Khi những khoảng đời bôn ba của bạn được chia sẻ, bạn đang tiếp thêm động lực cho rất nhiều du học sinh Nhật, xuất khẩu lao động, những người cùng cảnh ngộ, cùng đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nhưng dù khó khăn thế nào, chúng ta cũng không bao giờ dừng học tập và tôi luyện bản thân mình mạnh mẽ hơn nữa.

1. Hãy giới thiệu về bản thân bạn

Quê quán của bạn

Xin chào tất cả mọi người, mình là Hùng, tên đầy đủ là Ngô Hoàng Hùng. Sinh năm 1994 tại An Lão Hải Phòng, nơi có đặc sản rươi rán. Hiện tại, mình đang sinh sống tại Hà Nội.

Bạn học trường nào ?

Mình tốt nghiệp trường Đại Học Điện Lực khoa Tự Động Hóa. Ngày trước thì mình thích ngành này vì tưởng tượng làm ra những con robot, hay những máy bán hàng tự động thì thật là hay ho. Ngày ấy mình thích Bách Khoa lắm nhưng điểm cũng chẳng đủ vào, lại chưa chú tâm cho việc học nên vào Điện Lực cũng được chứ sao 😊

Hiện nay bạn đang làm gì ở Hà nội?

Mình đã xin nghỉ làm để tập trung thực hiện ước mơ trở thành lập trình viên, mặc dù chỉ vài ngày nữa là tròn 29 tuổi, cái tuổi mà tư duy, sự tiếp thu, và trí nhớ bắt đầu ở phía bên kia Parabol.

2. Nguyên nhân nào khiến bạn quyết định sang Nhật Bản?

Tháng 1 năm 2017, sau khi ra trường, mình đi làm ở 1 quán sửa laptop nhưng thực ra lại đi lắp camera là chủ yếu. Mình nghĩ học điện tử thì nên đi làm mấy chỗ sửa điện tử để có kinh nghiệm đi xin việc nhưng với nhu cầu sửa chữa giảm nên công ty làm camera song song. Lần mình muốn bỏ nhất là phải đu người, nhoài hẳn ra cửa sổ tầng 3 để lắp camera và chỉ cần không tập trung là rơi xuống đất. Đây là kỉ niệm nguy hiểm nhất mà mình thi thoảng vẫn hay mơ thấy. Chủ nhà bồi dưỡng vì nguy hiểm mà còn bị bác tiền bối cuỗm mất. Nên sau 9 tháng đi làm, mình không thấy có sự phát triển, cuộc sống lại phải bon chen khi mình thấy mấy chiêu trò ăn tiền của khách không hay ho lắm. Mình đã xin nghỉ trong tiếc nuối của bác chủ, cũng là bác họ mình vì mình là đứa sạch sẽ nhất trong các thế hệ. Sáng nào cửa kính nhà cửa bàn ghế sáng lóa, đồ nghề luôn luôn được xếp theo thứ tự. Có điều đấu điện hơi ẩu tí. Khoan vào dây điện 4-5 lần, có lần vào điện 3 pha mũi khoan sắt chảy thành nước luôn. Không thể trách được những món làm ăn đó, bởi vì cũng chỉ vì sự sinh tồn thôi nên mình muốn học những cái hay hơn, khác biệt hơn.

Chi phí để sang Nhật lao động xuất khẩu?

Tổng chi phí hết hơn 200 triệu. Mình được miễn phí học phí học tiếng Nhật vì giám đốc trung tâm làm chung với bạn cấp 3 của mình. Nữa là một thời gian trước khi nghỉ làm, hệ thống camera và điện của trung tâm được mình lắp đặt free trong 2 ngày cho anh ấy, chỉ đơn giản là anh em chơi với nhau chứ cũng chả nghĩ tiền nong gì. Mình còn nhớ hệ thống lắp trong đêm nữa chứ. Từ 7h tối đến 12h đêm. Khá là nhiều kỉ niệm hay ho. Trung tâm nhật ngữ đó là AOI.
Một thời gian sau, đi phượt cùng mọi người trong AOI, chia sẻ về công việc camera lúc ấy thì anh giám đốc cũng đã động viên đi Nhật rất nhiều. Hơn nữa lại còn trẻ thì đi cho biết.

Trước khi sang Nhật bạn dành bao nhiều thời gian để học tiếng Nhật?

