Gần đây, Techmaster thường xuyên đưa các nhóm sinh viên đi tham quan thực tế doanh nghiệp: Paditech, CodeTot, NetKo Solutions, BraveBits, MOR và sắp tới là HyperLogyVietis… Một số bạn sinh viên vẫn ngại ngùng khi đi tham quan vì tiếc thời gian. Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm để có buổi kiến tập giúp bạn xin được việc làm tốt.

Lợi ích khi đi kiến tập tham quan doanh nghiệp

1. Học cách làm việc nhóm

Khi bạn học ở Techmaster, bạn thường phải làm đồ án từ A-Z, chứ ít khi làm việc theo nhóm. Điều này xuất phát từ triết lý đào tạo của Techmaster, một lập trình viên cần trải qua tất cả các khâu để xây dựng một phần mềm và tránh việc ỷ lại lẫn nhau khi làm đồ án. Nhiều sinh viên làm đồ án tốt nghiệp rất đẹp và kỹ. Nhưng khi vào dự án thật ở công ty, anh ta lại lung tung khi phối hợp nhịp nhàng với đồng đội khác: co-developers, testers… Vấn đề là dự án phần mềm ở doanh nghiệp là dự án tập thể, có khách hàng yêu cầu đặt hàng chứ không phải do một cá nhân tự nghĩ rồi tự thực hiện. Đi kiến tập để sinh viên thấy được đội ngũ cùng làm phần mềm dùng phần mềm gì quản lý, áp dụng quy trình gì.

Nếu một lập trình viên trẻ vừa có khả năng làm việc độc lập (được đào tạo ở Techmaster) và kỹ năng làm việc nhóm (học được khi đi kiến tập tại doanh nghiệp) thì doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển dụng.

2. Biết thêm nhiều công nghệ mới

Ở Techmaster, sinh viên được dạy commit code, rồi push lên github repository. Nhưng ở doanh nghiệp, có nơi sẽ dùng Gitlab có nơi dùng Atlassian Jira. Mỗi lần commit code phải gắn vào một issue mô tả cụ thể và có một quy trình kiểm thử.

CodeTot có cả một bộ quy tắc để đảm bảo web site lên phải tải nhanh, đạt điểm cao trên Google Speed Test, và tuân thủ HTML5 semantic và tối ưu SEO (Search Engine Optimization)
https://github.com/codetot-web

Sinh viên thường sử dụng lap top cài Windows. Nhưng ở MOR hầu hết lập trình viên dùng Ubuntu và MacOS. Các khẩu hiệu nhắc nhở an toàn bảo mật thông tin treo khắp nơi. Bạn được huấn luyện nhưng không tuân thủ an toàn bảo mật là out !
An toàn thông tin

Hay như Paditech, bạn vừa code React nhưng lại phải biết về BlockChain, hay mô hình Play To Earn, vì Paditech làm rất nhiều dự án liên quan đến Block Chain.

Còn Vietis lại rất thích lập trình viên biết cả PHP Laravel và React.js. Dự án là combo luôn 2 kỹ năng này. Nhiều bạn cứng nhắc em chỉ code React thôi, vậy khi dự án React vãn, dự án PHP lại thiếu người, bạn ngồi chơi, công ty lại đôn đáo tuyển thêm người thì thật rắc rối.

NetKo là một công ty phần mềm mới thành lập, làm cho Nhật nhưng dự án dùng tiếng Anh, lập trình viên ghép vào một team có sẵn ở khách hàng nên không cần bạn quá xuất sắc, chỉ cần bạn chăm chỉ, giao tiếp được tiếng Anh, báo cáo đều đặn là ok.

BraveBits lại cần lập trình viên web code thật kỹ, tỷ mỷ, tối ưu vì họ không gia công, mà làm sản phẩm trên nền tảng Shopify thị trường Mỹ. Tiếng Anh, thẩm mỹ, hiểu được trải nghiệm người dùng (User Experience) Mỹ và Tây Âu.

Nhiều kiến thức có thể được dạy ở Techmaster nhưng không được cọ sát bạn không để ý xem nhẹ. Và có cực kỳ nhiều điều hay ho bạn cần phải nhanh chóng thích nghi, học hỏi

3. Học công nghệ mới nhưng khi làm lại framework cũ

Trong khoá học Full Stack Java Spring Boot, sinh viên Techmaster làm dự án trên Spring Boot - React rất hiện đại. Nhưng khi vào dự án Samsung cho ngân hàng ở Hàn Quốc, họ lại dùng Struts, MyBatis và không JPA mà phải viết câu lệnh truy vấn SQL trực tiếp hoặc bằng XML. Nhiều bạn đã sốc mặc dù từng nghĩ rằng đây là công việc trong mơ khi mới được tuyển dụng.
Giá như khi đi kiến tập bạn biết được những điều này bạn sẽ thấy thoải mái hơn đúng không?

