Dù bạn là một Software Developer, một Data Scientist, một Network Engineer hay một IT Helpdesk, giỏi về kỹ thuật luôn là tiêu chí quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp. Nhưng có phải  bạn chỉ cần phát triển kỹ năng chuyên môn và không cần những kỹ năng mềm khác? Bài viết sau đây mang đến cho bạn một cái nhìn đúng đắng hơn về các kỹ năng mềm mà những người làm trong ngành công nghệ thông tin cần chú ý để có thể phát triển nghề nghiệp một cách thuận lợi.

Hai câu chuyện có thật

Câu chuyện thứ nhất: cùng xuất phát điểm, hai đích đến.

Có hai bạn cùng tham gia vào đội IT Helpdesk của một công ty hàng top ở Việt Nam. Hai bạn đều trẻ, đầy nhiệt huyết, kinh nghiệm cùng như nhau, kỹ thuật không hơn kém nhau là mấy. Tuy nhiên, tính cách hai bạn là trái ngược nhau. Một vui vẻ hòa đồng, không nề hà việc gì và luôn tìm mọi cách để học hỏi các đàn anh đi trước. Bạn này cũng cố tìm mọi cách để có thể theo học các mảng kỹ thuật khác. Và dần dần được tin tưởng, việc khó từ từ đến tay và sau 3 năm, bạn được chính thức trở thành một network engineer khi công ty có nhu cầu mở rộng. Bạn còn lại thì ngược lại, kỹ thuật không kém nhưng chỉ muốn làm những gì có trong scope of work, ngại giao tiếp, dễ bực bội và có thể dễ dàng than phiền users bất kể nguyên nhân và kết quả ra sao. Cũng có điều kiện học hỏi các đàn anh nhưng bạn lại ngại những việc không phải của mình. Sau ba năm, dặm chân tại chỗ và bạn vẫn luôn than phiền về công việc của mình như những ngày đầu.

Câu chuyện thứ hai: là một tech guru, nhưng không thể hơn.

Bạn là một một trong những developer giỏi thế hệ 8x. Cho đến bây giờ bạn đã là một sói già trong ngành dev. Tuy nhiên, bạn không thể tiến xa hơn được vị dù đã đổi nhiều công ty và vẫn nhiều lần than phiền các công ty không hiểu mình. Vấn đề ở chỗ, bạn rất ngại giao tiếp, không thích các hoạt động tập thể. Kỹ năng trình bày của bạn cũng yếu và luôn khiến người ta buồn ngủ trong các cuộc họp. Các team cũng ngại khi làm việc với bạn dù có những kinh nghiệm bạn hơn hẳn những người khác vì bạn không thật sự cởi mở. Sau bao nhiêu năm, có vẻ bạn đã dặm chân tại chỗ và ngày càng khó thay đổi hơn.

Vậy điều gì khiến cho bạn, dù rất giỏi về kỹ thuật nhưng khó có thể tiến xa?

Những kỹ năng mềm quan trọng đối với dân IT

1. Kỹ năng giao tiếp – Communication skills

Kỹ năng giao tiếp của dân IT

Kỹ năng giao tiếp, communication skill, là một trong những kỹ năng quan trọng bậc nhất. Dù bạn làm trong một team IT hỗ trợ khách hàng hay tham gia các dự án công nghệ, cả hai đều đòi hỏi các thành viên với những thế mạnh khác nhau làm việc cùng nhau để hoàn thành được mục tiêu chung. Giao tiếp hiệu quả là cực kỳ quan trọng để có thể gắn kết các thành viên. Không chỉ giao tiếp trong team, bạn còn phải giao tiếp với users, khách hàng và nhiều đối tượng khác nhau. Giao tiếp không chỉ qua trao đổi bằng lời nói mà còn qua nhiều hình thức viết hay những phương thức khác.

Làm thế nào để giao tiếp hiệu quả?