Mình nghỉ làm ngay sau đợt mồng 1 tháng 9 năm 2017 và học đến tháng 1 năm 2018. Anh giám đốc (anh Cường) cho mình đi phỏng vấn thì người phỏng vấn là người Nhật, là bạn làm ăn của anh Cường. Mình nói tiếng Nhật của mình quá kém nên anh Cường cho mình ra homestay của người Nhật ở 70 Hàng Bạc để làm nhân viên dọn dẹp, cũng như học tiếng kèm.

Người Nhật họ sống rất khép kín nhưng những người đi du lịch bụi thì họ lại rất cởi mở, khác biệt rất nhiều so với người bản xứ. Có thể nói, những người đi du lịch lại rất thích giao tiếp. Có ba con đường có thể tiếp cận được đối phương (bắt chuyện) đó là nghệ thuật, âm nhạc và ăn uống.

Thì từ hổi tiểu học lớp 3, các việc bếp núc gia đình, quét dọn mình đã làm quen hết, 12h trưa bố mẹ đi chợ 17km về nhà chỉ việc ăn cơm. Lúc đầu mình đến, cô chủ Asami đưa mình 1,5 triệu để mua đồ ăn uống cho mọi người. Phố Cổ là nơi tiêu tiền và 1,5 triệu mà nấu cho 3-4 người và mời cả khách Nhật ăn cùng (Không mời ăn cùng được là không được giao tiếp. Không được giao tiếp thì đồng nghĩa là đang trong thời gian chết) thì trong môn kinh tế học đại cương không có dạy phép chia như thế. Bố mẹ mình bán thịt lợn, giò chả và mình là người bán tiếp phần còn lại vào buổi chiều nếu như hàng tiêu thụ chậm. Những ngày tháng lớp 7 ấy khá là khó quên. Mình không hiểu tại sao là giá cả các mặt hàng thì dù mình không muốn nhớ nhưng giờ thì ghi nhớ đã thành một thói quen. Một cân thịt chợ Hàng Bè bán giá 14, mình mua ở chợ Long Biên giá 5 đồng.

Cứ cách 1 tuần 1 lần, mình đi chợ lúc 5h sáng. Đến khi về đến nhà thì cả số 5 Tạ Hiện, quán cà phê nổi tiếng ngã tư Đinh Liệt - Tạ Hiện cứ nhìn mình như kiểu thanh niên 23 tuổi đi xách rau thịt ở đâu về nhiều thế. Mỗi lần mình mua toàn xách hơn chục cân cơ mà.

Quay lại việc học tiếng Nhật. Mình tự học. Giáo viên dạy chưa chuẩn cũng khá nhiều chỗ. Mình đọc lại quyển N5 50 lần, N4 cũng khoảng 2 3 chục lần. Cứ hôm nào không phải đi chợ thì việc đầu tiên dậy là nghe các bài nghe tiếng nhật (chou-kai). Sau đó mình dùng tiếng Nhật để mời khách ăn cơm của mình. Dùng thêm 1 triệu hàng tháng của mẹ cho để mua thêm đồ cũng như là mời khách thi thoảng đi ăn kem Tràng Tiền. Mình cũng hay bắt chuyện với người Nhật làm cùng, chủ yếu họ sang trải nghiệm nên ở tạm homestay và quét dọn cùng… Các đoạn hội thoại cứ thế lặp đi lặp lại, mình nhớ được ngữ pháp nhiều hơn, và ngữ điệu đã trơn tru hơn đến nỗi khách Nhật cứ tưởng là người Nhật.

Đến tháng 4 quay lại chỗ phỏng vấn tâm sự với ông người Nhật thì đúng một buổi chiều tâm sự nên không cần phỏng vấn gì nữa. Nói mỗi câu: “Chúc mừng cháu, cháu có thể qua trung tâm làm trợ giảng cho bác không?”

Mình cũng có qua đấy 2 tuần nhưng không phù hợp môi trường cũng như khá là buồn nên mình quay lại cửa hàng camera cũ để mình kiếm một chút tiền chứ cứ không có đồng nào trong người mình cũng bí. Mà thật ra năm 2017, mình đã rất muốn đi học lập trình web, nhưng đúng là không có tiền đi học thêm chả nhẽ lại cứ đi xin mẹ mãi. Nữa là nghề lập trình lúc ấy chưa phát triển nên mình ngậm ngùi thôi.

