Đăng lại một bài đã viết từ cách đây mấy tháng. Chủ đề này đã có không ít, nhưng chẳng hiểu sao lượng bài tự viết của dân lập trình người Việt ta vẫn không nhiều.


Tôi vốn đã muốn viết 1 bài tử tế về "Tại sao cần viết blog" từ tầm tháng 10 năm ngoái (2017), với cấu trúc mạch lạc, khoa học, tham chiếu đến nhiều bài viết khác, vậy mà chần chừ mãi vẫn chẳng xong. Hôm nay, nhân một chút thời gian ngao ngán với cái "spider chart" đang làm, nhân tinh thần đầu năm đang lên cao tràn trề, muốn gõ vài dòng, ngắn gọn thôi, chủ yếu là để ghi lại cảm xúc ngay lúc này về chủ đề viết lách.

Tôi thích viết từ bao giờ?

Tôi bắt đầu viết từ hồi còn là sinh viên. Đăng trên blog Yahoo 360!. Đến giờ vẫn thỉnh thoảng viết trên Facebook Notes. Lý do thích viết thì có lẽ vì thích trình bày, thể hiện tâm tư suy nghĩ của bản thân. Dù học ngành Điện, nhưng các bài viết của tôi thường xoay quanh cuộc sống xung quanh, về gia đình, bạn bè, cuộc đời mình. Giờ nếu gộp lại tất cả các bài đem in sau chừng đó năm (quãng 13 - 14 năm), có lẽ cũng in được một cuốn sách mỏng dầy ... 50 trang A4.

Ngoài viết ra, tôi coi chụp ảnh kèm phụ đề cũng là một dạng viết, để ghi lại về những vùng đất, những kỷ niệm đã qua với bạn bè.

Trong cái gia tài nho nhỏ trên, không một dòng nào về công việc, về kiến thức đã tích lũy được trong những năm đi học Điện ở Bách Khoa Hà Nội, làm xây dựng ở An Viên, làm năng lượng tái tạo ở VNEEC, viết luận văn về rác ở Accenture, hay viết về sản xuất, về máy biến áp lúc ở ABB. Giờ đây khi nhìn lại những năm tháng ấy, tôi thấy mình đầy ắp những ký ức sôi nổi không được ghi lại, đang mai một dần bởi hạn chế của trí nhớ con người.

Tại sao tôi cần viết blog về những gì mình đang làm trong ngành phần mềm?

Bởi viết giúp ghi lại quá khứ, thêm tự tin vào tương lai.

Sau 4 tháng học và làm software development, số lượng bài tôi viết (và dịch) là 25 bài. Chưa bàn đến chất lượng, mỗi bài viết cũ là một kỷ niệm về chính cá nhân tôi trong quá khứ. Mỗi bài viết như một chấm đen, nếu tách riêng ra sẽ chẳng là gì. Nhưng nếu đặt cạnh nhau, sắp theo thứ tự thời gian, sẽ thấy các chấm đó nối lại tạo nên hình thù một con người từ lúc non nớt và dần trưởng thành hơn, với cả thành công lẫn thất bại. Do vậy, hiểu về quá khứ của mình quan trọng, bởi nó làm con người thấy tự tin với sự lớn lên của mình, từ đó có thêm lạc quan để đối mặt với tương lai phía trước. Nếu không đem lại sự tự tin vì trưởng thành, thì cũng là vì những thất bại. Thứ thất bại đã được chiêm nghiệm, viết ra, chứ không phải bị bỏ qua, biết mình phải làm gì vào ngày mai để tránh mắc phải những sai lầm của ngày hôm qua.

