Bài viết được dịch từ tạp chí InfoWorld

Liệu các chứng chỉ lập trình có quan trọng?
Liệu các chứng chỉ lập trình có quan trọng?

Nếu chỉ lập trình giỏi thì không đủ để mang lại cho bạn công việc hàng đầu.

Đối với các lập trình viên và các nhà phát triển phần mềm trong một thị trường đang có nhu cầu cao như hiện nay, thật dễ để nghĩ rằng việc quyết định theo đuổi một chứng chỉ là một việc tốn thời gian. Vì dù gì thì nó cũng chẳng liên quan đến nghệ thuật viết code của bạn, phải không nào?

Theo ý kiến của những người được tuyển dụng và những người đã hoàn thành các khóa học có giấy chứng nhận, thì bạn sẽ thu được nhiều thông tin khá bất ngờ. Trong khi không có gì có thể thắng được kinh nghiệm và các kỹ năng phát triển thực tế, việc có các chứng chỉ có thể giúp bạn tìm thấy công việc mơ ước của mình.

Chúng tôi đã nói chuyện với một số chuyên gia CNTT, từ các nhà quản lý tuyển dụng cho tới các lập trình viên có chứng chỉ hoặc tự học, về tác động của các loại chứng chỉ vào quá trình tuyển dụng -- và những chứng chỉ nào là có nhu cầu nhiều nhất hiện nay.

Ở TechMaster rất hạn chế cấp chứng chỉ sau các khóa học lập trình, bởi vì năng lực của bạn để thể hiện với các nhà tuyển dụng chính là những sản phẩm thực tế mà bạn đã học và làm được.

Bằng chứng về năng lực

Trong khi các lập trình viên ngày nay có thể cảm thấy portfolio GitHub của họ đã cung cấp đủ bằng chứng về khả năng viết code rồi, nhưng các chứng chỉ có thể giúp nâng cao khả năng tiếp thị bản thân trong lĩnh vực này, nhiều nhà tuyển dụng xem các chứng chỉ như là bằng chứng xác thực về năng lực của bạn trong một lĩnh vực lập trình hoặc phát triển xác định, đây là ý kiến của John Reed, giám đốc điều hành cấp cao tại Robert Half Technology, một công ty tuyển dụng việc làm trong lĩnh vực CNTT.

"Các chứng chỉ có thể được xem như là một khác biệt quan trọng đối với các ứng viên đang tìm kiếm các vai trò trong các nhóm công nghệ," Reed cho biết thêm.

Hầu hết các chương trình cấp chứng chỉ được tiến hành và thi trực tuyến, để xác nhận việc kiểm tra kiến thức của bạn trong lĩnh vực này nói chung, cũng như chuyên môn cụ thể và cách giải quyết vấn đề của bạn trong lĩnh vực được cấp chứng nhận.

Cho dù đó là một chứng nhận mang tính khái niệm nhiều hơn, như quản lý phát triển phần mềm, hay đó là rất cụ thể về một công cụ đặc biệt, ngôn ngữ lập trình, hoặc nền tảng nào đó, thì việc có một chứng chỉ cho thấy bạn có một kiến thức sâu sắc trong nghề, Marty Puranik, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty lưu trữ đám mây Atlantic.Net cho biết.

"Hầu hết các lập trình viên liệt kê ra rất nhiều ngôn ngữ trong bản sơ yếu lý lịch hoặc CV của họ, ngay cả khi họ mới chỉ có một cái nhìn thoáng qua về chúng," Puranik nói thêm. "Việc liệt kê ra một ngôn ngữ trong bản sơ yếu lý lịch của bạn là rất khác so với việc được cấp chứng chỉ hoặc được công nhận trong ngôn ngữ X đó."

Puranik cho biết thêm, chứng chỉ chắc chắn mang lại cho bạn "một lợi thế lớn hơn những người không làm điều gì để thể hiện sự gắn kết với ngôn ngữ trong câu hỏi phỏng vấn."

Nhưng trong một thị trường nóng dành cho các lập trình viên, việc không có các code mẫu có đủ cung cấp bằng chứng về năng lực? Tại sao bạn lại muốn trải qua tất cả những nỗ lực kiếm chứng chỉ để có được sự công nhận, thay vì ngồi viết ra thật nhiều code?

