Trong thời buổi bây giờ, có vẻ khá khó cho các lập trình viên web junior tìm kiếm công việc, những công việc mà mới nghe đã thấy yêu cầu một mớ kiến thức: React, Vue, Angular, Node, Gulp, Webpack, Sass và 1 cơ số các kỹ năng mà có thể bạn đã nghe thấy những chả hiểu mô tê gì về nó cả!

Liệu có thể được thuê nếu không biết tất cả những kiến thức trên không? Có thể thực tập được không? Liệu có bị từ chối chỉ vì không có đủ kinh nghiệm? Và bao nhiêu kinh nghiệm là đủ? 2 năm? 5 năm? Hay 1 con số lớn hơn nữa?

Liệu có thể tìm được 1 công việc mà không phải mất đến 3 năm tự code và rèn luyện? Liệu có thể tốt nghiệp 1 bootcamp nếu không đến trường học? Tại sao kiếm việc lại khó thế với các lập trình viên junior?

Bài viết này sẽ trình bày những quan điểm của tôi về việc tìm kiếm công việc với "chức danh" junior. Tôi cũng sẽ chia sẻ về hành trình tìm công việc đầu tiên của chính bản thân tôi.

 

Đầu tiên, nó không chỉ là tìm kiếm 1 công việc

Nghe có vẻ trái ngược, tuy nhiên vấn đề không chỉ đơn thuần là tìm 1 công việc. Trước khi bạn bắt tay vào tìm việc, bạn cần phải biết rằng bạn muốn trở thành như thế nào, và bạn muốn làm việc ở đâu.

Liệu bạn có muốn trở thành 1 lập trình viên làm việc trong 1 cơ quan đầy tính sáng tạo, nơi bạn có thể làm ra những website lộng lẫy cùng với những con người trẻ trung sáng tạo khác?

Liệu bạn có muốn trở thành 1 lập trình viên trong 1 startup, nơi mà bạn dựng xây nên những ứng dụng non trẻ và mong chờ vào 1 ngày chúng trở thành những thứ làm cho thế giới tốt đẹp hơn?

Liệu bạn có muốn làm 1 lập trình viên tự do (freelancer), giúp mọi người làm nên những trang web đẹp đẽ trong lúc đang trên tàu đi đây đi đó?

Bạn muốn trở thành kiểu lập trình viên nào? Bạn cần phải biết nơi bạn muốn đến trước khi bạn khởi hành. Nếu bạn muốn tìm kiếm 1 công việc bất kì, thì cuối cùng bạn sẽ trở thành 1 con mọt chính hiệu, cố gắng học mọi thứ và rồi sẽ trở nên vô định.

Do đó, hãy vạch ra mục tiêu của mình. Hãy tự hỏi mình: bạn muốn gì với công việc đầu tiên? Một khi đã làm thế, hãy nhớ rằng sau đó bạn có thể thay đổi công việc của mình. Có thể đầu tiên bạn sẽ làm việc trong 1 cơ quan, sau đó trở thành 1 freelancer hay xây dựng 1 startup nếu bạn muốn. Câu trả lời rất quan trọng, bởi nó sẽ cho bạn con đường để trở thành 1 lập trình viên.

 

Học những kỹ năng cần thiết

Một khi đã xác định được mục tiêu, bạn sẽ cần học những kỹ năng cần thiết giúp đạt được mục tiêu đó.

Nếu bạn muốn trở thành 1 lập trình viên trong cơ quan hay công ty, bạn sẽ cần có sự tinh tường về thiết kế. Bạn cần thành thạo việc cắt file PSD, file AI hay Sketch thành mã HTML. Bạn cũng có thể cần thêm kiến thức về JavaScript để làm các animation hay tương tác với trang web.

Nếu bạn muốn trở thành lập trình viên của 1 startup, bạn cần có những tố chất về nghiệp vụ. Bạn cần biết rằng tính năng nào quan trọng tính năng nào không. Bạn cũng cần có khả năng tạo nên các ứng dụng cho startup (điều này đồng nghĩa với việc cần kiến thức JavaScript đủ tốt), và bạn cũng cần kết nối ý tưởng, suy nghĩ của bạn với các đồng nghiệp.

Nếu bạn muốn trở thành 1 web freelancer, bạn cần biết cả về front-end và back-end (ít nhất là Wordpress) để bạn có thể nhận những công việc từ các công ty, startup hay từ khách hàng của chính bạn. Hướng đến công việc này thì bạn sẽ phải đối mặt với việc cần học cả kiến thức về nghiệp vụ lẫn kiến thức về kỹ thuật cùng 1 lúc.

