Ngoài kỳ thi JLPT, hiện đã có thêm một số kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật như NAT-TEST, TopJ, JTest… tổ chức thi khá thường xuyên. Có điều, các kỳ thi này chủ yếu nhằm thay thế cho JLPT, về cơ bản chỉ để bổ khuyết cho một nhược điểm của JLPT là chỉ tổ chức thi 2 lần một năm. Do vậy, cách đánh giá năng lực tiếng Nhật không có nhiều khác biệt. Talenta từ kinh nghiệm phỏng vấn hàng trăm kỹ sư IT người Việt đã học tiếng Nhật tại Việt Nam và Nhật Bản đã nắm rõ được hệ luỵ của cách học chạy theo hệ thống chứng chỉ này.

Trong một khoá học có các kỹ sư người Việt và người Philippines, khi đánh giá năng lực đầu vào, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy kết quả bài thi theo chuẩn JLPT của các học viên người Việt tốt hơn hẳn người Philippines, nhưng kết quả thi OPA (Oral Proficiency Assessment) để đánh giá năng lực hội thoại thì ngược lại hoàn toàn. Điều dễ nhận thấy là các kỹ sư Việt càng học lâu tại Việt Nam thì độ “vênh” giữa kết quả thi và năng lực vận dụng tiếng Nhật càng lớn và thường mắc những lỗi rất khó sửa lại. Khi tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi nhận ra đó là những lỗi “di truyền”, do họ học hầu hết từ những giáo viên chỉ mới qua những khoá học rất sơ sài trong nước, bao gồm cả những lò đào tạo như trường Đại học Hà Nội hay Đại học Ngoại thương. Thậm chí có giáo viên mới chỉ qua chừng 1 năm học tiếng Nhật, lấy chứng chỉ N3 là đã bắt đầu quay trở lại dạy người khác. Giáo viên mắc những lỗi cơ bản và cứ thế truyền lại cho học sinh, rồi học sinh đó lại trở thành giáo viên…

Làm việc với các kỹ sư IT người Âu Mỹ tại Nhật, bạn sẽ thấy nhiều người giỏi tiếng Nhật một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng khi hỏi họ đã học từ đâu, bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa vì ít người theo học những khoá tiếng Nhật tập trung mà chủ yếu là tự học. Cũng có những kỹ sư người Việt tự học và làm việc tốt bằng tiếng Nhật. Họ thường là những người nhạy bén và tiếp thu rất nhanh qua công việc. Họ nói thứ tiếng Nhật đơn giản nhưng mạch lạc và rất hiểu việc. Một giáo viên tiếng Nhật được “nhồi” cách dạy bài bản sẽ đánh giá thứ tiếng Nhật mà họ sử dụng là tiếng Nhật “bồi” vì nó không theo đúng cách được viết trong sách giáo khoa. Họ không hiểu đó lại chính là yêu cầu tối thiểu từ các doanh nghiệp Nhật. Ở Talenta, chúng tôi gọi đó là “tiếng Nhật IT sinh tồn” (survival IT Japanese). Đó là kỹ năng thiết yếu mà bạn buộc phải có để trụ lại trong dự án. Vâng, trước khi nghĩ đến thành đạt, bạn cần trụ vững trong các dự án đã.

Và nói đến kỹ năng sinh tồn thì không thể bỏ qua phương thức boot camp. Boot camp khởi nguồn là chương trình huấn luyện tân binh của Lính thuỷ đánh bộ Mỹ, rèn luyện những kỹ năng cơ bản để một binh sỹ có thể sống sót khi được tung vào chiến trường khắc nghiệt. Khái niệm này sau đó được mở rộng ra dùng cho các khoá huấn luyện thể hình, rồi kỹ năng sống và những năm gần đây là trong huấn luyện kỹ năng lập trình, ngoại ngữ hay khởi nghiệp.

Hai đặc điểm nổi bật của các khoá học boot camp là (1) tốc độ (2) hiệu quả. Một khoá học boot camp thường kéo dài trong 12 đến 40 tuần với cường độ học cao. Bằng việc chỉ tập trung vào các kỹ năng cần thiết nhất trong thực tế, các khoá học này mang lại hiệu quả tương đương với những chương trình 2-4 năm học chính khoá, dù mục đích có thể có đôi chút khác biệt.

Chương trình IT Japansese bootcamp của Talenta đi từ việc điều tra cụ thể các tình huống sử dụng tiếng Nhật trong dự án của một lập trình viên. Danh sách các kỹ năng được liệt kê để định nghĩa chi tiết mục tiêu của khoá học. Sẽ không có các tình huống như đi mua đồ, vào tiệm ăn hay du lịch. Thay vào đó là việc báo cáo tiến độ, trình bày giải pháp, đề xuất kế hoạch hay xin lỗi khi phát sinh bug trong dự án… Các bài học sẽ được xây dựng cho từng tình huống như vậy, trong đó cài nhiều từ vựng phổ biến trong ngành IT.

Việc học sẽ được tổ chức bằng cách để học viên đóng vai trong tình huống thực tế và liên tục hoán đổi vai để mọi học viên có cơ hội như nhau. Từ vựng và mẫu câu có sẵn trong học trình online, học viên tự mình chuẩn bị trước và thời gian trên lớp tập trung vào luyện tập. Nhiệm vụ chính của giảng viên không còn là truyền thụ kiến thức mà tổ chức lớp học và theo dõi hỗ trợ ngay các học viên chưa tự nắm vững được nội dung học.

Hai tháng cuối cùng của khoá học, toàn bộ học viên sẽ được đưa vào thao trường thực thụ. Dự án tốt nghiệp là sự thử thách thực sự kỹ năng lập trình và giao tiếp của từng học viên. Khách hàng Nhật sẽ trực tiếp giao yêu cầu đến từng nhóm dự án và tương tác trong suốt quá trình làm dự án. Tất cả những tương tác đó được giảng viên ghi nhận và can thiệp hướng dẫn khi cần thiết. Vượt qua kỳ sát hạch này, học viên tốt nghiệp đều sẽ có đủ kỹ năng để đối mặt với mọi tình huống trong công việc tương lai. Họ đã sẵn sàng hành trang cho chuyến đi xây dựng sự nghiệp tại Nhật Bản.

 

Nguồn talenta.vn