Những người đã từng trải qua quá trình chứng nhận đó nói rằng công việc này cũng đáng để làm.

"Ngày càng nhiều công ty đang vật lộn để tìm kiếm các lập trình viên phù hợp, bất cứ điều gì một người nào đó có thể làm để làm nổi bật mình lên sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng," Nathan Wenzler, một chuyên gia công nghệ cao cấp của công ty chuyên cung cấp các sản phẩm bảo mật Thycotic, người đã giành được 13 chứng chỉ về lập trình và các lĩnh vực khác của CNTT trong hơn một thập kỷ qua, cho biết.

Trình độ học vấn và chứng chỉ chứng minh rằng "bạn đã chủ động đi làm một bài kiểm tra, hoặc một loạt các bài kiểm tra, và có thể trả lời thành công các câu hỏi hoặc các vấn đề đặt ra," Wenzler nói.

Các chứng chỉ có thể trở nên đặc biệt hữu ích ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp của bạn.

"Tôi là một người có niềm tin lớn rằng các chứng chỉ trong giai đoạn đầu của sự nghiệp dứt khoát mang lại lợi ích trước khi tôi có thể chứng minh rằng mình có những kỹ năng nào đó," Jeremy Steinert, người đứng đầu các dịch vụ devops tại WSM International, một công ty dịch vụ kỹ thuật chuyên về cloud migration cho biết. Steinert được cấp chứng chỉ công nghệ từ Cisco, Red Hat, Puppet và nhiều tổ chức khác.

Thông thường, khi mà một chuyên gia phát triển có được khoảng 5 năm kinh nghiệm làm việc liên tục, thì các chứng chỉ trở nên ít quan trọng hơn bởi vì họ đã có mức độ chứng minh về khả năng kỹ thuật và sự tự tin trong việc đánh giá và thực hiện của họ, Steinert nói. "Sau đó nó sẽ trở thành một thước đo của việc tiếp tục học thông qua những lần lặp mới hơn của công nghệ," ông nói.

Chứng chỉ có thể dẫn đến mức lương cao hơn

Về điểm này thì việc kiếm thêm một chứng chỉ có thể giúp bạn kiếm được mức thu nhập cao hơn. Dữ liệu thu thập được của công ty Robert Half Technology cho thấy phạm vi lương có thể được tăng lên đến 10% so với mức trung bình của quốc gia, dựa trên các kỹ năng cụ thể và các chứng chỉ, Reed nhấn mạnh.

"Điều đó nói rằng, các nhà tuyển dụng không hoàn toàn tìm kiếm người chỉ có các chứng chỉ, và trong hầu hết các trường hợp cũng sẽ không xem các chứng chỉ là sự thay thế cho các kinh nghiệm thực tế," Reed nói. "Nhưng các chứng chỉ có thể mang lại cho các ứng viên một lợi thế, đặc biệt nếu họ cho thấy một năng lực trong việc sử dụng những công nghệ mới nhất."

Kiến thức càng cụ thể, thì tác động của các chứng chỉ sẽ càng lớn hơn, đặc biệt là trong các điều khoản về lương thưởng, Igor Landes, phó chủ tịch kỹ thuật công ty phát triển phần mềm doanh nghiệp Exadel cho biết.

"Ví dụ, một nhà tư vấn có một chứng chỉ MongoDB có thể sẽ được trả cao hơn so với một nhà tư vấn không có chứng chỉ tương đương," Landes cho biết. "Tất nhiên nếu bạn có đủ kinh nghiệm trong một lĩnh vực cụ thể và nhà tuyển dụng biết rõ về khả năng chuyên môn của bạn, thì sự khác biệt đó gần như sẽ biến mất."

Các chứng chỉ dành cho các lập trình viên và nhà phát triển có xu hướng trở nên quan trọng hơn trong các doanh nghiệp lớn và ít quan trọng trong các startup nhỏ, Puranik nói thêm.

"Một phần lý do của điều này là do các startup có khuynh hướng sử dụng các công nghệ mới hơn, mà có thể những công nghệ này chưa có hệ thống chứng chỉ đi kèm," ông nói. "Một lý do khác đó là ở môi trường doanh nghiệp có nhiều code di sản kế thừa, và do đó các ngôn ngữ cũ hơn được sử dụng sẽ có hệ thống chứng chỉ của nó."

