Tôi học tiếng Anh 3 năm cấp 2 nhưng không vào đầu được mấy vì lúc đó tôi mải học Toán, Lý. Nhưng vào mùa hè năm 1992, khi biết đã thi đỗ đại học, tôi dành hẳn 3 tháng hè tập trung học tiếng Anh cường độ cao. Sau 3 tháng, tôi nghe hiểu bản tin tiếng Anh và đọc được khá nhiều báo tiếng Anh khi đó là Vietnam News và Vietnam Investment Review. Sau này tôi tự ôn thi IETLS được 7 và thi TOEFL CBT năm 2004 với điểm rất cao. Bài viết này tôi chia sẻ phương pháp học tiếng Anh cường độ cao, chi phí gần như 0 đồng cho các bạn lập trình viên.

Tiếng Anh ý nghĩa như thế nào với lập trình viên

Nếu có ai đó hỏi tôi rằng trong nghề lập trình thì nếu chỉ được giỏi một trong hai thứ cấu trúc dữ liệu giải thuật và nghe đọc viết nói tiếng Anh thành thạo thì chắc chắn tôi sẽ chọn nghe đọc viết nói tiếng Anh thành thạo. Thực tế là 90% các công việc của một lập trình viên ở Việt nam là application developer. Application Developer ở Việt nam nhìn chung là:

  • Không cần viết ra những framework mới.
  • Không phải giải những bài thi lập trình thuật toán trong khoảng thời gian ngắn để thi thố kiểu như Olympic Tin học.
  • Không phải nghiên cứu để viết paper như những thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành khoa học máy tính.

Application Developer cần:

  • Học nhanh các công nghệ mới, framework mới để tạo ra sản phẩm. Đặc thù của gia công nay công nghệ này, mai là chuyển sang dự án khác, công nghệ khác.
  • Một framework lại liên quan đến rất nhiều công nghệ, các design pattern, các kiến trúc… vậy cần phải đọc hiểu tốt để ứng dụng.
  • Đọc được tài liệu bằng tiếng Anh, tìm kiếm lỗi, đọc những bài chia sẻ kinh nghiệm của lập trình viên quốc tế không cần dùng đến Google Translate.
  • Tốt hơn nữa là viết email, tài liệu bằng tiếng Anh nếu làm dự án quốc tế.

Giỏi tiếng Anh giúp cho lập trình viên làm việc hiệu suất cao hơn, tự tin hơn. Khi phỏng vấn, mức lương cũng sẽ tốt hơn người kém tiếng Anh. Cơ hội làm dự án quốc tế hoặc đi on site mở ra rất nhiều.

Lập trình viên Việt Nam kém tiếng Anh

Trong 20 năm trở lại đây, trình độ tiếng Anh của lập trình viên Trung Quốc tăng lên rất tốt. Họ không chỉ giới hạn mình là application developer mà còn tham gia tạo ra các framework tầm cỡ quốc tế như Cocos2DX ban đầu của lập trình Argentina và Chile, sau đó chuyển giao cho team Trung Quốc, BeeGo framework web Golang, Vue.js do một lập trình viên gốc TQ sống ở Mỹ nhiều năm viết….

Ngược lại thì tiếng Anh của số đông lập trình viên Việt nam chỉ ở mức đủ dùng. Đọc được nhưng không viết được đúng chính tả. Nghe bập bõm mà nói trôi chảy thì không. Vấn đề ở đâu thì cần có một cuộc khảo sát rộng và kỹ lưỡng. Nhưng cá nhân tôi nhìn nhận có mấy nguyên nhân:

  • Bản thân mỗi lập trình viên không ý thức rõ tầm quan trọng của thành thạo tiếng Anh trong nghề nghiệp của mình.
  • Sớm tự hài lòng khi đã đọc được tiếng Anh CNTT, mà không đầu tư rèn luyện các kỹ năng nghe, nói và viết tiếng Anh.
  • Không có phương pháp học đúng và thiếu kiên trì cũng như mục tiêu rõ ràng.

Làm chủ tiếng Anh bằng phương pháp của riêng mình

Giờ tôi đi vào vấn đề chính là làm sao tự xây dựng thói quen học tiếng Anh và làm chủ tiếng Anh bằng phương pháp phù hợp với mỗi cá nhân. Tôi cần phải thống nhất với các bạn mấy ý: học lập trình và học ngoại ngữ là học cả đời, học mỗi ngày, liên tục và đều đặn. Dừng học, kiến thức - kỹ năng sẽ rơi rụng. Tôi chia sẻ lại trong 3 tháng hè năm 1992, tôi đã học tiếng Anh như thế nào:

