Bài viết bản quyền thuộc Phạm Quang Minh - Minh Monmen. Techmaster đăng bài có sự cho phép của tác giả.
Link bài viết gốc https://kipalog.com/posts/Hoc-IT-thi-lam-gi-hot
Thầy Phạm Quang Minh hiện tại là giảng viên Techmaster trong các Khoá học Kubernetes cho cá nhân và doanh nghiệp.
First things first
Mình là 1 thằng học kinh tế chuyển ngành, và chắc chắn là cũng chẳng phải một người đã từng ngụp lặn nhiều trong cái nghề IT này. Nên là nếu ở đây ngồi trả lời cho cái câu hỏi được rất nhiều người, từ những thanh niên phổ thông còn mài mông với Toán Lý Hóa, những sinh viên CNTT biết C# mà không biết lập trình, hay những bạn trẻ đi làm mà còn mông lung như 1 trò đùa ấy, thì có hơi hoang đường. Tuy nhiên là vì cũng có duyên với nghề, lại thấy sao bây giờ nhiều bạn thiếu định hướng quá nên mới rón rén viết 1 bài lên kipalog mong được anh em bạn bè chia sẻ kiếm chút hào quang.
Who am I? Mình xin tự tin trả lời mình là 1 DevOps mới vào nghề, 1 Frontend developer bất đắc dĩ, 1 Backend developer duyên nợ và là 1 thanh niên sẽ khuyên bạn đừng tin mấy lời chém gió trên mạng về việc ai cũng có thể học IT. Nghề chọn người mà, điều bạn muốn (nếu bạn thật sự biết là bạn muốn) chưa chắc đã là thứ phù hợp với bạn. Đó là điều mình có thể khẳng định đầu tiên.
Thứ hai, mình sẽ phân tích điểm đáng đồng tiền mà bạn nên học tập. Tất nhiên là ngoại trừ những điều sai ra thì cái gì phía trên cũng đúng cả.
Thế giờ tôi phải đi đâu?
Mình cũng xin lỗi với các bạn trước, vì cái ngành IT này nó rộng quá, muôn hình vạn trạng luôn. Từ làm kỹ sư cho NASA hay là ngồi nhà viết tool FB, từ làm con chim mỏ dày hay là công cụ gọt cằm không cần dao kéo, tất cả đều thuộc về cái ngành rộng như hang động này. Thế nên là ở đây mình không có đủ mana để kể hết những hướng đi cho các bạn. Ở đây mình chỉ dựa trên một số cái mình đã được trải nghiệm mà thôi. Xin kể ra 1 số hướng đi của ngành lập trình phần mềm cơ bản cho các bạn nè:
- Backend: Lo phần logic phía server, tính toán, lưu trữ dữ liệu,...
- Frontend: Lo phần dựng giao diện người dùng, tương tác với người dùng,...
- DevOps/Sys Admin: Lo phần cài cắm server, quản lý mạng, máy chủ, db,...
- Mobile: Nôm na là viết ra những cái chạy trong chiếc tai thỏ 30 củ của bạn.
4 nghề này là cơ bản và dễ dàng thấy nhất trên các trang tuyển dụng IT, ngoài ra cũng dễ dàng để hình dung là nó làm cái gì. Ngoài ra chỗ này có mấy cái cao siêu như là Data scientist, Blockchain rồi AI rồi cái khỉ mốc gì kinh khủng chỗ này thì thôi nhé, nói cơ bản cho mấy người thiếu định hướng thôi.
Thế nghề nào dễ kiếm ngàn đô?
Câu trả lời là nghề nào cũng được. Mình xin kể cho các bạn nghe những cách kiếm tiền siêu đơn giản từ 4 nghề trên:
- Làm 1 hệ thống backend thương mại điện tử như shopee, có ngay ngàn đô thậm chí vài ngàn hàng tháng
- Làm vài cái theme wordpress ngon lành nhanh gọn nhẹ đẹp, bán túc tắc cũng được ngàn.
- Thầu quản lý hệ thống server livestream cho Vinfast, lên hương luôn.
- Viết phần mềm họa mi tránh ống nước, bụp phát mấy ngàn đô.
Đơn giản không? Tôi thì nghĩ là không. Thế nên lại quay lại điểm xuất phát: bạn có đủ khả năng không? Không có cái gọi là ngành hot hay là nghề hot. Nghề không tự nó hot, bạn mới hot, nếu bạn đủ giỏi. Thế nên là khi đặt câu hỏi này thì nên tìm hiểu về bản thân trước, xem mình hợp với hướng nào, mình có năng khiếu ở mảng nảo.
Ví dụ, mình tự biết mình không có khiếu thẩm mỹ, nhưng logic mình tốt, nên mình đi theo con đường backend. Vài bạn thì tính tỉ mỉ, con mắt tốt, thích làm mấy cái màu mè, thế là đi theo frontend. Mobile thì là các thanh niên có ham mê với điện thoại, thích làm app, hay là thích android ios =)). Devops là mấy ông thích vọc vạch, chạy command line, viết bash script, nói chung là make thing run.
Nghề nào cũng được, nhưng phải phù hợp với sức mạnh bên trong của bạn.
Thế thật sự thì cái gì mới hot?