Bên trong "văn hóa doanh nghiệp tôi thấy một mối tương quan giữa việc có nhiều chứng chỉ thì sẽ có mức lương tốt hơn," Elijah Murray, đồng sáng lập và là giám đốc công nghệ của Lenda, một trang web chuyên về tư vấn tài chính cho biết. "Trong thế giới startup bạn được đánh giá cao dựa trên khả năng của bạn chứ không phải là các chứng chỉ. Kinh nghiệm là người thầy tốt nhất, và văn hóa startup vinh danh những ai có tư duy hacker."

Đó cũng là điều hợp lý khi thấy sự thăng tiến cho những ai có chứng chỉ, "miễn là họ cũng mang đến kinh nghiệm và kiến thức hữu ích cho công việc," Wenzler của công ty Thycotic nói thêm. "Chúng tôi đã nhiều lần thấy trong các lĩnh vực của ngành IT và bảo mật thông tin, nơi mà các cá nhân đã trở thành 'có chứng chỉ' bằng cách vượt qua một bài kiểm tra, nhưng lại không có kiến thức thực tế hoặc hiểu biết về công việc đó."

Nếu bạn đã xây dựng được một tập kỹ năng và có thể cho thấy một trình độ chuyên môn ở mức cao, "thì vâng, lúc đó các chứng chỉ sẽ giúp củng cố thêm các cơ hội, được trả lương cao hơn, v.v...," Wenzler nói thêm.

Các chứng chỉ lập trình không chỉ mang lại giá trị cho nhà tuyển dụng, mà nó cũng mang lại giá trị cho khách hàng của họ. "Chúng tôi biết từ kinh nghiệm rằng khách hàng của mình đánh giá cao các chứng chỉ," Steinert của công ty WSM cho biết.

Ngoài ra, các chứng chỉ chuyên môn có thể cung cấp cho các nhà tuyển dụng sự tin tưởng rằng bạn có thể nhanh chóng nắm bắt được những công nghệ mà tổ chức của họ hiện đang áp dụng.

Chứng chỉ nào hiện đang "hot"?

Những chứng chỉ nào là có trọng lượng nhất hiện nay? Điều đó còn phụ thuộc vào mục tiêu của các nhà tuyển dụng và các dự án mà họ muốn tập trung làm trong những năm sắp tới.

"Với hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn các ngôn ngữ lập trình khác nhau hiện đang được sử dụng ngoài kia, và [có một thực tế là] mọi tổ chức lớn đều đang cung cấp một chứng chỉ cho ngôn ngữ riêng của họ, vì vậy thật là khó khăn để chọn một vài ngôn ngữ được các nhà tuyển dụng yêu cầu nhiều nhất hiện nay," Wenzler của công ty Thycotic nói thêm. "Nó sẽ phụ thuộc vào những ngôn ngữ mà công ty đang sử dụng và điều gì là quan trọng đối với họ."

Nhưng rõ ràng là có một số chứng chỉ đặc biệt nổi tiếng, và có những lĩnh vực thực sự "hot" đối với các doanh nghiệp CNTT -- đó là những thứ liên quan đến đám mây, di động, bảo mật, devops, dữ liệu lớn/Hadoop -- là có nhiều nhu cầu chứng chỉ nhất.

Nhiều chuyên gia đã nói rằng, một trong những chứng chỉ "hot" nhất hiện nay đó là Microsoft Certified Solutions Developer (MCSD).

"Một chuyên gia có chứng chỉ MCSD đã cho thấy khả năng thiết kế và tạo ra các ứng dụng trên một loạt các sản phẩm trong môi trường Windows," Reed của công ty Robert Half nói. "Đây chắc chắn là chứng chỉ được săn đón nhất, và những ai có nó có thể kiếm được mức thu nhập cao hơn những người không có."

Các chứng chỉ architect Amazon Web Services và kỹ sư devops cũng là những nơi tuyệt vời để bắt đầu, Steinert nói. "Sau đó nó phụ thuộc vào sở thích của nhà tuyển dụng, nhưng tôi biết rằng các chứng chỉ Puppet, SaltStack, Ansible cũng có nhu cầu cao trong mảng devops," ông nói.

Các chứng chỉ devops đặc biệt "hot", với nhiều người làm quản trị hệ thống và các lập trình viên đang theo đuổi các chứng chỉ devops liên quan đến lĩnh vực của họ, Steinert nói.

