Trong thời gian 4 tháng qua, khi tôi bắt tay vào công cuộc đào tạo những giảng viên tương lai cho Techmaster, tôi nhận ra chính tôi và nhiều giảng viên mới vào nghề chưa hiểu rõ vai trò người thầy trong lớp học. Chúng tôi cứ nghĩ người thầy là truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Nếu chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy thì sinh viên tự học trên YouTube hay mua một khoá học Udemy sẽ tốt hơn. Vậy nguyên nhân gì khiến sinh viên vẫn muốn đến lớp học, và làm sao chúng ta đáp ứng mong mỏi của mỗi sinh viên khi đến lớp. Đó mới là sự khác biệt giữa thầy YouTube và thầy Techmaster.

Bài viết này sẽ làm rõ các vai trò khác nhau của người thầy, một danh từ khá chung chung khiến nhiều người hãy lầm tưởng

Lecturer - thuyết trình

Nếu bạn bước vào một giảng đường đại học, bạn sẽ luôn nhìn thấy Lecturer, người giảng bài, thuyết trình. Lecturer có kỹ năng thuyết trình tốt, truyền cảm hứng, chuẩn bị những slide PowerPoint thập hấp dẫn, dễ hiểu để truyền đạt vấn đề.

Ở một số lớp cấp tốc dạy kỹ năng lập trình cho doanh nghiệp, do thời gian rất gấp gáp, học viên muốn nghe tóm tắt những keyword, muốn thấy rõ những vấn đề và những phương pháp để giải quyết. Một buổi học sẽ giống như buổi seminar vậy. Lecturer cần nhiều kinh nghiệm, soạn slide thật kỹ, chia nhỏ nội dung dạng top down thật rành mạch để trình bày.

Nếu có một hôm, bể bơi bạn đang tập luyện mời được Michael Phelps hay Ánh Viên đến thỉnh giảng. Chắc chắn họ sẽ là lecturer. Họ đứng ở một vị trí trang trọng, có thể là một chiếc bục cao kể về những phương pháp tập luyện và kinh nghiệm thi đấu của họ. Bạn nghe xong có thực hành được hay không đó là việc của bạn.

Một lecturer khi trình bày là cho một đám đông. Càng đông càng tốt, càng phấn khích càng tốt. Họ phải là ngôi sao, trung tâm thu hút sự chú ý. Nếu không có đủ sức hấp dẫn, thuyết phục thì bạn đứng cố đóng vai một lecturer. Hãy kiên trì luyện tập kỹ năng thuyết trình và đóng vai trò một trainer trước đã.

Lecturer dạy một số môn ở đại học thì ổn, nhưng sẽ không phù hợp với mô hình đào tạo nghề. Bởi học nghề là phải cầm tay chỉ việc, thực hành càng nhiều càng tốt.
Lecturer

Trainer - giảng viên/huấn luyện viên

Trong tiếng Anh, train có nghĩa là luyện tập. Trainer là người huấn luyện để trainee (người tập luyện) tập theo đạt được mục tiêu đề ra. Bạn có con nhỏ chưa biết bơi, bạn đưa con đến bể bơi. Ở bể bơi các trainer sẽ thị phạm từng động tác nhỏ một, con bạn làm theo, họ góp ý chỉnh sửa, rồi ghép lại cho đến khi bơi được.
Một huấn luyện viên dạy bơi không nhất thiết phải là một vận động viên bơi có thành tích xuất sắc, chỉ cần họ có kỹ năng sư phạm. Với họ dạy bơi là một nghề nghiệp nghiêm túc, được trả lương và vì thế họ phải dạy nghiêm túc và dạy được càng nhiều học viên càng tốt.

Swimming trainer

Tố chất quan trọng nhất của một trainer không phải là thuyết trình, cuốn hút mà là sự tỷ mỷ, tận tâm, kỹ năng sư phạm. Họ cần phải nhận ra những điểm chưa đạt của học viên từ đó đề ra phương pháp chỉnh sửa hợp lý.

Khi mới học một kỹ năng: bơi, đàn, lập trình, lái xe, bạn cần tìm một trainer tỷ mỷ, tận tâm không cần hào nhoáng. Nhưng sau một thời gian luyện tập học hỏi bạn nhận ra rằng, giới hạn của bạn chính là trainer. Họ có một tập phương pháp huấn luyện cố định, hướng dẫn bạn làm theo. Giờ bạn đã làm theo được, bạn muốn hơn thế nữa, bạn cần tìm một phương pháp học mới hơn, tự khai phá.

Vấn đề lớn nhất của một trainer là nhiều khi họ nói, trình bày, giải thích rất nhiều, trong khi cần soạn những bài thực hành càng chi tiết càng tốt, hướng dẫn sinh viên thực hành tỷ mỷ, góp ý uốn nắn chi tiết thì tốt hơn. Tại sao trainer không nên giải thích quá nhiều? Bời giải thích càng nhiều, sinh viên càng lười tìm hiểu. Thay vì giải thích hay tạo ra môi trường để sinh viên tự thực hành sau đó yêu cầu họ tự rút ra kết luận.

Tutor - trợ giảng

Bạn đến trường nghe lecturer giảng rất hay cuốn hút. Nhưng về nhà không thể nào giải được bài tập. Bạn tìm đến tutor, là một sinh viên khoá trước, anh ta sẽ giải thích vấn đề đơn giản, dễ hiểu trong góc nhìn của người mới học, giúp bạn giải mẫu một số bài, sau đó để bạn tự làm tiếp.