Nếu bạn muốn trở thành lập trình viên trong các công ty lớn thì tôi rất tiếc vì không có bất cứ lời khuyên nào cho bạn. Tôi không biết lập trình viên trong các công ty đó làm những gì, vì tôi chưa bao giờ ở vào tình huống đó.

Trước khi apply vào vị trí bạn mong muốn, bạn cần phải chứng minh được bạn có những kỹ năng cần thiết và thái độ làm việc độc lập khi không có sự giám sát. Nó có nghĩa là bạn hãy tạo 1 portfolio (hồ sơ dự án cá nhân).

Tôi không đề cập đến portfolio mà bạn bỏ những website bạn làm vào. Tôi đang nói về portfolio với các công việc mà bạn tự hào. Bạn cũng cần có khả năng nói về những công việc đó. Portfolio của bạn cần có ít nhất 1 (tốt nhất nên là nhiều hơn) công việc thể hiện được tiềm năng của bạn.

Một khi bạn đã có portfolio, hãy bắt đầu apply công việc.

 

Thế những yêu cầu trong các mẩu tin tuyển dụng thì sao?

Tôi e rằng tôi không thể giúp bạn quá nhiều về các yêu cầu công việc trong các quảng cáo tuyển dụng. Tôi chưa bao giờ thích việc tìm việc qua các quảng cáo. Tôi cũng chưa bao giờ thành công về việc này. Hơn nữa, việc tìm việc qua các mẩu quảng cáo thực sự khiến tôi stress nhiều đến nỗi tôi từng cho rằng mình là đồ vứt đi chỉ bởi vì không đáp ứng đủ những yêu cầu tuyển dụng.

Kể cả bây giờ, nếu xem những mẩu tin tuyển dụng cùng với bạn, tôi chắc chắn rằng tôi chả đáp ứng đủ những yêu cầu trong đó - tôi chả biết đủ để trở thành siêu sao React, Vue hay Angular cùng 1 lúc cả.

Tuy nhiên điều đó không ngăn cản tôi tìm kiếm cơ hội trở thành lập trình viên web, và nó cũng không thể ngăn cản được bạn.

Đây sẽ là điều tôi gợi ý cho bạn: hãy cứ tìm việc đi!

 

Hãy cứ tìm việc đi!

Lần đầu tiên học về phát triển web, tôi đã thực tập trong 1 startup nhỏ. Hầu hết thời gian là công việc quản trị. Trong vòng 1 tháng tôi đã tự dựng nên trang web Wordpress đầu tiên. Lúc đó thật khó để kiềm chế sự phấn khích. Tôi đã rất tự hào về nó!

Tôi không thể ngừng được sự sung sướng đó. Tôi đã muốn nói với mọi người về trang web đó (spoil tí, nó là trang blog của tôi, phiên bản đầu tiên). Tôi đã cho vị quản lý xem blog và nói về những phấn khích mà tôi cảm nhận được về công việc phát triển web và cách mà tôi dựng nên nó trong vòng 1 tháng.

Rất bất ngờ, cô ấy đã bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi về Wordpress, liệu có thay đổi màu trong Wordpress editor được không? Tôi nói có và đã trình bày cho cô ấy cách làm. Tôi đã trả lời mọi câu hỏi cô ấy đưa ra, và tôi đã hỏi rằng liệu họ có cần thêm tính năng gì cho trang Wordpress hay không, ví dụ như 1 Datepicker sẽ liên kết người dùng với API hotel booking. Cô ấy đã rất phấn khởi về ý tưởng này, và tôi đã dành cả tháng kế tiếp để hoàn thành task này, học 1 chút jQuery và hoàn thành nó :)

Bạn thấy đấy, bạn không cần những kỹ năng khủng để có thể gia nhập giới phát triển web. Bạn có thể bắt đầu từ mọi nơi. Thậm chí từ công việc hiện tại của bạn!

Bên cạnh việc trực tiếp tìm kiếm công việc, bạn có thể tham gia những buổi meetup. Chúng cũng là những nơi tuyệt vời để tìm việc.

 

Tham gia các buổi meetup

Rất nhiều công ty tìm người từ các buổi meetup. Tôi nhận công việc front-end bán thời gian đầu tay ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng theo cách này. Chỉ đơn giản là đi đến 1 buổi meetup, giới thiệu bản thân và nói chuyện với mọi người. Chỉ thế thôi!

Nhưng Zell này, tôi là 1 tên nhút nhát và tôi không biết phải nói gì thì sao?

