Ngày 9/10/2014, tôi có đi dự hội nghị CIO Survey 2014 do Harvey Nash tổ chức tại Hà nội.

Tôi xin tóm tắt lại một số điểm còn nhớ từ bài trình bày của Alistair Copeland, còn suy nghĩ cá nhân tôi để sau.

1- Thời kỳ suy thoái (kinh tế ~ đầu tư vào CNTT) đã kết thúc chưa?

Copeland bảo rồi. Có thể ở Mỹ, Anh và nhiều nước phương Tây thì là vậy. Mỹ đang đầu tư mạnh trở lại cho quốc phòng. Quốc phòng được đầu tư, các ngành khác cũng sẽ ăn theo. Ngược lại Nga, Ukraina rõ ràng đang bị ảnh hưởng từ chiến tranh. Úc thì chính phủ đang tăng chi phí y tế, cắt giảm ngân sách chi tiêu rất mạnh mẽ. Ở VN, các doanh nghiệp, vẫn rất muốn cải thiện CNTT để tăng cường hoạt động kinh doanh như làm lại web site, hỗ trợ thanh toán trực tuyến, … nhưng đầu tư hết sức dè dặt trừ một số ngoại lệ như VinGroup.

CIO Survey
CIO Survey

2- Do CMO, CDO inherit the earth?

Câu này tôi hiểu là “liệu Chief Marketing Officer/ Chief Digital Officer có dành hết phần của CIO không”?

Trong một tập đoàn lớn thường có mấy chức danh sau đây:

  • CEO: Chief Executive Officer – giám đốc điều hành
  • CFO: Chief Finance Officer – giám đốc tài chính
  • CIO: Chief Information Officer – giám đốc công nghệ thông tin
  • CTO: Chief Technology Officer – giám đốc công nghệ
  • COO: Chief Operating Officer – giám đốc hoạt động (vận hành)
  • CMO: Chief Marketing Officer – giám đốc marketing
  • CDO: Chief Digital Officer – giám đốc truyền thông điện tử

Cách đây khoảng 10 năm, quyền lực của CIO trong một tập đoàn phương tây là khá lớn. Các hệ thống mạng LAN, WAN, máy tính, máy chủ, email server, hệ thống lưu trữ, ERP, CRM, HRM, Accounting, Sales.. trong thời kỳ xây dựng, triển khai. Hầu hết hoạt động CNTT sẽ do CIO nắm.

Ngày hôm nay 2014, nhiều hệ thống chạy tại công ty (On premise) đã chuyển sang dịch vụ điện toán đám mây, ảo hoá khiến phòng máy chủ tại công ty thu hẹp lại, số lượng quản trị mạng, vận hành mạng cùng bị cắt giảm, chi phí đầu tư hạ tầng CNTT đi xuống mạnh. Hoặc là CIO sẽ phải kiêm nhiệm phần việc lớn hơn hoặc là phải thu hẹp ảnh hưởng của mình lại.

Cisco đang tái cấu trúc 25000 nhân viên
Gần đây HP sẽ chia đôi thành 2 công ty.

Ở Việt nam, số lượng công việc cho quản trị mạng giảm. Nhiều quản trị mạng phải đi học lập trình ở tuổi > 30. Tôi xác nhận việc này. Trong công ty, tập đoạn, quản trị mạng là nhân viên trực tiếp của CIO. Rõ ràng, nếu CIO vẫn bảo thủ giữ nguyên tư duy CNTT chỉ là đảm bảo hạ tầng CNTT, phần mềm nghiệp vụ chạy tốt là bảo thủ và lạc hậu. Sớm muộn vai trò của CMO, CDO lo về marketing, quảng cáo trực tuyến sẽ lấn át CIO. Vì:

  1. Công ty phải bán được hàng, dịch vụ không sẽ chết. Chi phí, hoạt động marketing, bán hàng sẽ ngày càng phải tăng và làm quyết liệt hơn.
  2. CIO coi công việc nhóm mình là thuộc về Back Office (khối văn phòng), khi khủng hoảng, CNTT sẽ là đơn vị đầu tiên bị cắt giảm ngân sách không thương tiếc.

