Công việc của lập trình viên front end là gì? Lập trình viên Front end không chỉ thiết kế ra một giao diện với các tính năng duy nhất. Những lập trình viên phải đảm bảo nó tương thích với các loại thiết bị bởi mỗi thiết bị lại có một kích thước màn hình và độ phân giải khác nhau, thậm chí là khác hệ điều hành
Về cơ bản, một lập trình viên Front end (Front end developer) sẽ chịu trách nhiệm phát triển giao diện bên ngoài của một website dựa vào những bản thiết kế. Những giao diện website đó sẽ được người dùng nhìn thấy đầu tiên khi truy cập vào trang web thông qua trình duyệt.
Các kỹ năng về lập trình
1. HTML / CSS ⚡️
HTML (HyperText Markup Language) là ngôn ngữ đánh dấu tiêu chuẩn được thiết kế để xây dựng các trang web. Có thể nói, đây chính là nền tảng cơ bản, quan trọng nhất của một website. Trong khi đó, CSS (Cascading Style Sheets) lại là ngôn ngữ được sử dụng để định kiểu (tạo bố cục, màu sắc, phông chữ, v.v.) cho nội dung được tạo ra bằng HTML trước đó.
Thành thục HTML5, CSS3 là bắt buộc phải có. Mình biết chắc trong lúc tìm hiểu bạn đã thấy 2 cái tên này xuất hiện khắp nơi. Bạn sẽ không thể tìm được công việc lập trình frontend nào mà không yêu cầu việc sử dụng hiệu quả 2 ngôn ngữ này.
2. JavaScript / jQuery / DOM ⚡️
1 công cụ quan trọng khác trong bộ đồ nghề frontend của bạn chính là JavaScript (JS). Trong khi HTML là ngôn ngữ đánh dấu và CSS là ngôn ngữ định kiểu, thì JS mới chính là ngôn ngữ lập trình thực thụ. Điểm khác nhau là gì? Nếu HTML và CSS quyết định phần trình bày của 1 trang web, thì JS sẽ quyết định phần chức năng.
Bạn không cần phải vội vàng trong việc sớm thành thạo jQuery hay những framework khác, vì không hề đơn giản. Hãy thử những gì cơ bản nhất như tìm hiểu kỹ DOM, 1 phần không thể thiếu trong việc lập trình web
1 điểm nổi trội để giúp JS trở nên cần thiết là nhờ vào sự tồn tại của các thư viện như jQuery, 1 bộ sưu tập các plugin và extension làm nó nhanh và dễ sử dụng JS hơn trên web của bạn. jQuery sẽ nhận các tác vụ thông thường vốn yêu cầu nhiều dòng code JS và nén chúng vào 1 format mà có thể thực thi được chỉ trong 1 dòng code duy nhất. Đây là sẽ lợi thế lớn khi bạn dùng JS, trừ khi… bạn không thích tiết kiệm thời gian (mình đùa thôi).
3. CSS và các framework của JavaScript ⚡️
CSS và các framework của JavaScript là tập hợp những file CSS hoặc JS thực hiện một loạt nhiệm vụ bằng cách cung cấp chức năng phổ biến (đăng nhập web, tìm kiếm blog...). Nói cách khác, thay vì một tài liệu văn bản trống thì bạn có thể bắt đầu với một file code đã có sẵn rất nhiều JS hữu ích trong đó.
Mọi framework đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, vấn đề mấu chốt là chọn được framework phù hợp với kiểu trang web bạn muốn xây dựng. Không chỉ vậy, bạn thậm chí còn có thể kết hợp nhiều framework cùng nhau (Bootstrap với AngularJS, v.v.). Đây cũng là một trong những yêu cầu cơ bản về kỹ năng chuyên môn của lập trình viên front-end.
4. Tiền xử lý CSS ⚡️
Ngôn ngữ CSS vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chẳng hạn như khó xác định các biến, hàm hoặc một số phép tính toán học phức tạp. Đặc biệt khi một dự án dần phát triển về quy mô và codebase, bạn sẽ cảm thấy mình đang lãng phí quá nhiều thời gian cho việc viết code chỉ để thực hiện các thay đổi. Tương tự như các framework CSS (và JS), tiền xử lý CSS cũng giúp công việc lập trình web của bạn trở nên dễ dàng và linh hoạt hơn.
Sử dụng các bộ tiền xử lý CSS như Sass, LESS hoặc Stylus cho phép bạn viết code bằng ngôn ngữ của bộ tiền xử lý. Sau đó, những code đó sẽ được chuyển đổi thành CSS để hoạt động trên website của bạn.
5. Hệ thống quản lý phiên bản – Version Control / Git ⚡️
1 trong những kỹ năng cũng quan trọng không kém và tuy không có cái tên HTML, CSS hay JS nào trong đó nhưng vẫn đủ vì sự liên quan mật thiết!