Duy trì niềm đam mê với thứ mình đang làm

Viết blog trước tiên là đối thoại với bản thân. Ai đó đã nói rằng việc này sẽ giúp giảm căng thẳng, muộn phiền, nhìn vào những mặt tích cực của mọi việc. Các bài blog đều là những thứ mới, hay ho, được viết lúc đang nhiều năng lượng tích cực, muốn chia sẻ hoặc khoe với bạn bè. Nếu có lúc nào buồn chán, cuộc đời u ám, thì đọc lại những niềm vui nho nhỏ đã qua, sẽ thấy đó chính là những đốm lửa nhỏ giữ cho bếp luôn cháy mãi. Hẳn lúc đó sẽ cố thêm một chút, tiến thêm một vài bước chân, để tiếp nối hành trình của mình.

Sắp xếp lại mớ tư duy lộn xộn, nâng cao trình độ

Viết blog công khai tức là luôn phải để ý có người đọc và phán xét mình. Nếu trước chỉ là viết về những gì mình cảm nhận về thế giới (chiều Bản thân --> Thế giới), thì viết blog kỹ thuật lại là cuộc phỏng vấn (tưởng tượng) trong đó mình phải trả lời câu hỏi của một người khác về chủ đề đang viết (chiều Thế giới --> Bản thân). Cứ đặt mình vào vị trí của người bạn, ánh mắt đầy nghi ngờ, hỏi một dãy các câu hỏi "tại sao", "như thế nào", "là cái gì", "liệu thế khác được không", v.v. Phải cố trả lời sao cho dễ hiểu và dễ nhớ nhất, theo kiểu giải thích cho cụ bà 80 tuổi về vận tốc ánh sáng của Anh-xờ-tanh chẳng hạn. Thử hỏi nếu làm được như vậy, thì sẽ nhớ lâu hơn so với việc đọc lướt lướt (tưởng hiểu mà chẳng đọng lại gì) như thế nào? Mà giả sử bị chửi vì viết sai, viết dốt thì thực chất là người ta đang giúp mình miễn phí, chỉ ra các lỗ hổng trong kiến thức cũng như tư duy.

Mất thời gian ư? Đương nhiên! Nhưng đó là việc cần làm. Giống như đang xây nền móng cho tòa nhà tư duy của mình bằng từng viên gạch chắc chắn. Nền móng càng vững chãi, càng rộng thì mình sẽ phát triển tốt hơn về lâu về dài. Viên gạch mình đang xây phải là đá ong, là gạch nung, chứ không phải thứ gạch đất sau mấy trận mưa là trôi.

Là cách hiệu quả để chia sẻ những gì mình biết đến bạn bè

Biết mà không nói là một cái tội. Tỷ lệ lập trình viên Ta chịu viết blog, theo quan điểm chủ quan của tôi, là vô cùng thấp (so với các bạn Tây). Tôi nghĩ chủ yếu là vì lười, vì văn hóa Việt Nam không cổ vũ việc trình bày quan điểm cá nhân. Việc "documentation" vô cùng quan trọng, nếu chỉ đơn giản là các lời khuyên hoặc hướng dẫn bằng lời, thì chẳng có gì để lưu lại, để người khác có cơ hội được "nghe", "phản biện", rồi phát triển tiếp cho những người khác nữa. Vậy thì lấy đâu ra những người khổng lồ để mà đứng trên vai? Văn hóa truyền miệng cần được thay đổi bằng văn hóa ghi chép, bằng giấy mực cổ điển hoặc kỹ thuật số.

Là một trong nhiều cách để quảng cáo về bản thân

Đương nhiên là viết nhiều khoe nhiều thì sẽ được mọi người nhắc đến nhiều, quan tâm, săm soi hơi. Viết hay thì sẽ có người theo dõi, chờ đợi bài viết mơi của mình. Mình viết dở thì sẽ bị chửi, bị góp ý, lúc đó tiến bộ hơn. Nếu cứ kiên trì và không ngừng nâng cao chất lượng bài viết thì kiểu gì cũng sẽ vượt lên trên đám đông, gia nhập vào một đám ít đông hơn, dễ tiếp cận vào những nguồn tài nguyên có giá hơn chút (như công việc, cơ hội gặp người nổi tiếng, v.v.). Cái lợi chính đáng như vậy, tại sao lại bỏ qua?