Báo cáo của Copeland, nếu tôi nhìn chính xác đó là khoảng 30% ngân sách dự kiến cho CNTT lại được dùng ngoài CNTT (shadow investment). 30% sẽ đi đâu, ai quyết thì còn phụ thuộc vào CEO, CFO, CDO, CMO…và quan hệ giữa CIO với CEO.

Tỷ lệ thành công của các dự án CNTT

  1. Thành công cao nhất là mua phần cứng. Lỗi đã có nhà cung cấp bảo hành. Cái này ở VN cũng vậy.
  2. Cao thứ nhì là web site. Nếu có nhưng công cụ đo đếm Google Analytics, Conversion Rate thì chắc web site cũng sẽ không thành công cao như trong survey.

….

Tỷ lệ thành công thấp nhất đó là dự án BigData. Chợt nhớ đến câu nói “Big data is like teenage sex: everyone talks about it, nobody really knows how to do it, everyone thinks everyone else is doing it, so everyone claims they are doing it…”

Does money buy happiness?

Copeland tóm tắt khảo sát về lương của CIO trên thế giới.

Lương từ 100K – 900K USD/năm. Nhìn chung là ngon. Nhưng áp lực, trên đe, dưới búa, ngân sách liên tục bị cắt giảm, các chỉ số KPI phải tăng đều, tỷ lệ nhảy việc vì không đạt chi tiêu là rất cao.

Phần thảo luận sôi nổi. Đây là một số điểm:

1- CIO Việt nam tìm rất khó, đối khi chất lượng không tương xứng với lương thưởng.

2- Các CIO của công ty làm phần mềm (SmartOSC,…) phàn nàn chuyện không tuyển được người, và người giỏi ra đi.

3- Games: thu nhập từ các công ty Games.

4- Đào tạo nhân lực CNTT. Bạn Trịnh Minh Giang thì bảo là phải chuẩn bị tiếng Anh từ bé.

Tôi đã làm việc, tiếp xúc với rất nhiều lập trình viên ở Hà nội thì thấy chúng ta thiếu nhiều nhân tài kỹ thuật (engineering talents) và phần đông lập trình viên ở Hà nội, quên ngay kiến thức toán-logic căn bản vừa được học trong trường đại học. Không có engineering talents, chúng ta sẽ không có CIO giỏi trong vài năm nữa đâu. Quanh đi quẩn lại vẫn sẽ head hunt lẫn nhau bằng lương cao. Vẫn những CIO version 1.0, tiếng Anh tốt, học ở nước ngoài, thuyết trình tốt, kinh nghiệm làm nhiều năm ở các vị trí khác nhau nhưng thiếu đột phá giải pháp – công nghệ.

CIO ở các tập đoàn lớn ngày hôm nay, họ không quá quan tâm về nhân sự CNTT, đây là việc phòng tuyển dụng, của bộ giáo dục, của trường đại học hay của Techmaster chả hạn :D. Họ lo vận hành hệ thống cũ, bổ xung hệ thống mới, làm sao dành được nhiều tiền ngân sách cho CNTT hơn, giữ được mấy đệ cứng khỏi cắt giảm, tái cấu trúc hoặc nhảy việc, lo làm sao tạo mới được dự án, chốt ngân sách và triển khai thành công, được cả công ty ghi nhận.

Câu hỏi chưa kịp hỏi

Hiện MBA đã có nhiều trường lớp đào tạo. CIO có trường lớp, khóa học nào đào tạo?

Ở Hà nội – HCM số lượng CIO thực sự đúng nghĩa, đúng vai trò có khoảng bao nhiêu người?

Nhiều vấn đề chưa được bàn đến

Big Data, Internet of Things, Ecommerce, Agile Development…không được bàn đến do thời lượng có hạn. Các vấn đề này chắc phải có những buổi gặp mặt dân dã hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dụng hơn, có người làm thực sự, sẵn sàng chia sẻ, có người muốn làm cần học hỏi. Nếu không hội thảo CNTT nào cũng vấn đề bức xúc nhân sự, tuyển dụng bàn đi bàn lại mà chả ra được kết luận gì.

Cảm ơn Harvey Nash đã tổ chức một buổi hội thảo rất bổ ích các anh em CIO, làm tin học ở Hà nội.