Như mình nói ở trên, bạn mới hot, không phải nghề. Nhưng xin bật mí thêm những con đường bạn khiến bản thân có giá (và giá rất cao)
Backend
Với con đường backend thì có 2 kiểu nâng giá:
- 1 là bạn chọn 1 công nghệ backend và làm thật giỏi nó, hiểu mọi thứ xung quanh hệ sinh thái của nó, áp dụng design pattern, quy trình hiện đại,... Tới đây bạn là chuyên gia, bạn làm tốt và nhanh công việc được giao, bạn trở nên phù hợp với các kiểu công ty outsource nước ngoài. Họ đánh giá cao những chuyên gia như thế này. Tuy nhiên để đạt được điều này thì bạn cần thời gian làm kinh nghiệm, no shortcut.
- 2 là bạn hiểu được cách mọi thứ hoạt động, bạn biết kha khá công nghệ backend, biết cách kết hợp và chọn lưạ nó ra sao. Hay nói cách khác là bạn phát triển thành 1 người đưa ra giải pháp và chọn lựa công nghệ. Đây là thứ mà các công ty đang thiếu nhiều này. Họ cần người đưa ra solution chứ không cần 1 người chỉ biết hello world hay select * from users. Cách này nâng giá bạn rất nhanh, tuy nhiên đòi hỏi bạn phải research rất nhiều, học hỏi rất nhiều và có tư duy sắc bén. Nhưng sẽ tiết kiệm kha khá thời gian nếu bạn làm được. Để gợi ý cho con đường thứ 2 này thì bạn nên tìm hiểu mấy ngôn ngữ như js, go, python, database thì cũng nên biết mysql, mongodb, postgres, redis, rồi các hệ thống cache, queue,...
Frontend
Con đường frontend thì cũng lại 2 kiểu:
- Bạn mạnh về con mắt, mạnh về óc nghệ thuật tương tự designer, và bạn biến mọi template bạn làm trở nên lung linh huyền ảo. Cái này có phần nhiều năng khiếu nên không nói nhé =))
- Bám lấy ngay 1 trong 3 thằng trending JS là angular, react or vue. Hiện tại kiếm được người làm ngon mấy thằng này như mò kim đáy bể. Ngon ở đây là thực sự hiểu mình đang làm gì, hiểu được concept, kiến trúc được component, tối ưu code cho nhẹ nhàng linh hoạt. Cái này cần ít năng khiếu và nhiều về tư duy hơn. Đây là hướng mình nghĩ sẽ đưa bạn đi xa trong nghề.
DevOps
Đây là con đường sinh sau đẻ muộn. Sys Admin thì có lâu rồi. Mình nghĩ đây là vị trí rất quan trọng, ít người làm được thực sự và chỉ cần bạn ngon thì từ than bùn sẽ thành kim cương ngay tức thì. Vấn đề mà rất nhiều công ty gặp phải đó là việc dev không thể nói chuyện với sys. Điều này là hoàn toàn tự nhiên vì đây là 2 trường phái khác nhau, suy nghĩ khác nhau và công cụ khác nhau. Người tài là người có thể dung hòa được 2 trường phái này và đứng giữa giao tiếp với cả 2 đội. 1 vài gợi để bạn có giá trong thời điểm hiện tại là:
- Tìm hiểu về các hệ thống cloud (AWS, DO, Azure, Gcloud,...), tự setup được, tự deploy được
- Quy trình CI/CD từ việc kiến trúc code như nào cho việc deploy, đóng gói ra sao, tự động build như nào,...
- 1 số công cụ như Ansible, terraform, Jenkins,... là những thứ phải biết
- Kiến trúc microservice, docker, kubernetes là 1 điểm cộng rất lớn
- Các hệ thống liên quan tới log, monitor như ELK stack,... phải được tìm hiểu ở cả hướng dev (xuất dữ liệu) và hướng Ops (thu thập và monitor dữ liệu) ...
Nói chung đây là 1 hướng đi thật sự tiềm năng, nhưng đòi hỏi bạn phải có kiến thức và hiểu biết khá rộng lớn. Lý tưởng nhất là bạn đi lên từ backend (như mình)
Mobile
Cho vào đây cho có chứ mình cũng chả làm mobile nên không biết khuyên bạn nâng giá như nào.
Thay lời muốn nói
Là một nhà tuyển dụng, mình nhìn thấy những vị trí và kỹ năng hết sức khó để tìm người, vì vậy mới khuyên các bạn phát triển những kỹ năng và con đường nâng giá bản thân phía trên.
Còn là một người đi ứng tuyển nhiều lần, mình cũng từng băn khoăn rằng mình nên đi theo con đường nào, nghề nào hot, nhưng sau đó mình đã rút ra được rằng: Nghề nào không quan trọng bằng bạn như thế nào.
Xin cảm ơn vì đã theo dõi kiên trì tới tận đây. Mình cũng đang có 1 nỗi băn khoăn rất lớn đó là rất nhiều bạn đi làm lập trình web mà không hiểu được website nó chạy như thế nào (ở mức cơ bản). Đây thật sự là 1 thiếu sót lớn. Vì vậy mình cũng muốn viết 1 vài bài về những thứ cơ bản này, không biết có ai quan tâm không? Một chủ đề khác, chính là những kinh nghiệm thực tế khi làm việc với cloud, microservice, docker, k8s mà mình cũng khá muốn chia sẻ, ai quan tâm thì comment khích lệ mình nhé.
Bình luận