Tháng 9 mình quay lại HomeStay thì được cô chủ cho lên làm quản lí, tiếp nhận thông tin khách đi du lịch, hướng dẫn xe đưa đón cho họ cũng như làm thêm mảng học tiếng Nhật Cà Phê, đó là cho khách du lịch trò chuyện cùng các bạn yêu thích tiếng Nhật. Mình cũng xin cô chủ là cho kinh doanh cơm và bán sinh tố nên có thu nhập hẳn. Biết thế ngay từ đầu vào làm đầu bếp luôn có lẽ giàu lên luôn rồi, lại có tiền đi học lập trình, lại có tiếng Nhật thì đúng là thuận lợi mọi người nhỉ 😊

Vậy quá trình học tiếng đến khi bay là 1 năm 3 tháng.

Ước mơ kỳ vọng của bạn khi sang Nhật là gì?

Nếu nói chả có ước mơ và kỳ vọng gì thì cũng đúng. Mình vừa đi trải nghiệm, vừa đi kiếm chút vốn về Việt Nam mở nhà hàng.

Đây là thời gian mình suy nghĩ tiêu cực nhất, bất an nhất. Khi sang Nhật mình lại không dùng tiếng Nhật mấy vì bên ấy họ rất ít giao tiếp với nhau. Khi lên tàu họ giữ im lặng, nhìn chằm chằm vào điện thoại. Tỉnh Shizuoka, nơi sinh của Maruko-chan, trên tàu còn ghi hạn chế gọi điện thoại trên tàu. Mình chỉ học được cách phân loại rác thải bên này và cũng là việc mình thấy hay nhất vì bên ấy sạch quá. Nước sông hay cống trong vắt vì hệ thống lọc nước tại các hộ gia đình đã xử lí rồi mới được thải mà đúng là rác ven đường hay mọi nơi, từ nông thôn đến thành phố hầu như là không có.

Sau khi trở về Việt Nam, mình mới có mơ ước là một ngày nào đó, sức nhỏ bé của mình sẽ làm cho Việt Nam sạch sẽ, có tàu điện hiện đại như của Nhật để đi, có cống thoát nước mưa không ngập như của Tokyo hay những ngôi nhà không lo động đất thì thật tuyệt vời. Rác thải phân loại tận 7 cái túi. Rác được xử lí không thải khói độc ra ngoài môi trường thì đúng là ước mơ đẹp.

3. Cuộc sống của bạn ở Nhật như thế nào?

Bạn ở thành phố nào?

Đầu tiên mình ở AiChi, sau 6 tháng mình chuyển việc lên Tokyo làm.

Nơi đó cộng đồng người Việt Nam có đông không? Bạn có ở cùng với những người Việt khác không?

Cộng đồng người Việt ở Aichi và Tokyo rất đông. Hâu như ra đường là sẽ gặp. Đầu tiên mình sang ở với một người Việt Nam. Sau đấy mình lên Tokyo ở một mình. Mình thích sự yên tĩnh.

Việc giao tiếp trao đổi với người Nhật bằng tiếng Nhật có thuận lợi không?

Không thuận lợi lắm vì hầu như đi làm là làm như một cái máy. Không được phép nói chuyện riêng khi làm. Mãi sau 11 tháng em mới có một người bạn từ phía Bắc Nhật Bản xuống làm cùng và hay trò chuyện, đi chơi cùng nhau.

Ảnh ra công viên nướng thịt mùa hoa anh đào nở. Bạn ấy ở giữa.

Bạn có thể ước lượng sinh hoạt phí một tháng bên Nhật gồm những khoản gì? Quy đổi sang tiền Việt khoảng bao nhiêu không?

Các chi phí gồm:

  1. Tiền nhà điện nước ga 8 triệu.
  2. Tiền ăn 6 triệu
  3. Tiền thuế + bảo hiểm 4 triệu.
    Tổng hết 18 triệu là tối thiểu

Bạn hãy kể những khó khăn, niềm vui, hay kỷ niệm đáng nhớ khi sống ở Nhật nhé

Lúc mới sang mình hay phải làm đêm nên bị bệnh tim và xin nghỉ chuyển lên Tokyo làm.
Niềm vui thì cũng có chơi với 1-2 người bạn Việt Nam cuối tuần sang nhà nhau chơi rồi nấu nướng với nhau. Không thì ở nhà rủ bạn người Nhật, hoặc một bạn Nepal đi chơi, nấu ăn với nhau. Chia sẻ các cách nấu ăn, gầy bếp làm bún chả :v
Người Nhật họ sợ nước mắm lắm nhưng thanh niên Nepal lại thich ăn bún chả, cá kho, hành muối, sữa chua, pizza… các thứ mình làm. Kí túc đông người Việt nên cũng hay sang phòng nhau chơi.
Kỉ niệm đang nhớ thì nhiều quá thành ra nhớ không nổi 😊. Nhưng vui nhất chỉ là những ngày cuối tuần thôi. Cũng có lúc mình đi làm tình nguyện nhặt rác ở hoàng cung nhưng mà không có rác để nhặt :D

4. Công việc của bạn ở Nhật?

Bạn làm công việc gì ở Nhật?