Ok vậy nên viết về đề tài gì?

Nhiều lắm. Dưới đây là phần mà John Sonmez gợi ý mà tôi ghi lại. Hiện mấy bài viết của 2017 mới chỉ là 1 phần nhỏ trong số những gì có thể viết. Viết nhiều quá mất thời gian học với code. Nói chung cần cân nhắc và giữ mọi thứ cân bằng.

  • Hưỡng dẫn làm cái gì đó
  • Viết review sách hoặc một sản phẩm, công cụ
  • Tổng hợp tin tức mới
  • Viết bình luận về bài viết trên blog khác
  • Câu truyện đời tư mà bạn muốn chia sẻ
  • Phỏng vấn ai đó trong lĩnh vực của bạn
  • Danh sách các điều cần làm/ cần xem (Ví dụ, danh sách 3 phần mềm mã nguồn mở trong Linux để xử lý ảnh Raw)
  • Những bài viết về chủ đề dễ gây tranh cãi
  • Những bài dạng video hoặc thu âm
  • Bài viết của khách mời
  • Series bài viết về 1 chủ đề nào đó
  • Nguồn học tập, bài viết
  • Các case studies
  • Bài viết để trả lời một câu hỏi nào đó
  • Tranh biếm họa
  • Bản tóm tắt các lệnh/ cú pháp thường gặp
  • Cách xử lý một vấn đề gì đấy
  • Một vấn đề nào đó điên đầu vẫn chưa giải quyết được
  • Dự đoán về tương lai của một sản phẩm/ công nghệ cụ thể
  • So sánh về sản phẩm
  • Đưa ra định nghĩa về một thứ gì đó

Trên kia là gợi ý. Hoặc cứ vào xem các blog Việt Nam/ nước ngoài khác viết gì, thấy gì hay thì bắt chước theo.

Nên viết như thế nào?

Theo bạn Huy Trần trong Tại sao phải viết blog kĩ thuật?, thì trước hết là cần có:

  • cấu trúc rõ ràng
  • có hình minh họa
  • biết đánh dấu, in đậm, in nghiêng các mục lục, các phần quan trọng
  • viết như đang nói cho đứa bạn, tránh văn chương hoa mĩ cầu kỳ.

Bài viết đăng lên đâu?

Có rất nhiều lựa chọn cho bạn:

Tôi sẽ viết thêm các bài về Github Page, về Jekyll, và hy vọng về Netify cũng như Gastby, tất cả đều liên quan đến nền tảng hỗ trợ viết blog trong một dịp nào đó.

Kết luận.

Viết blog đem lại nhiều cái lợi cho cá nhân. Với tôi, nó vừa là việc cá nhân, vừa là trách nhiệm của một thành viên của cộng đồng lập trình viên. Nếu được khuyên ... tôi mong các bạn đang "định", hoặc "sẽ" viết blog thì hãy viết ngay. Ý là NGAY nhé, ngay bây giờ, ngay và luôn, mở Microsoft Word/ Google Docs/ Libre Office/ Notepad/ Gmail/ bất cứ trình soạn thảo nào có trong tay, hoặc bất kỳ text editor nào (như VS Code) có Markdown, viết về bất kỳ một cái gì gợi ý bên trên, bất kỳ cái gì mà bạn có trong đầu. Viết ít nhất 1/2 trang A4, nhiều nhất 1 trang A4. Lưu lại. Đăng lên nếu được.

Sẽ cần chuyên cần. Sẽ cần kỷ luật cá nhân. Sẽ cần kiên trì. Thành quả sẽ đến từ từ, vô hình, trong tương lai (có lẽ, tính bằng 3- 5 năm).

PS: Còn 1 thứ nữa của viết blog. Đó là kiếm tiền. Nhưng vì đó không phải mục đích của tôi, nên ... bỏ qua.

Link bài viết gốc: Tại sao cần viết blog