng Anh. Xem nhiều video Tiếng Anh, đọc nhiều tài liệu Tiếng Anh cũng giúp bạn nâng cao trình độ Tiếng Anh.

Trong khi học Tiếng Anh từ 2 ứng dụng trên, sẽ có những trường hợp bạn không hiểu (về ngữ pháp, thành ngữ, …) thì lúc này chúng ta sẽ search Google để tìm giải thích và ví dụ liên quan (có thể search bằng Tiếng Việt cũng được).

Mẹo: Trong quá trình sử dụng Tiếng Anh bạn có thể dùng Google translate để dịch từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh, nhưng nó có thể bị sai ngữ pháp. Lúc này hãy copy đoạn Tiếng Anh đó và search lại bằng Google (copy từng câu ngắn sẽ chính xác hơn). Dựa vào kết quả tìm kiếm chúng ta có thể biết được đoạn đó có đúng ngữ pháp hay không (câu đó xuất hiện trong kết quả nào không, hoặc Google sẽ gợi ý một câu khác chuẩn ngữ pháp hơn).

4. Một số nguồn giúp học Tiếng Anh trên mạng

  • Từ điển Tiếng Anh (tra từ điển nên xem kỹ cả phần phát âm và ví dụ sử dụng): Cambridge Dictionary, Glosbe Dictionary, OZDIC.
  • Youtube: Channel SpeakEnglishWithVanessa.
  • Học những kiến thức thực tế cực kì đơn giản bằng tiếng Anh: BBC.
  • Các diễn đàn, game online dùng Tiếng Anh. Nếu học Tiếng Anh giao tiếp thì cách tốt nhất là nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài (đừng sợ sai, nó cũng giống như mình nói chuyện với người nước ngoài nói Tiếng Việt thôi). Nếu không có bạn bè là người nước ngoài (trên mạng) thì nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp bằng Tiếng Anh cũng là 1 cách luyện phản xạ rất tốt.
  • Viết blog, dịch lại các bài Tiếng Anh về chủ đề bạn yêu thích cũng là 1 cách học Tiếng Anh hiệu quả. Ví dụ ban đầu mình học Tiếng Anh bằng cách dịch các bài blog về công nghệ như này. Khi mới đầu dịch thì để cho nhanh có thể dùng thêm extension Google Translate (cái này cho phép bôi đen 1 từ và dịch trực tiếp ngay trên trang web).

Nguồn https://huydq.dev/blog/chia-se-cach-hoc-tieng-anh-cho-nguoi-ngheo.