Công việc đầu tiên là bạn làm linh kiện ô tô. Công việc thứ hai là làm xưởng sản xuất khuôn bánh mì giai đoạn sơn.

Trước khi làm, bạn có được công ty Nhật đào tạo kỹ năng không?

Cũng không hẳn được gọi là đào tạo vì toàn các công việc tay chân nên nói qua là làm được. Tiếng Nhật mình cũng giao tiếp được chút nên cũng đỡ được một phần.

Ngày làm việc bắt đầu từ mấy giờ và kết thúc lúc mấy giờ?

Hầu như làm 10 tiếng đến 12 tiếng, từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối

Đi từ nhà đến chỗ làm mất bao lâu và bằng phương tiện gì?

Mình đi bộ. Công ty sau mình ở kí túc nên đi bộ 3 phút là tới.

Bạn có thấy tương lai trong công việc ở Nhật?

Giống như lao động ở khu công nghiệp, nếu muốn chuyển việc thì phải chuyển đúng nghề trong hồ sơ khai báo. Ví dụ khai báo làm cơ khí thì chỉ được làm cơ khí, không được làm kinh doanh nên tương lai là khá khó nói.

5. Nguyên nhân nào khiến bạn kết thúc công việc ở Nhật và trở về Việt nam?

Mình nhớ nhà và thích sự cởi mở. Mình đã tìm hiểu ngành lập trình khi đang ở Nhật và tích lũy một khoản để về học lập trình rồi đi làm.

Khi quyết định về Việt Nam, bạn có kế hoạch gì cho bước tiếp theo chưa?

Mình tính đi học lập trình và học tiếng Nhật trung cấp.

Thủ tục để bạn quay trở về Việt Nam gồm những gì, có phức tạp không?

Đợt mình về đúng lúc dịch bệnh. Trước dịch thì về rất dễ. Chỉ cần ra ủy ban phường xóa các thông tin đi là được. Họ sẽ làm cho mình hết. Và điều kiện là phải về trước hạn visa nha.

Ngoài lề thì khá nhiều bạn về Việt Nam hay mua máy điện thoại trả góp kiểu 2 năm bên Nhật nhưng tháng sau về Việt Nam rồi nhưng mà cái iPhone quên chưa trả hết tiền nên hóa đơn cứ về hòm thư của người trọ sau nên rất phiền cho họ. Mọi người nên chú ý việc này vì những người Việt sau (hậu bối) là người bị quy kết kiểu lừa đảo, ăn trộm ăn cắp vặt nên họ sẽ không tin những lời nói của hậu bối nữa thành ra trải nghiệm của nhiều tiền bối thì rất vui nhưng để lại nhiều ổ gà ổ voi quá.

Nếu quay về VN rồi thì sau này có thể quay lại Nhật Bản lần 2 không?

Nếu không bị liệt vào danh sách đen của Nhật Bản thì họ rất chào mừng (welcome)

Cảm xúc khi bạn đặt chân về VN sau những năm làm việc ở Nhật như thế nào?

Rất hồi hộp và rất nhớ mọi người trong gia đình.

6. Quá trình học tại Techmaster:

Làm sao bạn biết và chọn học ở Techmaster?

Đầu tiên, mình chọn Bách khoa học văn bằng 2. Khi tìm hiểu thêm Môn cấu trúc dữ liệu và giải thuật thì mình biết tới kênh The Brown Box của thầy Công rất hay nên mình đã để ý đến. Học phí cũng hợp lí hơn các trung tâm khác nên mình chọn TechMaster.

Mức học phí ở Techmaster so với những gì bạn nhận được trong quá trình học?

Hợp lí

Lớp bạn có bao nhiêu bạn? Bạn có chơi thân và học nhóm cùng các bạn khác trong lớp không?

Lớp mình tổng còn 8 bạn thì 4 offline 4 online. Mình chơi với mọi người cũng khá là thú vị vì các bạn trẻ bây giờ năng động và chịu khó tìm hiểu rất nhiều.