  • Nói rõ ràng và có tính thuyết phục: bạn sẽ người khác buồn ngủ và phát chán nếu cứ lí nhí trong miệng, hoặc thông tin lộn xộn không đâu vào đâu.
  • Biết cách lắng nghe: hãy tưởng tượng một senior engineer rất giỏi nhưng luôn muốn chiếm diễn đàn trong các buổi họp hoặc khi thảo luận. Bạn nghĩ thế nào khi ý kiến mọi người luôn bị lấn át và không được lắng nghe?
  • Viết email, báo cáo hiệu quả: với nhiều đối tượng khác nhau, cách viết email hay báo cáo có thể khác nhau. Email bạn viết cho khách hàng khác với một người trong team, và khác với những đối tượng khác nhau trong công ty hay dự án. Có khi rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật, khi phải dùng ngôn ngữ rất dễ hiểu, lúc cần ngắn gọn nhưng lắm lúc thực sự chi tiết… tùy đối tượng của bạn là ai. Nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm tốt việc này.
  • Học cách trình bày vấn đề: giống như trên đã đề cập, trình bày rõ ràng, có sức thuyết phục sẽ giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn.
  • Tham gia những khóa học như Kỹ năng trình bày (presentation skills), Kỹ năng viết (business writing skills), kỹ năng đàm phán (negotiation skills)..d  khi có điều kiện.
  • Trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là nếu bạn làm trong môi trường sử dụng tiếng nước ngoài nhiều. Đọc được tài liệu tiếng Anh không có nghĩa bạn đủ tự tin trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh.
 

2. Kỹ năng làm việc nhóm – Teamwork skills

Công ty hay dự án khó có thể thành công nếu chỉ dựa vào một người. Là một thành viên của team, bạn cần phải biết làm thể nào đế có thể phối hợp với các thành viên khác sao cho hiệu quả. Các công ty cũng luôn muốn xây dựng một văn hóa công ty thân thiện và gắn kết trong đó bạn là một mắt xích quan trọng.

Làm việc nhóm
Làm việc nhóm – teamwork là kỹ năng quan trọng với người làm kỹ thuật.

Làm thế nào để cải thiện khả năng làm việc nhóm?

  • Sẵn sàng hỗ trợ khi đồng nghiệp cần sự giúp đỡ của bạn.
  • Dù bạn có khác quan điểm, luôn thảo luận các vấn đề với tinh thần xây dựng.
  • Cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp không chỉ qua công việc mà còn qua các hoạt động chung khác của công ty hay team.
  • Cải thiện kỹ năng giao tiếp, học cách lắng nghe hiệu quả, sẵng sàng thay đổi khi cần thiết.  Khi cần phản hồi đồng nghiệp, hãy khéo léo và xây dựng.
  • Làm việc có trách nhiệm với chính mình và với mục tiêu chung của cả team.
  • Nếu công ty có tổ chức những khóa học về Làm việc nhóm hiệu quả (Effective Team working skills) bạn đừng bỏ lỡ.

3. Thích ứng và thay đổi – Adaptability & Management of change skills

Không phải mọi thứ đều luôn diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu. Công nghệ, nhân sự thay đổi, kế hoạch kinh doanh chuyển hướng, ngay cả môi trường xung quanh cũng có thể thay đổi (ví dụ dịch Covid-19 trong thời gian qua)… làm cho dự án hay công việc của bạn không phải lúc nào cũng theo kế hoạch. Với những ai làm trong dự án sử dụng phương pháp Agile, requirements thay đổi không phải là chuyện lạ. Bạn cần phải có khả năng thích ứng và sẵn sàng cho những thay đổi.

Làm thế nào để cải thiện khả năng thích ứng và quản lý tốt sự thay đổi?

  • Luôn tìm cơ hội để cải thiện bản thân cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm.
  • Học hỏi các công nghệ mới, cập nhật kiến thức, cập nhật công nghệ.
  • Cởi mở, nhìn những sự thay đổi ở khía cạnh tích cực thay vì chỉ nhìn vào những điều tiêu cực.
  • Những khóa học về Quản trị sự thay đổi (Change Management) sẽ giúp cho bạn rất nhiều.

4. Kỹ năng giải quyết vấn đề – Problem solving skills

Thường mọi người sẽ nghĩ: khi có vấn đề liên quan đến mình thì sẽ tìm cách giải quyết, và ai cũng vậy thôi. Tuy nhiên mọi việc không đơn giản như vậy. Cùng một vấn đề, hai người kinh nghiệm và kỹ năng như nhau chưa chắc đã cùng tìm ra giải pháp nhanh như nhau.

Làm thế nào để cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề?

  • Khi bạn đã giải quyết xong một vấn đề, hãy tập thói quen suy nghĩ: liệu mình có thể làm gì tốt hơn?
  • Suy luận vượt ra khỏi những gì bạn đã từng làm hay trải qua (think out of the box)
  • Cởi mở trao đổi với với đồng nghiệp, khách hàng liên quan để có được nhiều thông tin, hiểu hơn về vấn đề mình cần giải quyết.