Hẳn là bạn sẽ luôn có thứ để nói mà, đúng không? Ý tôi là bạn phấn khích về công việc lập trình web. Bạn muốn chia sẻ sự phấn khích đó với mọi người. Bạn muốn nói về những thứ bạn đã làm được. Bạn muốn học thêm nhiều nữa....

Hãy làm nổi bật chính mình. Nói bất cứ thứ gì bạn nghĩ. Bạn giữ chúng trong lòng vì bạn sợ mọi người sẽ không nghe những lời nhàm chán về cuộc sống của bạn. Bạn sợ mọi người sẽ không bằng lòng với bạn. Bạn sợ mọi người sẽ bỏ qua bạn.

Nhưng chúng lại chính là những thứ các công ty muốn nghe. Họ muốn nghe bạn nói, để chắc chắn rằng họ đang tuyển đúng người. Vậy nên đừng ngại ngần chia sẻ.

Vâng, bạn sẽ bị lờ đi. Vâng, bạn sẽ bị từ chối. Sao nữa? Nếu bạn chỉ đứng trong góc mà không nói chuyện với ai, thì chính là bạn đang từ chối mọi người chứ không phải là ngược lại.

Bạn cần bước ra khỏi vùng an toàn của bạn, hãy thành thực với chính mình và với mọi người xung quanh. Hãy nói những điều bạn muốn nói và chia sẻ những điều bạn thích. Nói lên suy nghĩ, ý tưởng của mình. Điều kỳ diệu sẽ xảy ra thôi, không sớm thì muộn. Tôi đảm bảo với bạn đấy.

Tôi nên nói chuyện với ai?

Thực tế thì là với mọi người! Bạn nói chuyện với ai không quan trọng. Nếu mọi người hưởng ứng bạn, họ sẽ hỏi bạn và lắng nghe thêm từ bạn. Nếu họ không hứng thú, họ sẽ tìm cách từ chối, và đó chính là gợi ý cho bạn để tiếp tục với những người khác.

Bạn chỉ cần bắt đầu cuộc nói chuyện thật tự nhiên: "Xin chào. Tôi là Zell".

Mọi chuyện sẽ tiếp diễn. Họ sẽ hỏi bạn là ai, bạn làm gì, bạn đang làm gì. Bạn có thể bắt đầu chia sẻ với họ về bản thân bạn và bắt đầu hỏi han họ. Hãy nhớ lắng nghe khi họ nói. Đó là phép lịch sự tối thiểu nếu bạn muốn người khác lắng nghe chính mình.

Nếu tôi chả thành công tí nào thì sao?

Đừng mong đợi sự thành công. Bạn sẽ không thể tìm được N việc với N người bạn gặp. Cũng đừng mong rằng bạn có thể tìm được việc ngay với bất cứ người nào bạn gặp. Bạn chỉ cần chia sẻ về mình, gặp gỡ mọi người và kết bạn. Đừng mong đợi gì cả, nhưng hãy sẵn sàng nếu có điều xảy đến.

Hãy mạnh dạn

Nếu bạn tìm thấy bất kì ai bạn muốn nói chuyện cùng, hãy mạnh dạn. Gửi cho họ email sau cuộc gặp. Chào hỏi họ. Thử giúp đỡ nếu có thể. Một số người sẽ cảm thấy không thoải mái, tuy nhiên những người khác sẽ rất cảm kích bạn vì đã giúp họ.

Bạn không cần phải quá hướng ngoại để làm được điều này

Tôi ghét đám đông. Bây giờ vẫn thế. Nếu bạn có tình cờ gặp tôi ở 1 meetup, hẳn bạn sẽ tôi là 1 tên khó gần, 1 tên chỉ chăm chăm vào mớ đồ ăn. Yên tâm, nếu tôi làm được thì bạn cũng làm được.

 

Tổng kết

Có khó tìm việc với lập trình viên web junior không?

Vâng nó khó nếu bạn chỉ trông chờ vào các mẩu quảng cáo: bạn đang tự so sánh mình với cả ngàn lập trình viên khác, điều này thực sự là lý do khiến cho nó khó khăn.

Bên cạnh việc tìm kiếm qua các mẩu tin, hãy thử nói chuyện với mọi người và nói về những thứ bạn đang làm. Tôi cá rằng sẽ có lúc bạn gia nhập vào giới lập trình web mà còn không nhận ra bạn gia nhập bằng cách nào. Đến bây giờ tôi vẫn không thực sự biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn với mọi thứ đã qua, những thứ mà tôi đã sẻ chia với người khác.

Tôi mong bạn hãy gia nhập cùng chúng tôi và cảm thấy vui vẻ với công việc lập trình web.

 

Nguồn: https://zellwk.com/blog/get-hired/