Cảm giác của em khi cả 2 bạn nữ trong lớp lần lượt bỏ học?

Mình cũng hơi tiếc vì thấy con gái đi làm lập trình hẳn là phải rất quyết đoán và tài năng.
(Thực ra là 1 bạn bỏ thật, 1 bạn chuyển sang lớp sau học)

7. Về nội dung học và giảng viên ở Techmaster?

Mình thích môn học nào nhất trong lộ trình Web Fullstack Java Spring Boot?

Mình thấy môn Cấu trúc dữ liệu và giải thuật của thầy Nguyễn Phong Quang là rất tuyệt vời. Những gì mình học đều là những thứ thầy chắt lọc. Phong cách và câu chữ thầy đi thẳng vào nội dung chính, ngắn gọn, xúc tích. Nếu trong các trường Đại học thừa hưởng được phong cách tự học, tập trung, suy nghĩ và chia sẻ những phần cốt lõi và thực hành luôn như thế thì ắt hẳn sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm

Bạn đánh giá phương pháp dạy ở từng môn học (Java Core thầy Thọ, SQL thầy Tuyên và Algorithm thầy Quang). Cách dạy nào giúp em hiểu nhanh, nhớ lâu, thực hành được ?

Thầy Thọ thì mình học được cách fix bug sao cho tỉ mỉ, cách tìm tòi tài liệu cho chuẩn cũng như khả năng phân tích bài. Thầy Thọ có thể nói là một người giỏi. Phương pháp học của thầy thì kiến thức mới ôn trước ở nhà, đến lớp ôn qua lại và làm bài tập. Đúng là quy trình ấy thì khá hay xong thầy đi hơi nhanh. Nếu thầy demo cho chúng mình một vài bài đơn giản kiểu step to step có thể vấn đề sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn. Thực sự Java Core mình có học trước rồi nhưng mình vẫn chưa tiếp cận được một cách đúng bản chất vấn đề, rằng thủ thuật là gì. Các khái niệm chưa được ôn lại mỗi đầu bài học. Xong nói chung, lớp mình hay đi học muộn quá, chưa để ý đến thời gian một cách sống còn như ở Nhật. Bù lại thì thầy Thọ khá nhiệt tình. Dạy hết bài đến khi xong thì thôi, muộn nhất là hơn 10 giờ. Mình biết ơn thầy rất nhiều, có thể nói, mình học được ở thầy Thọ hai từ “Trách nhiệm”

Thầy Tuyên thì phương pháp học của thầy thì đi chậm, mở hẳn lại giáo trình và đi từng phần. Thầy truyền đạt rất là tỉ mỉ, quan tâm đến từng câu lệnh. Ai chưa làm được sẽ lên làm trực tiếp cho cả lớp cùng chấm bài. Phương pháp của thầy là đi chậm và chắc. Đúng là khá chắc ạ 😊. Mình học được ở thầy Tuyên 3 từ “ Chậm mà Chắc”

Thầy Quang thì đúng là chất. Phương pháp học của thầy Quang là nhanh, chuẩn, lặp lại. Thầy dạy những thứ nâng cao hơn, các chiêu thức của các câu lệnh, ý nghĩa sâu sắc và ứng dụng của các cấu trúc dữ liệu như Array List, hashMap… yêu cầu là mọi người nên xem bài trước ở nhà. Vì mình nói “nâng cao” ở đây sợ mọi người dè dặt, chứ đúng ra phải nói là “những tuyệt chiêu làm cho bài giảng cũng như giáo trình có ý nghĩa hơn”. Rằng tại sao lại thế? Các kiến thức luôn được nhắc và hỏi lặp đi lặp lại cùng 4 quy tắc vàng:

1, Luôn nghĩ đến tất cả các trường hợp.
2, Nếu đặt tên biến thì nên đặt có ý nghĩa
3, Code sạch là code nên viết logic trên 1 dòng, nếu viết 2 dòng trừ khi nó phải dễ hiểu
4, Comment tốt nhất là không comment.

Lớp Java 14 TechMaster cơ sở Nguyễn Đình Chiểu- Hùng ngồi bàn 1

8. Mình thấy làm bánh rất khéo, tại sao bạn không làm thợ làm bánh lại chọn học lập trình?

Mình làmbánh chủ yếu do lúc buồn không có gì để làm. Nữa là mình làm vì trước ở HomeStay, mình làm bánh để tặng cảm ơn nhiều vị khách đã cho mình nhiều bài học cuộc sống và muốn kết bạn với họ. Thứ 2 mình làm bánh để có thêm điểm trong mắt các bạn nữ hơn vì giao diện mình “tối” quá :v

Bạn học làm bánh ở đâu và từ khi nào ?