Cô Tào Thuý Quỳnh giảng viên môn lập trình IOS khi vào công ty NewWave dự án đầu tiên không phải là IOS quen thuộc mà là React Native, rồi Flutter, thỉnh thoảng mới làm dự án IOS.

4. Lập trình ứng dụng monolith vào dự án microservice khủng

Ở Techmaster sinh viên thường cố gắng làm một đồ án thật đẹp, đầy đủ chức năng để trình diễn demo cho nhà tuyển dụng thấy hết được năng lực code của mình. Điều này không có gì sai cả. Nếu sinh viên chỉ lập trình một dịch vụ REST API gồm 20 hàm chức năng mà không giải thích dễ hiểu được khi phỏng vấn, khả năng cao họ cũng trượt. Để làm một web site đầy đủ front end và back end trong khoảng thời gian 1-2 tháng, cách tốt nhất là sử dụng kiến trúc một khối duy nhất (monolith): ngon - bổ - rẻ - nhanh - tiện.

Nhưng kiến trúc phần mềm ở doanh nghiệp phục vụ cho trăm nghìn người, hàng nghìn truy cập đồng thời hoặc nghiệp vụ chưa code xong đã thay đổi thì phải dùng microservice điển hình như ở OneMount. Lúc này lập trình cần phải học thêm rất nhiều design pattern, kỹ thuật mới mà Techmaster không kịp dạy. Mỗi ngày họp team 1-2 tiếng không còn thời gian để tập trung học cái mới và code những kỹ thuật mình đã quen tay. Thật sự là áp lực nếu bạn không lường trước được vấn đề này.

5. Hiểu rõ nhà tuyển dụng

Ở trên tôi nói khá nhiều về áp lực thích nghi công nghệ mới khi đi làm. Nhưng ở phần này tôi nhấn mạnh về yếu tố quan hệ, con người, thái độ. Nếu trong một buổi phỏng vấn tại công ty X, bạn nói rằng bạn đã từng đi kiến tập tại X, biết được những yêu cầu X đặt ra và có sự chuẩn bị trước vài tháng, hiểu được giá trị cốt lõi và văn hoá doanh nghiệp ở X, rõ ràng bạn ghi điểm rất lớn.

  • BraveBits cần giải pháp rất mới để sản phẩm của họ tốt hơn nữa, thị hiếu khách hàng Âu Mỹ.
  • CodeTot web site phải nhanh, đẹp, SEO theo thị hiếu khách hàng Việt.
  • Vietis là phải chuyển đổi công nghệ nhanh: PHP, Java, React. Chi phí học công ty lo hết nhưng phải được việc.
  • NetKoMOR hoà nhập team tốt bất kể team khách hàng hay team Việt nam.
  • OneMount đã nghĩ thì phải nghĩ lớn, nhưng khi làm lại phải tỷ mỷ vì có rất rất nhiều phòng ban bán hàng trông đợi vào sự ổn định, chất lượng code của cả team bạn.

Nếu bạn đã tạo được ấn tượng tốt với nhân viên HR (human resource), thì cho dù bạn có thiếu một vài yêu cầu, họ vẫn tạo cho bạn thời gian để hoàn thiện bổ xung,

Làm gì khi đi tham quan, kiến tập

1. Ăn mặc chỉnh chu - thái độ cầu thị lắng nghe

Sinh viên nghèo đó là bài ca quen thuộc. Hồi sinh viên năm 4 (1996) khi tôi đi phỏng vấn ở một ngân hàng Mỹ sắp mở văn phòng ở VN. Hồi đó sinh viên nào chả đi dép nhựa Tiền Phong. Riêng bạn tôi đi một đôi giày tây, áo sơ mi chỉnh tề. Còn tôi ăn mặc như sinh viên vào phỏng vấn. Kết quả bạn tôi đỗ, còn tôi trượt.

Năm 2002, khi còn làm ở Fujitsu Việt nam, một lần đưa một câu nhân viên trẻ rất có năng lực về lập trình CSDL Microsoft SQL Server xuống nhà máy Honda ở Vĩnh Phúc. Về kinh nghiệm, nỗ lực tôi không thể phàn nàn về cậu này, hơn 4 năm kinh nghiệm lập trình Microsoft SQL Server từ khi còn đang là sinh viên năm cuối. Nhưng không hiểu sao trưởng phòng IT nhà máy Honda kiên quyết không cho phép cậu này tham gia team phần mềm chung giữa Honda và Fujitsu. Tôi hỏi mãi, anh trưởng phòng mới nói lúc gặp nhau lần đầu thấy cậu này để móng tay rất dài bẩn, không cắt. Khi nói chuyện thường kể những kinh nghiệm cậu ý đã làm ở dự án ngân hàng trước đó, mà mà không lắng nghe kỹ vấn đề Honda yêu cầu là gì. Thực ra yêu cầu của Honda cũng đơn giản thôi: xây dựng một phần mềm web báo cáo doanh số hàng ngày tại mỗi HEAD: bán được bao nhiêu xe, loại gì, màu gì, dự kiến đặt xe gì để Honda lắp ráp.
tham quan MOR

2. Gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Gây ấn tượng vói nhà tuyển dụng là một nghệ thuật, nó khó như khi bạn muốn gây ấn tượng với một cô gái xinh mà bạn thích. Cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa những điểm mạnh bạn đang có để rất phù hợp (match) với nhu cầu nhà tuyển dụng. Khi bạn hiểu nhà tuyển dụng cần gì, thì buổi tham quan sẽ rất hữu ích, tích cực cho cả bạn và nhà tuyển dụng.

  • Với BraveBits hay CodeTot, mà bạn cứ khoe chứng chỉ thạc sỹ CNTT hay chứng chỉ FE (https://fe.techmaster.vn) thì rõ là lạc điệu. Họ cần web designer - developer tốt. Ưu tiên HTML, CSS, JavaScript, React.
  • Với OneMount hãy chuẩn bị kiến thức thiết kế hệ thống (System Design), mở rộng khả năng phục vụ hệ thống lớn, quy trình kiểm thử… Dịch vụ bán, mua chung bất động sản…
  • Với Vietis, NetKo, MOR, Paditech hãy tìm hiểu trước về gia công cho khách hàng Nhật Bản, những ứng dụng quản lý viết bằng PHP, Java, React/Vuejs, AWS…

Vào web site của nhà tuyển dụng và cố gắng trả lời mấy câu hỏi sau đây:

  • Thành lập năm bao nhiêu?
  • Có khoảng bao nhiêu nhân viên?
  • Văn phòng, chi nhánh ở đâu?
  • Sản phẩm - dịch vụ chủ lực là gì?
  • Khẩu hiệu slogan của công ty là gì?
  • Các vị trị họ tuyển trong 3 tháng gần đây yêu cầu những công nghệ gì?
  • Văn hoá công ty họ đang nỗ lực xây dựng là gì?

Trong buổi kiến tập hãy cố gắng ngồi lên hàng đầu, đặt câu hỏi. Nếu bạn đã tìm hiểu rõ nhà tuyển dụng, thì khi bạn hỏi đáp với nhà tuyển dụng câu hỏi của bạn cũng sẽ trọng tâm hơn và bạn cũng tự tin hơn.
Lắng nghe từ PM dự án
Xin Zalo hay email của nhân viên tuyển dụng không khó như bạn xin số của một cô gái lạ. Nhân viên tuyển dụng cũng có áp lực phải tuyển người phù hợp, do đó họ rất thích mở rộng quan hệ để khi cần là liên lạc. Nếu kết bạn Zalo, thì hãy cố gắng chăm sóc tài khoản Zalo của bạn với hình ảnh đẹp, tích cực, có sức sống.

3. Làm gì sau buổi kiến tập?

Đi kiến tập rất nhiều công ty, nhưng khi về khi ghi chú hoặc tổng hợp lại thì rất phí phạm thời gian. Có thể tạo một file Google Sheet để tóm lược mấy tiêu chí:

  • Yêu cầu kỹ năng cứng và mềm.
  • Người cần liên hệ khi bạn muốn nộp đơn xin việc.
  • Chế độ đào tạo, đãi ngộ với nhân viên mới (fresher): thực tập mấy tháng, thử việc mấy tháng…
  • Khoảng cách từ nhà bạn đến công ty đó (chi phí thời gian)
  • Kỹ năng nào bạn chưa có, mà nhà tuyển dụng cần. Mất khoảng bao lâu để học kỹ năng này đủ để phỏng vấn đầu vào?

Nhận điện những điểm yếu của bạn mà nhà tuyển dụng sẽ chê, và cách khắc phục. Nên tham vấn nhân viên HR trước.=

  • Tuổi trên 28 --> thêm một chứng chỉ AWS chả hạn
  • Không học chuyên ngành CNTT --> hoàn thành khoảng 100 bài LeetCode hoặc thi chứng chỉ FE
  • Thiết kế giao diện kém, học mãi vẫn không tốt lên --> đầu tư code Java Script, React

Kết

Bài viết đã dài tôi phải kết thúc ở đây. Chúc các bạn tự tin và gặt hái được nhiều kết quả khi đi kiến tập.