Bài viết được dịch từ trang web Mashable
Khi Shlomo Zippel tròn 15 tuổi, anh ta đã kiếm được công việc lập trình đầu tiên, và anh đã kết thúc sự nghiệp học hành của mình từ đó.
"Tôi đã có một thỏa thuận với vị hiệu trưởng - miễn là tôi có mặt để tham gia làm các bài kiểm tra và có kết quả tốt, ông ta sẽ không báo với cha mẹ tôi rằng tôi đã không đến trường," Zippel nhớ lại. "Thay vì leo lên xe buýt đưa đón học sinh mỗi sáng để đến trường thì tôi leo lên chiếc xe đưa rước nhân viên đưa tôi đến văn phòng nơi mình làm việc." Zippel, người sống ở Israel vào thời điểm đó, đã phát triển phần mềm được sử dụng bởi tất cả các ngân hàng lớn trong nước và cho cả hãng thông tấn Reuters Israel.
Ở tuổi 17, mức lương tính theo giờ của Zippel trong công việc lập trình đã cao hơn so với mức lương của cha mẹ mình. "Cha tôi là một bác sĩ phẫu thuật," Zippel nói. "Mặc dù điều này có thể cho thấy một thực tế là các bác sĩ ở Israel được trả lương thấp như thế nào."
Thế giới công nghệ đầy rẫy những tấm gương học sinh bỏ học mà nổi tiếng. Ví dụ, David Karp đã bỏ trường trung học ở tuổi 15 và chẳng bao giờ tốt nghiệp cả. Thay vào đó, anh đã tạo ra Tumblr, mà sau này anh bán cho Yahoo với giá $1 tỷ đô-la (trên 20 nghìn tỷ VNĐ). Mark Zuckerberg cũng bỏ Đại học Harvard vào năm thứ hai của mình, noi gương một học sinh bỏ học Harvard nổi tiếng khác là người giàu nhất thế giới Bill Gates. Tỷ phú công nghệ Peter Thiel cũng đã lên tiếng chỉ trích các trường đại học, ông nổi tiếng trong việc cung cấp cho các sinh viên ưu tú một số tiền là $100k đô-la (khoảng 2 tỷ VNĐ) để họ bỏ học đại học và tập trung vào việc phát triển những ý tưởng của họ.
Michael Solomon, người sáng lập công ty phần mềm 10X Management, đại diện cho khoảng 80 lập trình viên, cho biết phần nhiều trong số nhân viên của mình không có bằng cấp và cũng không tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính. "Một trong những vấn đề lớn nhất của giáo dục sau trung học trong ngành công nghiệp công nghệ là nó phải có khả năng cập nhật một chương trình giảng dạy theo kịp sự phát triển của công nghệ", Erik Zuuring là một lập trình viên 10X, người đã bỏ học chia sẻ. "Chỉ trong lĩnh vực phát triển web thôi thì xu hướng và công nghệ đã thay đổi liên tục mỗi tháng."
"Bạn có thể nhận được một tấm bằng khoa học máy tính ở trường đại học và sau bốn năm bạn nợ ngân hàng một số tiền học phí khoảng $100k đô-la (khoảng 2 tỷ VNĐ) nhưng bạn vẫn không biết tất cả mọi thứ mình cần để lập trình", Jordyn Lee, một người đại diện cho SkilledUp, là công ty chuyên cung cấp các tài nguyên giáo dục thay thế kiểu trực tuyến cho biết. Zippel nói anh cũng đã từng gặp một tay sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính mà không biết lập trình. "Khi tôi 17 tuổi, công ty tôi đang làm có một nhân viên mới, anh ta mới tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại một trường đại học danh giá. Tôi đã bị sốc khi thấy anh ta không thực sự biết làm thế nào để lập trình. Và cũng vì lý do đó mà tôi đã quyết định mình sẽ không quay lại trường học nữa."
Dĩ nhiên, cũng có những người ủng hộ việc học 4 năm để có được một tấm bằng khoa học máy tính. Don Burks, giảng viên chính của Lighthouse Labs, một boot camp về lập trình tại Vancouver ở Canada (hình thức học tập trung dạng offline với cường độ cao trong thời gian ngắn), nói rằng những người tạo ra các phiên bản tiếp theo của Windows hoặc OSX hay điện thoại Android tiếp theo có thể là những người tốt nghiệp ngành khoa học máy tính ra. "Thật tuyệt vời nếu bạn đang trên con đường để trở thành một nhà khoa học máy tính," ông ám chỉ đến một mức độ chuyên sâu về khoa học máy tính tại các trường đại học. "Nhưng đối với những người muốn xây dựng các trang web, các sản phẩm SaaS hoặc làm việc cho các công ty khởi nghiệp startup, thì những gì họ cần ở thời điểm này là một sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tế."