Sau tất cả nỗ lực với việc marking-up bằng HTML, styling với CSS và lập trình với JS, bạn sẽ trải qua vô số lần sửa đổi khi phát triển.
Nếu có gì đó trục trặc xảy ra trong suốt chặn đường, điều cuối cùng bạn sẽ muốn làm là bắt đầu lại từ đầu. Version control là quá trình truy lùng và điều chỉnh những thay đổi tới source code của bạn để điều tệ hại đó không xảy ra.
Phần mềm version control, như Git – 1 nguồn mở cực ổn định, chính là công cụ bạn sẽ dùng để truy ra những thay đổi để bạn có thể trở về 1 phiên bản trước đó và tìm ra những gì sai sót mà không cần phải làm rối tung hết mọi thứ.
Và đây là 1 kỹ năng thú vị mà bạn (và cả khách hàng hay sếp của bạn nữa) sẽ rất hài lòng với nó.
6. Thiết kế responsive ⚡️
Bạn có để ý khi truy cập cùng một trang web ở các thiết bị khác nhau (máy tính, điện thoại, máy tính bảng...) thì giao diện của nó luôn tự động tùy chỉnh kích thước để phù hợp với kích cỡ thiết bị đích hay không? Điều này chính là nhờ thiết kế responsive. Nắm chắc các nguyên tắc cũng như cách triển khai kiểu thiết kế này ở phần coding chính là chìa khóa quan trọng cho lập trình viên Front-end chuyên nghiệp.
7. Testing / Debugging ⚡️
Từ 1 trang web kinh doanh nhỏ lẻ cho tới 1 trang quốc tế cho ngân hàng trực tuyến, bug là thứ dù rất đáng ghét nhưng sẽ luôn song hành với bạn trong sự nghiệp lập trình (trừ khi là bạn không code nữa…).
Và để giữ mọi thứ tiếp tục phát triển, bạn cần phải test code của mình để tìm bug suốt chặng đường, nên khả năng test và debug cũng nằm trong danh sách những kỹ năng không thể thiếu cho các dev frontend.
Có khá nhiều phương pháp test cho lập trình web. Test chức năng – functional testing sẽ trông hộ 1 phần chức năng cụ thể trên web của bạn (như 1 form hay database) và đảm bảo rằng nó thực hiện đúng mọi chức năng mà bạn đã code.
Test đơn vị – unit test cũng là 1 phương pháp. Nó test từng bit nhỏ nhất của code mà chịu trách nhiệm cho 1 thứ gì đó trên web của bạn và xem từng cá thể đó có hoạt động chính xác hay không.
Test là 1 phần lớn cho quá trình phát triển frontend, may thay, đã có sẵn những framework để giúp bạn làm điều này. Những chương trình như Mocha và Jasmine được thiết kế để giúp bạn tăng tốc và đơn giản hóa quá trình testing của bạn. (trừ khi bạn muốn làm quen với em tester nào đó ở chỗ làm).
8. Các công cụ phát triển trình duyệt ⚡️
Dù thế nào đi nữa, những người dùng cuối cùng sẽ tương tác với web của bạn thông qua 1 trình duyệt web. Cách web của bạn được hiển thị bởi các trình duyệt này sẽ là phần quan trọng quyết định thành quả của bạn có thành công hay không.
Tương tự như testing hay debugging mình đã đề cập ở trên, tất cả trình duyệt web hiện đại đều đi kèm với developer tools – các công cụ phát triển trình duyệt. Nó cho phép bạn test và tinh chỉnh các trang trong chính trình duyệt đó, theo nhiều cách cụ thể để thể hiện cách trình duyệt diễn giải code của bạn.
Các chi tiết cụ thể sẽ khác nhau giữa các trình duyệt, nhưng không sao, thường các developer tools bao gồm trình kiểm tra và bảng điều khiển JavaScript.
Một mẹo nhỏ 🔥: Hãy tìm hiểu sự khác nhau giữa các trình duyệt phổ biến (như Chrome, Firefox, Safari, Opera, Cốc Cốc hay gần đây nhất là Edge…). Điều thú vị là mỗi trình duyệt trên các nền tảng khác nhau sẽ hiển thị phần CSS khác đi 1 chút.
9. Các công cụ dựng, tự động hóa và hiệu năng web ⚡️
Chắc bạn cũng biết bộ ba HTML/ CSS và JS là những công cụ chính để phát triển frontend. Trong khi hầu hết các kỹ năng khác đều giúp cho các công cụ đó hiệu quả hơn hay giúp test trang của bạn và sửa lỗi. Chúng ta sẽ tiếp tục với chúng trong phần này với việc dựng web, công cụ tự động và hiệu năng web.