"Về mảng lập trình, chúng tôi tin rằng các chứng chỉ MCSD và Google Apps là quan trọng để theo đuổi, nhưng dĩ nhiên là công nghệ luôn luôn thay đổi, chắc chắn sẽ có các chứng chỉ mới hơn mà chúng có giá trị và gần như là chuyên biệt," Steinert cho biết thêm.

Các chứng chỉ có phạm vi rất rộng và liên quan đến nhiều ngôn ngữ hoặc kết hợp nhiều khái niệm lập trình và công nghệ để mang lại cho các lập trình viên một cái nhìn toàn cảnh về cách viết code ra sao sẽ phù hợp với công việc kinh doanh một cách tốt nhất, Wenzler nói. Ngoài MCSD, cũng có nhiều chứng chỉ quan trọng như Certified Secure Software Lifecycle Professional (CSSLP) của (ISC)2

Các chứng chỉ tập trung về dữ liệu -- có thể chứng minh rằng bạn biết cách làm thế nào để xây dựng các ứng dụng chuyển những dữ liệu thành giá trị kinh doanh -- sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi thế, Reed nói.

Nhưng một số chứng chỉ đang dần trở nên kém nổi tiếng hơn.

"Các chứng chỉ cho các ngôn ngữ lập trình web đã lỗi thời thì thường không được quan tâm chút nào nữa, chỉ đơn giản người ta là không cần chúng chút nào nữa," Wenzler nói.

Về mặt các hệ thống/ứng dụng, một số chứng chỉ trên các nền tảng cũ hơn như AIX, Lotus, Novell, và một số khác trong lĩnh vực này "thì gần như là không còn hữu ích như 5 năm về trước," Steiner nói.

Điểm mấu chốt

Không phải ai cũng đồng ý rằng các chứng chỉ là cần thiết để kiếm được công việc mơ ước -- hoặc chúng cho thấy khả năng làm việc trong tương lai.

"Tôi là một lập trình viên hoàn toàn tự học," Lenda Murray nói. "Tôi đã bỏ học sau khi học năm thứ nhất ở đại học, bởi vì người ta đã dạy quá chậm, và khi tôi không thể tìm thấy một co-founder làm về kỹ thuật để cùng khởi nghiệp thì tôi đã quyết định tự học lập trình."

Chứng chỉ "đơn giản chỉ có nghĩa là bạn đã vượt qua bài kiểm tra của một ai đó về nội dung trong lĩnh vực nào đó; nó không cho biết bạn sẽ trở thành một nhân viên có năng lực làm việc hay không," Sebastien Taveau, giám đốc kỹ thuật tại công ty dịch vụ tài chính MasterCard cho biết. "Chứng chỉ là một đại diện để trả lời cho câu hỏi 'liệu bạn có quan tâm và hiểu biết trong lĩnh vực này hay không?'. Và sở hữu nó còn hơn là không có chứng chỉ nào cả."

Đối với tương lai của các chứng chỉ trong lĩnh vực này, thì các chuyên gia không thấy sự cần thiết phải loại bỏ chúng.

"Các chứng chỉ đã gia tăng tầm quan trọng trong những năm gần đây," Sri Ramanathan, CTO của nhà cung cấp công nghệ di động cho doanh nghiệp Kony nói. "Một xu hướng cho điều này là sự cần thiết tuyển dụng nhân lực có nhiều kỹ năng và phân tán trên nhiều quốc gia khác nhau. Nếu một công ty đang tuyển dụng lập trình viên ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ, việc có một mục tiêu để xác định năng lực và các cấp độ kỹ năng là rất hữu ích, và các chứng chỉ là một phương tiện để thực hiện điều đó."

Các lập trình viên nhiều kinh nghiệm và có thâm niên "đang tích cực kiếm thêm các chứng chỉ như là một cách để củng cố thêm hồ sơ của họ và bổ sung vào danh sách những điểm mạnh để cung cấp cho các tổ chức một lý do để tuyển dụng họ," Wenzler nói. "Một ứng viên có 10 năm kinh nghiệm cộng với một trình độ đại học và một ít chứng chỉ thì hấp dẫn hơn nhiều so với những người chỉ có những bằng cấp đơn thuần."