Mặc dù vậy, một sự hiểu biết sâu sắc về khoa học máy tính có thể giúp bạn trở thành một lập trình viên giỏi hơn, Yuri Niyazov, một chuyên gia Ruby on Rails cho biết. "Tôi nghĩ cái phong trào mới cho rằng 'dân kỹ thuật không cần giáo dục' là thực sự nguy hiểm," anh nói. "Chắc chắn, trong kinh nghiệm chuyên môn của mình, khi tôi được yêu cầu xây dựng 'thêm một ứng dụng Rails để truy xuất thông tin từ một cơ sở dữ liệu và hiển thị lên một trình duyệt' thì một người nào đó chỉ cần đọc một cuốn sách là đã có thể làm tốt như tôi. Tuy nhiên đến thời điểm cần phải chỉnh sửa cơ sở dữ liệu, hoặc trình duyệt, hoặc bất kỳ công cụ nào khác liên quan đến quá trình này, thì các lý thuyết nền tảng của khoa học máy tính trở nên khá quan trọng."
Theo như Danny Sleator, một giáo sư về khoa học máy tính và là huấn luyện viên của các đội lập trình tại trường đại học Carnegie Mellon, một trong những trường khoa học máy tính hàng đầu nước Mỹ, cũng thừa nhận, "Có rất nhiều thứ chúng tôi dạy mà bạn có thể không cần đến trong thực tế... nhưng cũng có thể bạn sẽ cần."
Đó dường như là một lời hứa mờ nhạt để biện minh cho số tiền học phí trên $100k đô-la (khoảng 2 tỷ VNĐ) của một chương trình bốn năm đại học. Cũng không có gì ngạc nhiên khi nhiều trong số những người đam mê lập trình chọn cho giải pháp thay thế cách học truyền thống, bằng các khóa học trực tuyến và các boot camp.
Các trường học kiểu cũ dường như đã có một sự thay thế khả thi ngoại trừ một điều: tỷ lệ hoàn thành khóa học của các hình thức học kiểu mới là khá thấp. Theo SkilledUp, chỉ có 5% số người đăng ký một khóa học trực tuyến cam kết hoàn thành tới bài cuối cùng. Nếu đó là một khóa học có thu phí thì con số này tăng lên gấp đôi.
Các boot camp có tỷ lệ hoàn thành khóa học cao hơn nhiều - lên đến 90%. Một phần vì họ yêu cầu học viên có một sự cam kết lớn hơn nhiều. Bởi vì họ cần sự hiện diện vật lý của bạn, đôi khi bạn phải di chuyển để có thể tham gia khóa học. Các chi phí cũng dao động khá cao tầm $36k đô-la (khoảng 750 triệu VNĐ) mặc dù mức bình quân thấp hơn rất nhiều và một số chương trình thậm chí sẽ trả tiền cho bạn để tham dự, nếu bạn được chấp nhận. Một danh sách đầy đủ của hàng chục chương trình boot camp như vậy có thể được tìm thấy ở đây.
Tuy nhiên, các boot camp này còn có thể giới thiệu việc làm cho bạn sau khi tốt nghiệp. Ví dụ như Lighthouse, là một chương trình học lập trình có thời lượng 8 tuần, học từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày, với mức học phí là $8000 đô-la (khoảng 160 triệu VNĐ). Tỷ lệ có việc làm là 100%, nhưng bạn sẽ chỉ kiếm được khoảng $500 đô-la (khoảng 10 triệu VNĐ) một tuần hay khoảng $25k đô-la/năm (khoảng 500 triệu VNĐ) cho một vị trí tạm thời trong ba tháng. Sau đó, mức lương sẽ tăng lên dao động từ $45k đô-la (khoảng 900 triệu VNĐ) đến $80k đô-la (1.6 tỷ VNĐ)/năm, Burks cho biết. (CodeFellows, một chương trình boot camp đảm bảo cho bạn một việc làm có mức lương ít nhất $60k đô-la/năm (khoảng 1.2 tỷ VNĐ) sau khi bạn tốt nghiệp.)
Các chương trình này được xem như một điểm khởi đầu cho các vị trí junior nơi bạn có thể làm việc để thăng tiến về cả kinh nghiệm và mức lương. Các lập trình viên 10X của Solomon, những người có mức lương lên đến trên $300 đô-la/giờ (khoảng 6 triệu VNĐ/giờ), thường có nhiều hơn 5 năm kinh nghiệm lập trình toàn thời gian.
Tất nhiên, từ đó bạn có thể tạo ra một công ty startup và trở nên rất giàu có hoặc chỉ đơn giản là có một cuộc sống sung túc với tư cách là một lập trình viên. Tuy nhiên, bạn sẽ phải đối mặt với các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học khoa học máy tính hàng đầu - bất kể mức độ thông thạo về lập trình của họ - họ có thể nhận được lời mời về những công việc mà bạn không nhận được." Nhược điểm của việc học đại học là nó mất nhiều thời gian và học phí cũng đắt đỏ hơn," Sleator nói. Nhưng bù lại, "sinh viên của chúng tôi nhận được rất nhiều công việc có mức lương hậu hĩnh. Tôi không nghĩ rằng sẽ là dễ dàng cho một ai đó tốt nghiệp từ một chương trình boot camp có thể nhận được một công việc tại Google."
Tham khảo thêm danh sách các khóa học trực tuyến tại trang whoishostingthis.com
Bình luận