Bài viết của anh Nguyễn Hiền

5 năm trước, khi thực hiện công việc tìm kiếm thêm cộng sự để xây dựng hệ thống, với mục tiêu là A+ candidate, tôi đã thất bại toàn diện.

Rất nhiều CV đẹp đã được review và phỏng vấn. Họ là developer đứng sau những sản phẩm nổi tiếng, được nhiều người Việt Nam sử dụng; đó là những business rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng các cuộc phỏng vấn diễn ra không như mong đợi. Đa số các developer này có kiến thức, kỹ năng và tư duy rất thường, out-dated với công nghệ. Bằng một cách thức diệu kỳ nào đó, họ đã cùng nhau xây dựng được những sản phẩm tuyệt vời, hữu ích cho hàng triệu người dùng. Chúng tôi không sở hữu những cách thức diệu kỳ đó, nên không cảm thấy phù hợp. Tôi rất muốn có những developer đã làm việc trong những sản phẩm lớn trong team để học hỏi, có thêm góc nhìn toàn cảnh trong việc xây dựng hệ thống của mình; song những người tôi đã phỏng vấn, họ chỉ biết đúng phần việc của mình, công nghệ đã có và đôi khi chỉ là CRUD.

Và tôi đã suy nghĩ rằng: nếu một ngày, sản phẩm của chúng tôi không thành công - tốt thôi, chúng tôi biết mình còn kém cỏi; nhưng nếu may mắn sản phẩm thành công, liệu chúng tôi có rơi vào tình trạng trên? Thành công bằng những thứ kém cỏi và out-dated. Sản phẩm nào rồi cũng tới giai đoạn decline; và tổ chức cũng vậy. Liệu chúng tôi có không nhận ra rằng mình đã tụt lùi khi hệ thống vẫn đang thành công từ góc nhìn bên ngoài tổ chức?

Câu hỏi đó ám ảnh tôi suốt 5 năm qua.

Câu trả lời không thể chỉ là trăn trở, suy tư. Câu trả lời phải là hành động. Đó là lý do tôi phải giữ bằng được tinh thần học tập trong tổ chức; dù có cắt giảm công việc để có work-life balance thì thời gian học tập vẫn phải được giữ. Đó là lý do tôi vẫn dành thêm thời gian để học, tham dự event, viết blog, viết sách và thậm chí đào tạo, tư vấn. Đó không chỉ là cổ vũ cho việc học mà là học thực sự. Đào tạo, tư vấn giúp tôi tiếp xúc với những con người khác, tổ chức khác… giải những bài toán khác giúp củng cố và hình thành những kiến thức khác.

Vấn đề của những developer trong một tổ chức thành công là họ không nhận ra mình đang chơi trong infinite game. Và đến một lúc, kẻ nào đốt hết tài sản của mình - là kiến thức, kỹ năng, tư duy - sẽ gục xuống. Cách duy nhất để không nhận lấy thất bại trong infinite game là liên tục bổ sung nguồn lực, tài sản.

Đã có nhiều những debate rằng developer trong những công ty outsourcing không “có cửa” so sánh với developer trong những công ty làm sản phẩm. Tôi cho rằng điều đó đã đúng, nhưng không đang đúng và có lẽ, sẽ không đúng. Môi trường outsourcing ở Việt Nam đang ngày càng khác; rất nhiều những công việc khó đã ở lại Việt Nam. Rất nhiều công ty outsourcing thậm chí còn vận hành luôn cả hệ thống của khách hàng; điều duy nhất họ không làm là định hướng sản phẩm và bán hàng. Họ đang làm software service thì đúng hơn.

Do mang tiếng “xấu”, các developer trong những công ty outsourcing đã năng động hơn. Trong khi đó, có vẻ developer tại những công ty làm sản phẩm vẫn đang ngủ yên trong sự fancy, hào nhoáng trên tiếng tăm có sẵn. Event gần đây tôi tham dự, qua những cuộc gặp gỡ nhanh, tôi thấy nhiều developer từ những công ty làm outsourcing hơn developer từ những công ty làm product.

Và dù developer có làm ở đâu, cách duy nhất để tồn tại, vẫn là tinh thần và hành động học tập liên tục.

Đây chính xác là những gì tôi đã nói với những cộng sự của mình khi nhìn lại nửa đầu năm 2018. 1 tháng đã trôi qua, viết lại nhân lúc rảnh ngày mưa.

Học cả đời
Mô hình học cả đời