Mình học trên youtube và lúc mình ở Nhật, mình thấy bánh người Nhật làm ngon hơn và đồ làm bánh của họ toàn đồ xịn mà mình đang ở đất nước họ thì mình nên tìm hiểu. Và mình bắt đầu làm thêm pizza từ đấy

Bạn có thể làm được những loại bánh gì?

Mình làm được bánh gato, bánh kem, bánh bao, bánh xu kem, bánh gối, bánh rán, quẩy, pizza…

Nguyên nhân nào khiến bạn thích làm bánh và mang đến cho các bạn cùng lớp ăn?

Thi thoảng muốn giải trí thì thay vì chơi game hay chơi ghita thì mình làm bánh :D

Mục tiêu học lập trình và sở thích làm bánh có xung đột thời gian với nhau không?

Cũng không hẳn là xung đột nhưng làm bánh thì cũng hơi mất công nặn bột chút thôi :D

9. Hãy chia sẻ kinh nghiệm luyện lập trình trên LeetCode của bạn nhé?

Bạn có chiến thuật hay tip trick gì khi luyện LeetCode?

Cày đến khi nào tràn bộ nhớ thì thôi. LeetCode mình làm hầu như là các bài có khả năng hoàn thành trên 70% ạ.

Mỗi ngày bạn dành ra bao nhiêu thời gian để lập trình?

Em dành 12 tiếng để lập trình. Sáng mình dậy từ 4h30 học lại tiếng Nhật nhưng gần đây các môn lập trình bắt đầu đi sâu vào hơn nên có khi vừa dậy là mình sẽ học lập trình ngay. Đến 6h hơn mình đi tập gym. Ăn uống sinh hoạt đến 8h quay lại làm đến 11h30 ăn cơm. Ngủ trưa kiểu lính Mĩ 10 phút sẽ có nhiều thời gian hơn. Sau đó học tiếp đến 10h30. Thức ăn thì nhà mình làm quán ăn, mình lại trọ gần bến xe Gia Lâm nên chỉ việc ra bến lấy đồ ăn gia đình gửi lên và hâm nóng lại thôi.

4h30-6h: Học tiếng Nhật/code (1,5h)
6h-8h: gym+ăn sáng
8h-11h30: học code (3,5)
11h30-13h30: ăn- ngủ(10 phút)
13h30-17h00: học code (3,5)
17h-19h: ăn+ tắm giặt
19h-22h30: học code (3,5)
22h30-4h30: đi ngủ

Mình không dùng facebook hay mạng xã hội nói chung. Mình thích xem tiêu điểm hay Genz của anh Hoàng da nâu hay các chương trình VTV.

Bạn viết code trực tiếp trên LeetCode hay code trước trên IDE chạy thử trước?

Mình viết trên Intellij trước rồi mới copy sang leetcode

Những kỹ thuật gì bạn tích luỹ được khi làm LeetCode cho đến giờ?

  • Toán tử ba ngôi
  • Return
  • Chạy vòng for với kĩ thuật hai con trỏ
  • Giá trị của phần tử mảng A là index của mảng B
  • Clean code kiểu thu gọn dòng code khi dùng toán tử array[++i] = j
  • Các thuật toán liên quan sắp xếp và tìm kiếm

10. Bạn có lời khuyên gì cho các bạn lưu học sinh VN đang làm việc ở Nhật bản có mong muốn trở thành lập trình viên?

Tự học là quan trọng nhất.

  1. Trau dồi Tiếng Anh. Có tiếng Nhật thì cũng tốt nhưng có thêm Tiếng Anh sẽ hiểu được file doc và tìm lỗi, đọc các bài công nghệ…giúp trình code đi lên.
  2. Tìm hiểu roadmap lĩnh vực muốn theo.
  3. Vừa học vừa làm các bài tập các bài tập cơ bản.
  4. Có kiến thức lập trình cơ bản làm các bài Leetcode hoặc các bài đơn giản đã có trên mạng
  5. Xem blog của các trang web như techmaster.vn, toidicodedao.com
  6. Lên các nhóm tuyển dụng IT trên FaceBook xem cơ hội nghề nghiệp và các mức lương nghìn đô để lấy động lực.