Có thể một số người sẽ nghĩ việc này không có gì đặc biệt, nhưng tôi phải khẳng định lại là việc trở thành một junior dev ở cái tuổi ngoại tứ tuần này thật không dễ một chút nào. 

Xin chào, tôi viết bài viết này để chia sẻ câu chuyện của bản thân mình, hi vọng nó sẽ tạo nguồn cảm hứng với bạn nếu bạn là người mới bắt đầu học lập trình web, bất kể web frontend hay web backend, machine learning,... Hi vọng câu chuyện này sẽ có ích đối với bạn!

Tôi có 4 đứa con từ 3 đến 13 tuổi, nên bạn biết đấy, đây thực sự là một thử thách lớn khi quyết định chuyển ngành - chuyển nghề. Nội dung chính có thể chia thành 3 mục như sau:

  • Điều gì đã khiến tôi quyết định chuyển ngành - chuyển nghề
  • Tôi đã bắt đầu như thế nào và động lực của tôi lúc ấy là gì 
  • Tôi đã được tuyển dụng như thế nào và tại sao tôi tự tin với khả năng của mình đến vậy. 

Nguyên nhân khiến tôi thay đổi

Với tôi, chuyển ngành - chuyển nghề không phải là một quyết định dễ dàng. Thử tưởng tượng bạn đang là trụ cột gia đình với 4 người con, bạn càng phải suy nghĩ kỹ gấp đôi bình thường. Công việc trước đó của tôi là Logistic, tôi biết thể nào việc này rồi cũng đến lúc kết thúc, tôi cần phải tìm một công việc mới, và tôi quyết định quay lại với đam mê cũ của mình, đó là Công nghệ thông tin. 

Quay lại những năm 90, hồi đó khi được giới thiệu về MS-DOS, tôi đã rất thích. Nhưng cũng chỉ thế mà thôi, nó cũng tương tự như khóa "Giới thiệu cơ bản về Window 10" ngày nay vậy. Đó chỉ là một lần chạm ngõ với lập trình. Mặc dù hoàn cảnh lúc ấy không cho phép tôi theo đuổi lập trình, nhưng tôi biết đam mê của mình là gì. Tôi đã không biết phải bắt đầu từ đâu cho đến khi một người bạn giới thiệu với tôi HTML, CSS và khuyên tôi nên bắt đầu với freeCodeCamp.

Tôi đã bắt đầu như thế nào

Hãy tưởng tượng một người không biết frontend là gì, phải thực hiện từng bước trong nỗi sợ hãi, sử dụng internet giống như một công cụ để mua sắm trực tuyến và để xem Netflix đi, đó chính xác là câu chuyện của tôi trước khi biết bất cứ điều gì về phát triển web. Như người bạn của mình đề xuất, tôi bắt đầu với việc "tìm hiểu xem Internet là gì và nó hoạt động như thế nào". Tôi đã lên kế hoạch cho một lịch trình, đã đặt ra mục tiêu và tìm ra một chiến lược phù hợp nhất với mình và với hoàn cảnh của mình.

Hãy nhớ: "Sợ những thứ mình không biết là điều bình thường!"

 Sau ba tháng, khi tôi đang học, một người bạn sở hữu một nhà máy bia đã nhờ tôi review trang web của công ty. Tôi có rất ít kiến thức về WordPress, nhưng YAY Youtube, 🙂… nên tôi đã tối ưu hóa nó, cải thiện nó một chút và bắt đầu chạy Chiến dịch quảng cáo trên Facebook. Trong hai tuần đầu tiên, nó tạo được phản hồi khá tích cực, nhưng chỉ online thôi. Chúng tôi đã chờ đợi khách hàng gọi và đặt chỗ cho nhà hàng ngoài trời. Sau đó, chúng tôi chuyển sang thực hiện trên Instagram. Và chúng tôi đã đúng. Tôi sẽ không nói về những con số đạt được sau phi vụ này, vì cái mà tôi đạt được không chỉ là con số thực tế. 