Kỹ năng giải quyết vấn đề problem solving IT

5. Kỹ năng học hỏi – Learning and Researching skills

IT là một ngành có tốc độ thay đổi một cách chóng mặt. Ngay cả khi bạn làm trong một công ty sử dụng nhiều legacy systems, tức những hệ thống đã lỗi thời nhưng vì nhiều lý do còn sử dụng thì vẫn không tránh khỏi những tác động của công nghệ mới (hệ thống kế nối, cách thức xử lý dữ liệu…). Điều đó có nghĩa, bạn phải cập nhật, nghiên cứi và học hỏi các công nghệ mới thường xuyên để có thể đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng đó.  Dừng lại là bạn đã trở nên lỗi thời.

Làm thế nào để học hỏi một cách hiệu quả trong ngành công nghệ:

  • Theo dõi những tin tức về công nghệ liên quan thông qua một số kênh công nghệ, blog uy tín trong ngành
  • Tham gia các cộng đồng công nghệ như StackOverflow, Viblo… Tham gia viết bài, trả lời hay tư vấn những vấn đề người khác đang cần hỗ trợ.
  • Với những dự án hãy công việc mà bạn tham gia, hãy rút ra những bài học cho riêng mình, đặc biệt là những việc bạn làm chưa tốt.

6. Kỹ năng quản lý dự án – Project Management skills

Một số kỹ năng khá quan trọng đối với các IT guru là quản lý thời gian (time management), quản lý công việc (task management), đảm bảo chất lượng công việc… Đó cũng chính là những kỹ năng được sử dụng trong quản lý dự án. Cho dù bạn không phải là một project manager nhưng có kỹ năng lên kế hoạch và thực hiện công việc một cách hợp lý, khoa học sẽ giúp bạn rất nhiều.

Làm thế nào để nâng cao kỹ năng quản lý dự án?

  • Tổ chức công việc một cách hợp lý, có kế hoạch rõ ràng. Thực hiện theo kế hoạch một cách có kỹ luật
  • Sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ mà bạn đang làm việc cùng: các phần mềm quản lý task, dự án, phần mềm quản lý code version… để không phải mất quá nhiều thời gian khi  bạn làm việc với các công cụ.
  • Tham gia các khóa đào tạo về quản lý dự án, time management… nếu có cơ hội.

7. Kỹ năng lãnh đạo – Leadership skills

Có lẽ bạn sẽ cười khi xem đến đây. Tôi đang là một người chỉ đơn thuần làm về kỹ thuật thì việc gì phải có kỹ năng lãnh đạo? Hãy dừng lại một chút và suy nghĩ: công việc của bạn liệu có dễ dàng hơn nếu những người trong team làm việc hết mình và cùng hỗ trợ lẫn nhau để đạt được kết quả tốt nhất? Và liệu bạn là người mà đồng nghiệp có thể nhìn vào để lấy cảm hứng và học hỏi khi cần? Bạn có hiểu được mục tiêu của team, của dự án và của công ty mà mình đang là thành viên trong đó? Bạn có sẵn sàng giúp đỡ hỗ trợ đồng nghiệp khi họ cần? Nếu tất cả các câu trả lời là có, bạn đang có những kỹ năng lãnh đạo và tương lai của bạn sẽ tiến xa hơn.

Làm thế nào để cải thiện kỹ năng lãnh đạo?

  • Sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp khi cần. Làm mentor cho những người ít kinh nghiệm hơn cũng là cách để tích lũy kinh nghiệm.
  • Nếu có cơ hội, tham gia các khóa học về quản lý. Bạn không nhất thiết phải học các khóa học chính thức mà có thể đọc thêm sách, học các khóa học online.

Lời kết

Trên đây không phải là tất cả những kỹ năng mềm mà người làm trong ngành IT cần có. Tuy nhiên đó là những kỹ năng quan trọng bạn cần phải chú ý cải thiện để có thể tiến xa hơn. Đặc biệt nếu mục tiêu của bạn là trở thành Software Architect,  Project Manager, IT Manager, CTO.. hay bất kỳ vị trí cao hơn, việc không có những kỹ năng mềm sẽ khiến con đường của bạn thêm khó khăn và khó thành hiện thực.

Theo IT Guru.

Lớp kỹ năng mềm tại Techmaster Vietnam: https://techmaster.vn/posts/35813/lop-hoc-soft-skill-cho-lap-trinh-vien-tuong-lai