Mình từng nhận được khá nhiều email của học viên về việc xin bảo lưu khóa học. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng nhiều bạn lại hay gặp phải các lỗi cơ bản của 1 email. Từ đó để thấy được nếu các bạn gửi 1 email ứng tuyển/xin việc thì liệu các bạn đã gửi đúng/gửi đủ để tạo ấn tượng cho Nhà tuyển dụng (sau đây viết tắt là NTD) hay chưa.
Với kinh nghiệm từng làm tuyển dụng, mình thấy rằng 1 email chỉn chu về mặt câu chữ, ngữ pháp sẽ tạo được ấn tượng cho NTD ngay từ ban đầu. Ngược lại, 1 email thiếu chuyên nghiệp sẽ khiến cho bạn bị “trừ điểm” trước khi họ mở CV của bạn ra xem. Không có 1 quy chuẩn nào bắt buộc bạn phải có thông tin này, thông tin kia, phải ĐÚNG hay là như này là SAI . Nhưng ít nhất phải đầy đủ thông tin cơ bản để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình, tôn trọng NTD.
Những lỗi cơ bản thường mắc phải:
1. Tên email
Tên email thiếu chuyên nghiệp, mang tính cá nhân nhiều ví dụ: hoangtudeptrai@gmail.com, congchuamituot@gmail.com,… Những email này không nên sử dụng khi bạn sử dụng trong công việc cũng như học tập, nó sẽ khiến những người khác nghĩ rằng bạn là một người thiếu chuyên nghiệp và để lại ấn tượng xấu về bạn đối với người nhận.
Hoặc bạn xem liệu có dùng địa chỉ email của công ty cũ để gửi mail cho công ty mới không (với những bạn đi làm rồi).
Vậy nên, bạn hãy tạo cho mình 1 email cá nhân để sử dụng riêng cho công việc và cả học tập, email có thể chứa tên bạn, thêm 1 vài con số.
2. Email thiếu tiêu đề, nội dung (lỗi hay gặp nhất)
Với một lượng lớn email nhà tuyển dụng nhận về mỗi ngày, nếu bạn gửi đến 1 email không có tiêu đề thì mail của bạn rất dễ bị bỏ qua, bị trôi, thậm chí là vào mục spam, thư rác.
3. Sao chép nội dung email trên mạng
Thời buổi của ChatGPT, AI, nhiều bạn bị lạm dụng khi copy các bài mẫu trên mạng. Hàng ngày nhà tuyển dụng phải nhận hàng trăm email ứng tuyển, khi họ đọc hàng trăm email có nội dung giống nhau, họ sẽ cảm thấy chán ngắt và thậm chí không muốn đọc.
Nếu muốn tạo ấn tượng, bạn hãy tự viết email xin việc, sáng tạo và trình bày theo ý mình. Vừa gây thích thú cho người đọc, bạn còn thể hiện được bản thân, ấn tượng cho nhà tuyển dụng.
4. Nội dung email quá sơ sài hoặc dài dòng, lan man
Nội dung email của bạn quá sơ sài, bạn sẽ nhận được đánh giá thấp từ Nhà tuyển dụng. Ngược lại, họ cũng không muốn đọc một email dài lê thê như văn mẫu. Một email ứng tuyển chuẩn cần súc tích, ngắn gọn nhưng đầy đủ các nội dung cần thiết để:
- Giới thiệu bản thân
- Giới thiệu kĩ năng và kinh nghiệm của bạn
- Lý do bạn phù hợp với công việc
5. Quên đính kèm CV
Đây là 1 lỗi hay mắc phải và khiến bạn lúng túng khi chợt nhận ra mình quên đính kèm hoặc NTD phải nhắc cho bạn biết.
Trước khi ấn gửi đi, bạn hãy chú ý kiểm tra lại 1 lần, xem đính kèm đầy đủ chưa nhé
6. Sai lỗi chính tả
Thật không chuyên nghiệp chút nào nếu bạn viết 1 email nhưng có nhiều lỗi chính tả. Bạn hãy kiểm tra lại thật kĩ một lượt trước khi nhất nút “Send” nhé.
Gợi ý email đầy đủ, ấn tượng
Lưu ý khi GỬI MAIL XIN VIỆC
Tiêu đề (Subject): [Vị trí ứng tuyển] _ [Họ tên]
Ví dụ: Ứng Tuyển Lập trình viên Java_ Phạm Thị Mẫn
Phần body
Nên trình bày ngắn gọn như ví dụ sau:
Kính gửi Quý Công Ty ( Nên ghi ra được tên công ty thì càng tốt - đừng sai tên Nhà tuyển dụng nhé )
Em được biết quý công ty đang có nhu cầu tuyển dụng vị trí Lập trình viên Java. Em mạnh dạn xin gửi CV của mình tới quý công ty để ứng tuyển vào vị trí Lập trình viên Java. Rất mong nhận được phản hồi từ quý công ty.
Em xin chân thành cảm ơn. Chúc quý công ty ngày càng làm ăn phát đạt, gặt hái được thật nhiều thành công.
Phần kết cuối email : có thể cám ơn và để lại số điện thoại ở dưới để nhà tuyển dụng có thể liên lạc.
Phần file đính kèm:
- CV đính kèm nên để dưới dạng file PDF. + Tên field CV nên đặt giống như phần tiêu đề như không dấu
Ví dụ:
CVLaptrinhvienJava_PhamThiMan
CV_LaptrinhvienJava_PhamThiMan
Bình luận