Việc này cộng thêm sự thật là tôi mới đang học HTML, CSS nữa đã giúp tôi nhận ra tôi đã học được rất nhiều. Tôi khao khát được "biết tất cả, xử lý tất cả" những lỗi mà những người mới bắt đầu đều đã gặp qua, còn tôi thì lại biết đến quá muộn. Thường thường, khi cần hoàn thành mục tiêu, bạn đều có xu hướng so sánh bản thân với những người đã thành công rồi. Đây không phải là về sự thành công, mà đây chính là hành trình của riêng bạn. Chính những người cùng trong cộng đồng lập trình viên trên mạng xã hội đã thúc đẩy động lực cho tôi rất nhiều, người bạn vừa nhắc đến bên trên kia lại trở thành người hướng dẫn của tôi. Tôi theo dõi tài khoản Twitter của một số người trong nghề như Florin PopCatalin Pit and Adrian Oprea và học tập từ họ. 

Tuy nhiên, bạn phải nhớ rằng không nên so sánh mình với bất kỳ ai. Nếu bạn là một người tự học ở nhà giống như tôi, hãy mạnh dạn đối đầu với những vấn đề bạn gặp phải; sử dụng Google, sử dụng cmd-z (hoặc Ctrl Z) để xem code chạy như thế nào, đừng sợ làm hỏng code, khôn khéo lên, trước khi làm gì đó hãy tạo một bản coppy, sử dụng nhiều hơn một trình soạn thảo văn bản như Brackets,...

Tôi đã được tuyển dụng như thế nào và tại sao tôi tự tin đến vậy

Tôi thích các câu chuyện hay, đặc biệt là những câu chuyện kết thúc có hậu. Tôi đã thử rất nhiều lần bằng cách apply vị trí junior dev vào những công ty nổi tiếng nhưng đều không may mắn. Tôi đã phải liên tục nộp hồ sơ vào các công ty khác nhau, để duy trì động lực bản thân bằng cách tìm kiếm những công việc Upwork nhỏ trong khi vẫn chăm chút cho trang website WordPress của bạn mình. Tôi khá hài lòng với việc quản lý website này, tuy nhiên đó không phải điều tôi thực sự muốn. Tôi gần như tuyệt vọng khi mãi mà vẫn chưa xin được việc làm. Thời gian vẫn cứ trôi, khi có một người đề nghị tôi build trang web về xây dựng của anh ấy, tôi đã cảm thấy được khích lệ rất nhiều. Tôi đã nhận một công việc freelance, đó hoàn toàn là một bước khởi đầu thành công. 

Chỉ sau 6 tháng bắt đầu làm quen với web development, tôi hoàn thành trang web đầu tiên của mình bằng WordPress sử dụng Divi – Theme Builder. Đối với một số người, điều này không có gì ghê gớm cả, nhưng khi nhìn vào thành tựu nho nhỏ của mình, tôi càng có thêm động lực để tiếp tục hơn nữa. Khi việc freelance này kết thúc, người khách hàng ấy muốn tôi tiếp tục làm việc cho công ty của họ với tư cách một lập trình viên web. Đó chỉ là một công ty xây dựng vừa và nhỏ, nhưng họ đã đặt niềm tin vào TÔI, một người mới bắt đầu (ở thời điểm ấy). Điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi tiếp tục nghiên cứu freeCodeCamp và tìm hiểu sâu hơn vào phát triển web, nghĩa là bắt đầu với JavaScript đáng sợ từ lâu. Vâng, tôi thừa nhận tôi đã rất sợ nó. Tôi không thể nắm bắt được nó, vì vậy tôi đã bắt đầu xây dựng công cụ của mình, công cụ nhỏ, những đoạn code nhỏ và đơn giản. Tôi không thể nói rằng tôi "thống trị" được nó (vì nó như cả một thế giới rộng lớn) trong khi vẫn còn quá mới đối với tôi, nhưng tôi đã bắt đầu học cách xây dựng các hàm nhỏ từ số 0 lên dần.

Tôi có thể nói rằng tôi vẫn sẽ tiếp tục thành công, nhưng tôi sẽ không làm vậy. Thay vào đó, những gì tôi làm sẽ nói lên tôi tự tin vào thực tế rằng việc học sâu hơn sẽ mang lại thành công. 

Vua David of Israel  đã từng nói rằng: Pursue, Overtake and Recover (Theo đuổi, Vượt qua và Giành lại). Hãy:

Theo đuổi ước mơ của bạn!

Vượt qua nỗi sợ hãi!

Và giành lại kết quả của sự cố gắng mà bạn xứng đáng nhận được!

Bài viết được dịch từ đây, cám ơn bạn đã đọc, đừng quên trau dồi kỹ năng lập trình của mình mỗi ngày nhé!