Bạn có thể code ra những trang web xịn sò nhất nhưng nếu nó chạy 1 cách rùa bò trên thiết bị của người dùng thì mọi chuyện lại thành công cốc. Hiệu năng web là về việc mất bao lâu để trang web của bạn có thể load được. Nếu bạn có vấn đề với điều này thì mình có sẽ chỉ cho bạn vài cách để cải thiện chúng:
Tối ưu hóa hình ảnh: scaling và nén các hình ảnh cho hiệu năng web cao nhất.
Thu gọn CSS và JavaScript: gỡ bỏ tất cả những ký tự không cần thiết mà không làm thay đổi các chức năng.
Thực hiện các tác vụ này để tăng hiệu năng web có thể hơi tốn thời gian, nhưng đây cũng là lý do công cụ tự động tồn tại. Những chương trình như Grunt và gulp có thể được dùng để tự động tối ưu hóa hình ảnh, thu gọn CSS và JS, và các công việc khác về hiệu năng web. Để trang web được tốt nhất, việc làm quen với những điều này là thực sự cần thiết.
10. Dòng lệnh ⚡️
Sự gia tăng của giao diện người dùng đồ họa – Graphic User Interfaces (GUI) vào máy tính là 1 trong những điều tuyệt nhất từng xảy ra. Sẽ dễ dàng hơn nhiều để trỏ và nhấp vào 1 menu đầy tương tác và sống động thay vì phải ngồi gõ và gõ.
Đó là điểm khác biệt giữa việc máy tính của bạn chỉ mang lại những gì có sẵn trên bề nổi và có thể nhận được những gì bạn cần bằng cách đào sâu hơn bằng cách thủ công.
Ngay cả khi những công việc chính của bạn vẫn được thực hiện xong bằng GUI, các công ty sẽ thực sự ấn tượng và tín nhiệm bạn hơn với các kỹ năng frontend của mình nếu bạn thành thạo các dòng lệnh.
Kỹ năng mềm
1. Kỹ năng tư duy logic, tư duy phản biện
Đối với một lập trình viên front-end hay tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì tư duy logic, tư duy phản biện gần như là yêu cầu cơ bản nhất nhưng cũng quan trọng nhất. Tất cả sẽ ảnh hưởng tới cách bạn nhìn nhận, đánh giá và tìm ra giải pháp cho các vấn đề một cách hiệu quả, hướng người dùng nhất.
2. Sáng tạo
Bên cạnh đó, khả năng sáng tạo cũng là một trong những kỹ năng mềm quyết định thành công của lập trình viên front-end. Công việc của bạn nhằm mang lại trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, ấn tượng nhất cho người dùng nên cần có cảm quan tốt, được xây dựng trên những ý tưởng độc đáo, khác biệt.
3. Khả năng xử lý vấn đề
Dĩ nhiên, lập trình viên front-end cũng nên có khả năng xử lý vấn đề nhanh và quyết đoán, không chỉ trong quá trình thiết kế, lập trình mà cả trong khi kiểm tra, khắc phục lỗi cũng như nâng cấp sản phẩm phần mềm, ứng dụng...
4. Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt
Ngoài ra, lập trình viên front-end cũng nên có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt để trao đổi với đồng nghiệp, với những người cùng dự án. Một sản phẩm công nghệ sẽ chỉ thành công khi nó hữu ích với người dùng và được tạo ra bởi quá trình hợp tác hiệu quả giữa các bộ phận, cá nhân liên quan.
Tổng kết
Để trở thành một lập trình viên Front-end chuyên nghiệp vừa khó mà vừa dễ, hãy luôn trau chuốt, tỉ mỉ và chi tiết từng chút cho web hay ứng dụng của bạn được mượt mà và bắt mắt. Hãy luôn kiên nhẫn và luôn trao dồi thêm kiến thức, công nghệ mới nữa nhé. Năm 2021, lập trình viên front-end là một trong những vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Do đó, những người đáp ứng tốt những kỹ năng trên chắc chắn sẽ được nhà tuyển dụng săn đón.
Chúc các bạn sớm trở thành 1 lập trình viên frontend đầy kỹ năng và thành công trên sự nghiệp. 🤓
Hiện tại khóa học Web Frontend + React.js tại Techmaster Vietnam vẫn liên tục tuyển sinh các lớp tiếp theo. Với cả hai hình thức là đào tạo Offline và học trực tuyến có tương tác. Và vẫn đảm bảo việc làm cho học viên tốt nghiệp đối với cả hai hình thức đào tạo.
Chi tiết khóa học: https://frontend.techmaster.vn/.
Liên hệ tư vấn: Mr Thịnh - 0987273764 (zalo).
Bình luận