  1. Ôn tập lại ngữ pháp căn bản qua quyển sách “Grammar in Use” của Raymond Murphy. Quyển sách này chia thành nhiều chương, có nhiều ví dụ trực quan rồi bài tập. Chỉ cần học kỹ đến 50% quyển sách là đủ kiến thức ngữ pháp dùng trong 80% các trường hợp thông thường.
  2. Học nghe tiếng Anh qua VOA Special English trước đây qua radio. Hiện VOA có web site https://learningenglish.voanews.com/ rất thuận tiện cho việc học. Nay còn có kênh https://www.bbc.co.uk/learningenglish cũng rất hay, có cả quiz để ôn tập. Các cấp độ tăng dần:
    1. Nghe kết hợp xem phụ đề.
    2. Nghe và ghi lại những từ quan trọng vào giấy. Mỗi ngày ghi ra 30 từ mới, cố ngắn nhớ tốt 10 từ. Sau 20 ngày liên tục, chúng ta nhớ được 200 từ.
    3. Nghe và nhớ những ý chính trong đầu để hiểu.
    4. Nghe và ghi chính xác từng từ ra giấy
    5. Đọc lại toàn bộ văn bản và thu âm lại. Sau đó nghe lại, so sánh với giọng đọc gốc của phát thanh viên. Cách này sẽ giúp chúng ta luyện phát âm giống người Anh/Mỹ bản xứ.
  3. Dịch những bài viết. Trước đây tôi chọn con đường rất vất vả đó là dịch những bài trên tạp chí Times và Economics. Cách hành văn và tự vựng rất phong phú, đôi khi khó khăn cho người mới học. Nay các bạn có thể tập trung dịch những bài viết công nghệ thông tin, vừa gần gũi, vừa dễ hiểu hơn.

Trong thời gian 3 tháng hè, tôi dành cả 7 ngày mỗi tuần, mỗi ngày khoảng 12 tiếng tập trung cao độ. Sau 3 tháng, tôi đã có 3 tháng x 30 ngày x 12 giờ = 1080 giờ học tiếng Anh. Lượng đã thực sự chuyển hoá thành chất. Tôi nghe được hầu hết các bản tin Special English đọc chậm, nghe hiểu được rất nhiều bài hát của ban nhạc Abba, Modern Talking, Lobo. Để tăng cường khả năng nghe nói, tôi tham gia câu lạc bộ tiếng Anh có những hoạt động thảo luận tiếng Anh theo nhóm và hùng biện. Bạn có để ý thấy những người câm thường cũng bị điếc, hoặc điếc thì cũng dễ bị câm. Khi học ngoại ngữ mà không chịu nói, phát âm thì chúng ta giống người câm, lâu dài chúng ta sẽ không nghe hiểu được --> điếc !.

Những tháng sau đó, thời gian học tiếng Anh không còn 12 giờ mỗi ngày mà giảm xuống còn 2 tiếng mỗi ngày. Việc nghe bản tin tiếng Anh không còn đánh đố vất vả mà trở thành niềm vui, vì giờ đây tôi có thể nắm được thông tin quốc tế đa chiều, cập nhật tức thì. 3 tháng học tiếng Anh cường độ 12 tiếng / ngày, và 9 tháng học 2 tiếng / ngày với tôi còn hiệu quả hơn rất nhiều 3 năm học tiếng Anh không có mục đích rõ ràng và không có đam mê.

Học ngoại ngữ giống với học lập trình

Học ngoại ngữ hay lập trình có nhiều điểm rất giống nhau:

  • Xây dựng thói quen, phản xạ có điều kiện: Mỗi ngày học 2-3 tiếng đến giờ là có nhu cầu muốn học.
  • Cần tạo ra niềm vui và những kết quả nhỏ là động lực để đi tiếp những chặng đường tiếp theo. Ví dụ học và hát những bài hát tiếng Anh, xem được những bộ phim không cần phụ đề trên Netflix, đọc được những blog CNTT tiếng Anh không cần dùng Google Translate.
  • Không thể học một mình, mà cần phải giao tiếp, trao đổi với nhiều người.

Niềm vui khi học ngoại ngữ tiến bộ hay như lập trình giỏi như là liều thuốc kích thích (doparmine) mỗi ngày. Thay vì bối rối vì nhìn một văn bản tiếng Anh dài loằng ngoằng, nay đọc hiểu được mang lại cảm giác rất tự tin. Xem một video YouTube dạy công nghệ tiếng Anh, mà không có bản tương đương ở tiếng Việt cảm giác giúp ta tiếp cận công nghệ mới nhanh hơn nhiều.

Tự tin sử dụng tiếng Anh và giao tiếp với người nước ngoài

Chúng ta không phải người Anh, Mỹ bản xứ. Do đó đừng cầu toàn khi email, nói chuyện với người nước ngoài, chính tả phải đúng 100%, phát âm phải chuẩn. Kinh nghiệm của tôi là viết những câu càng đơn giản càng tốt. Nói chậm rãi thong thả, không cần liến thoắng, nhưng nhấn mạnh những từ quan trọng (mà người ta gọi là trọng âm). Có nhiều từ tôi phát âm chưa chính xác, nhưng do nói chậm và có nhấn mạnh, nên người nước ngoài vẫn hiểu tốt.

Sử dụng phần mềm hỗ trợ học tiếng Anh

Thời tôi học tiếng Anh, tôi chỉ dùng sách giấy, từ điển giấy, nghe radio. Lúc đó không có điện thoại thông minh, Internet, tự điện chạm là có giải thích, không có những phần mềm đa phương tiện, tương tác tốt như hiện nay. Tôi có thấy các đồng nghiệp trẻ của mình dùng một số phần mềm như Duolingo hay mua các gói học tiếng Anh trực tuyến trên mạng. Những phần mềm này thiết kế tốt, nội dung hay nhưng sự chăm chỉ và đam mê học của người học mới là nhân tố chính quyết định thành công.

Làm chủ tiếng Anh sau 12 tháng

Tóm lại

Một lập trình viên không thể biện minh vì quá bận lập trình nên tôi không có thời gian học tiếng Anh. Quan điểm của tôi, một lập trình viên kém tiếng Anh không thể là lập trình viên giỏi và không thể tiến xa trong nghề nghiệp.