Tutor chả cần kỹ năng thuyết trình, chả cần phương pháp sư phạm cao siêu, trình độ hơn sinh viên một chút cũng được, cũng không cần phải biên soạn giáo trình cầu kỳ. Miễn sao đồng hành cùng sinh viên giúp họ yên tâm giải quyết từng bài tập nhỏ một, đưa ra vài gợi ý tip tricks để học hiệu quả hơn.

Khi học lập trình, nếu phát hiện thấy trong lớp có những bạn học nhanh, nộp bài tập kết quả tốt, hãy kết thân với họ, tôn họ làm “sư phụ”. Nhờ họ giải thích cho, nhiều khi còn dễ hiểu học từ thầy giáo. Thế nên mới có câu “Học thầy không tày học bạn là như vậy”.

Tutor thường là những người trẻ, có nhiều kinh nghiệm hơn người học. Tutor giải quyết vấn đề từng trường hợp cụ thể rất nhanh gọn, nhưng ít khi đúc kết thành các kiến thức tổng quát. Để tutor trở thành giảng viên họ cần đọc nhiều sách hơn, hệ thống hoá lại kiến thức để truyền đạt có phương pháp hơn.
Các tutor

Mentor - cố vấn

Mentor có kinh nghiệm, nhưng không có quá nhiều thời gian để huấn luyện bạn. Họ có thể đưa ra lời khuyên, giải đáp một số thắc mắc, nhưng nếu một mentor phải làm giáo trình, chấm bài tập thì khi đó mentor trở thành trainer mất rồi.

Mentor sẽ quan trọng vào giai đoạn học viên bắt đầu thành thục các kỹ năng căn bản, họ cần có thêm các gợi ý để tự học hỏi, tìm hiểu thêm. Học viên cũng đừng đỏi hỏi quá nhiều từ mentor của mình, chỉ nên đặt câu hỏi cho mentor sau khi bạn tìm kiếm trên Google không được. Ví dụ:

Không nên hỏi:

  • AWS là gì?
  • Mentor ơi fix cho em lỗi này.

Nên hỏi

  • 5 Dịch vụ AWS nào phổ biến nhất và em cần phải học từ đầu?
  • Giới thiệu cho em một quyển sách để em có thể học cách lập trình Clean Code.
  • Kiến trúc ứng dụng của em hiện là như thế này, muốn mở rộng nhiều hơn nữa thì nên làm thế nào? học ở đâu?

Cốt lõi của Lecturer là truyền cảm hứng, diễn giải cực kỳ dễ hiểu. Cốt lõi của Trainer là huấn luyện có phương pháp. Còn cốt lõi của Mentor là đưa ra lời khuyên bổ ích đúng thời điểm. Mentor không cần nói hay, cũng không cần phải tỷ mỷ, đúng phương pháp sư phạm, mentor cần có nhiều kinh nghiệm thực chiến để đưa ra lời khuyên.
Mentor

Coach - huấn luyện viên

Coach khác gì với Trainer? Trainer thường là huấn luyện viên cho một kỹ năng cụ thể tập cho đến khi thành thục. Còn coach thường nói về huấn luyện viên cho cả một tập thể. Ví dụ một đội bóng cần có 1 coach và nhiều trainer huấn luyện thể lực, kỹ năng sút bóng, kỹ năng thu hồi bóng, bắt gôn…

Khi Michael Phelps còn trẻ, đầu tiên anh ta luyện tập bơi với trainer để rèn động tác kỹ thuật. Nhưng khi Phelps đã đạt huy chương vàng, sẽ không còn trainer nào có trình độ, kỹ năng hơn Phelps cả. Lúc này Phelps cần coach, không đơn giản chỉ rèn luyện những kỹ năng, mà coach giúp học viên của mình khám phá những yếu mới để đột phá thành tích hoặc vượt qua áp lực thi đấu. Bob Bowman, người đã phát hiện ra tài năng của Phelps và giúp Phelps vượt qua thành tích của chính mình để dành nhiều huy chương vàng Olympic.
Phelps and Bowman
Trong lập trình, coach sẽ xuất hiện lúc team bạn cần áp dụng phương pháp làm việc mới: Agile Scrum, ứng dụng unit test, ứng dụng DevOps…
Hay coach sẽ dẫn một team các lập trình viên đi thi thuật toán, sắp xếp ai làm loại bài nào để có điểm tổng cao nhất. Coach sẽ cố vấn chiến thuật nhiều hơn là kỹ thuật.

Để trở thành giảng viên CNTT thì nên bắt đầu như thế nào?

Ngay khi mới học lập trình được vài tháng, bạn đã có thể trở thành tutor được rồi. Biết đến đâu dạy đến đó, hướng dẫn cho bạn cũng là cách ôn lại kiến thức của chính mình.

Tutor --> Trainer --> Lecturer
Good Developer --> Mentor
Trainer --> Mentor
Mentor --> Coach

Từ tutor, bạn rèn luyện thêm phương pháp sư phạm, khả năng chia nhỏ, sắp xếp vấn đề tiếp thu nhanh hơn, góp ý, động viên sinh viên đúng chỗ, bạn sẽ trở thành trainer.

Techmaster đang cần tuyển, cộng tác với IT trainer, lecturer, tutor và cả mentor. Nếu bạn có hứng thú đi dạy lập trình, chia sẻ kiến thức, tìm thêm đồng đội và có thu nhập thêm hãy liên hệ cuong@techmaster.vn hoặc gọi trực tiếp 0902209011