Định hướng trẻ em học STEM

Một phụ huynh hỏi: Nếu Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) là quan trọng thì chúng tôi phải làm gì để chuẩn bị cho con cái một nghề nghiệp vững vàng ở tương lai khi con chúng tôi còn nhỏ. Thầy chỉ nói về công nghệ thông tin nhưng không nói về các lĩnh vực khác. Mong thầy cho chỉ dẫn thêm."

Trả lời: STEM là lĩnh vực rất rộng bao gồm nhiều môn học khác nhau. Theo thống kê của đại học bên MĨ có hơn 185 môn học liên quan đến lĩnh vực STEM. Vi kiến thức của tôi chỉ giới hạn trong Công Nghệ Thông Tin nên tôi chỉ có thể viết về lĩnh vực này. Tuy nhiên ông bà có thể tìm kiếm các tài liệu liên quan đến lĩnh vực khác qua các nguồn khác nhau.

Ông bà cần dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về các lĩnh vực trong STEM, từ môn học được dạy ở các trường, như cầu công nghiệp, xu hướng phát triển trên thế giới, việc làm tại thị trường địa Phương, lương bổng trong nghề nghiệp, điều kiện đòi hỏi như bằng cấp (Cử Nhân, Thạc Sĩ hãy Tiến Sĩ.) Sau khi đã có đầy đủ thông tin, ông bà nên chuẩn bị cho con cái bằng việc khuyến khích và hướng dẫn các em vào một lĩnh vực nào đó. Tùy theo tuổi tác và trình độ (Tiểu học, Trung Học hay Đại học) mà các em có thể được chuẩn bị theo chiều hướng thích hợp.

Một số khóa học STEM cho thiếu nhi tại Techmaster

Theo ý kiến của tôi, nếu các em còn nhỏ, ông bà nên khuyến khích các em đọc sách vì khả năng đọc quan trọng hơn tất cả những khả năng khác. Đọc sách mở mang tâm trí các em, khuyến khích các em suy nghĩ nhiều hơn, và phát triển kĩ năng phân tích, và giải quyết vấn đề từ sớm. Có rất nhiều sách vở dành cho mọi lứa tuổi mà ông bà có thể tìm kiếm ở các tiệm sách địa phương. Với các em dưới 10 tuổi, ông bà nên đọc sách chung với các em và hỏi các em về chi tiết trong sách để cho các em có thể kể lại. Đây là Phương pháp giáo dục được dạy rất kỹ ở Mĩ. Các thầy cô trường tiểu học thường dành nhiều giờ đọc sách chung với học sinh và đặt câu hỏi cho các em trả lời. Ông bà có thể dùng những sách khoa học, lịch sử, xã hội để nói chuyện với các em và gây hứng thú cho các em vì đây là lúc trẻ nhỏ học về nhân cách, đạo đức và phát triển tình thương.

Định hướng trẻ em học STEM

Có một lời khuyên của tiến sĩ giáo dục Dorothy Nolte mà tôi rất thích như sau: “Nếu trẻ em sống với phê phán, chúng học kết án. Nếu trẻ em sống với thù nghịch, chúng học tranh đấu. Nếu trẻ em sống với doạ dẫm, chúng học e sợ. Nếu trẻ em sống với nhạo báng, chúng học nhút nhát. Nếu trẻ em sống với ghen tị, chúng học đố kị. Nếu trẻ em sống với chê bai, chúng học mặc cảm tự ti.”

Do đó, phu huynh cần chú ý tới môi trường mà trẻ em được dạy dỗ và nuôi nấng. Bà Dorothy Nolte đưa ra một giải pháp hùng biện: “Nếu trẻ em sống với khích lệ, chúng học tin tưởng. Nếu trẻ em sống với tha thứ, chúng học cảm thông. Nếu trẻ em sống với ca ngợi, chúng học cảm kích. Nếu trẻ em sống với chấp nhận, chúng học yêu thuong. Nếu trẻ em sống với chấp thuận, chúng học sáng tạo. Nếu trẻ em sống với thừa nhận, chúng học mục đích. Nếu trẻ em sống với chia sẻ, chúng học hào phóng. Nếu trẻ em sống với chân thực, chúng học tin cậy. Nếu trẻ em sống với công bằng, chúng học ngay thẳng. Nếu trẻ em sống với lòng tốt, chúng học kính trọng. Nếu trẻ em sống với an ninh, chúng học tự tin. Nếu trẻ em sống với sự thân thiết, chúng học thế giới này là chỗ để sống.”

Theo tôi, học sinh ở các trường tiểu học cần có nhiều thời giờ với cha mẹ hơn. Dĩ nhiên hoàn cảnh hiện nay là phần lớn phụ huynh bận rộn sinh kế, không có nhiều thời giờ cho con trẻ mà trông mong vào trường học. Nhưng trường học KHÔNG thể làm việc này hữu hiệu. Để khuyến khích và xây dựng một tương lai vững chắc, phụ huynh phải “đầu tư bằng thời giờ” để hướng dẫn các em khi còn nhỏ. Tôi muốn nhấn mạnh vào sự đầu tư bằng “thời giờ” với con cái vì họ chỉ có một thời gian ngắn với con cái thôi.

Theo một số tài liệu khoa học, trong 5 năm đầu, đứa trẻ phát triển về thể xác và nhu cầu dinh dưỡng là quan trọng, nhưng khoảng từ 5 tuổi đến 10 tuổi là giai đoạn phát triển về đầu óc khi con trẻ học hỏi, vì các tế bào não hoạt động rất mạnh lúc này. Khi các em lên 10 đến 15 là giai đoạn mà bạn bè bắt đầu ảnh hưởng và việc phát triển chuyển sang khuynh hướng khác. Do đó giai đoạn từ 5 đến 10 tuổi là giai đoạn mà việc đọc sách và học hỏi để phát triển cá tính (personality) và nhân cách (Character) rất quan trọng vì nó là căn bản cho những phát triển khác xây dựng lên trên.

Đây là lúc trẻ nhỏ học về lòng kính trọng và tình thương như đạo hiếu kính với cha mẹ, ông bà, và kính trọng thầy cô trong lớp. Chúng học lễ phép, thông cảm và tin cậy. Đây là những nền tảng của hệ thống giáo dục ở châu Á trong hàng nghìn năm. Nền văn hoá của chúng ta coi gia đình như đơn vị chính của xã hội do đó giáo dục và nhân cách đạo đức tốt phải bắt đầu từ gia đình. Trẻ em là tương lai của gia đình và xã hội, tôi thiết tha mong quý vị phụ huynh dành nhiều thời giờ hơn cho các em và khuyến khích các em đọc sách.

Link bài viết gốc của Giáo sư John Vũ