Kính thưa các thầy (đã, đang và sẽ cộng tác) cùng với TechMaster,

Một năm trước đây, ngày 19/11/2011, tôi viết đơn xin nghỉ Microsoft để về nhà mở một trung tâm nhỏ với ý định chia sẻ công nghệ Microsoft “dùng được” cho cộng đồng lập trình viên. Thời kỳ đầu thật khó khăn, lúc đó chỉ có mỗi cộng sự làm cùng. Hai người lọ mọ khoan đục đi dây mạng, chạy đường điện, cài đặt Hackintosh trên chiếc máy tính làm mẫu mất gần 2 tháng. Chỗ mà các thầy đang đứng giảng trước đây đó nền của phòng bếp.

Tháng 12/2011, tôi vẫn phải chạy qua công ty phần mềm khác để thiết kế kiến trúc cho một dự án gia công .NET cho khách hàng Mỹ. Số tiền thù lao khiêm tốn, nhưng vì trung tâm chả có hợp đồng nào nên vẫn phải làm để có một ít tiền đầu tư cho máy móc.

Đến nay TechMaster đã đào tạo được gần 100 lập trình viên Apple iOS, một phần trong số đó đã tốt nghiệp thành công, phần còn lại trừ những người bỏ cuộc quá sớm, dù chưa tốt nghiệp nhưng đều có việc lập trình Apple iOS rất tốt. 4 khoá học tối ưu SQL Server, 1 NoSQL, 1 khoá học Windows Phone, 1 khoá học Android, 1 khoá học Linux, 1 khoá học SharePoint 2010 … đã được tổ chức thành công cho khách hàng lớn, các công ty phần mềm nổi tiếng. Một số công ty đã cử cả đội phần mềm gia công đi học chuyên tu tại TechMaster. TechMaster đã tạo mới khoảng 120 việc làm và những người làm được việc chỉ sau 1 năm thành lập, sẽ khai trương thêm 2 phòng học hiện đại mới vào tháng 11 này.

Học viên đánh giá rất tích cực về mô hình đào tạo thực tế, với kinh nghiệm rất sâu của giảng viên lại được trình bày trực quan dễ hiểu. Các giảng viên ở TechMaster đều là những chuyên gia đang làm sâu trong môn họ giảng dạy. Bài giảng, slide họ phải tự biên soạn, code demo trực tiếp cùng học viên. Nhiều anh em phải sửa đi sửa lại bài giảng nhiều lần, trình bày trước các giảng viên khác trước khi dạy chính thức. TechMaster đã phải trả lại 100% học phí của một lớp PHP-MySQL dù lớp kín học viên nhưng giảng viên không đáp ứng được yêu cầu chuẩn bị trước bài giảng.

Về lợi nhuận: đào tạo tin học chuyên sâu tính ra không bằng việc tổ chức lớp học tiếng Anh, mời một số giảng viên nước ngoài du lịch sang VN dạy, thậm chí còn thua cả những lớp luyện thi đại học, một lớp 30-40 học sinh. Chi phí máy tính và hệ thống cơ sở hạ tầng tốn kém, khấu hao rất nhanh, cần phải bảo trì liên tục trong điều kiện nhiệt đới Việt nam.

Về phong trào: sinh viên VN ngày càng ít quan tâm đến CNTT. Nếu như trước kia, các trung tâm đào tạo nghề CNTT franchise của Ấn Độ mọc lên khắp nơi, học viên đăng ký hồ hởi, thì nay phải quảng cáo rầm rộ, nào giảm giá, tặng máy máy tính bảng, tặng laptop, học tin học lại được học thêm cả Yoga và có lẽ sắp tới là được học nhảy GangNam. Một số trường đại học phải đóng cửa khoa tin học vì quá ít thí sinh.

Học lập trình xin việc làm

Tôi vốn không được học CNTT bài bản mà tôi học điện tử – cơ khí. Chỉ đi sâu một chút vào ngành điện tử, cơ khí, chúng ta sẽ sớm nhận ra Việt nam tụt hậu quá xa so với nước ngoài. Vậy những thanh niên Việt nam có chút năng khiếu đam mê kỹ thuật sẽ làm gì ? Chuyển sang làm kinh doanh, từ bỏ kỹ thuật, làm cho công ty nước ngoài, môi giới chứng khoán, bất động sản, hay tìm đường ra nước ngoài học dăm bảy năm? Nếu vậy trên đất nước chúng ta sẽ chỉ còn những con em nông dân, nhà nghèo không có điều kiện ăn học, đành phải làm thuê tại nhà máy, xưởng sản xuất là thực sự tạo ra sản phẩm nhưng với hàm lượng chất xám, kỹ thuật vô cùng thấp kém. Công ty nước ngoài đến Trung Quốc mở công ty sản xuất. Kỹ sư, công nhân TQ học hỏi rất nhanh và sau đó tự mở công ty riêng để cạnh tranh đến mức công ty nước ngoài phải rút đi. Alibaba vượt qua eBay. Baidu đánh bật Google. Còn ở nước ta, công ty nước ngoài rút đi, chúng ta chỉ có xác nhà máy và một đám công nhân vô tổ chức thất nghiệp, vật vờ…

Nếu là người tự trọng và nhìn xa, chúng ta cần có hành động cụ thể để con em chúng ta không trở thành những người vai gánh nợ quốc gia, đầu óc bị nhồi nhét cả 17 năm kiến thức lạc hậu, đôi tay lóng ngóng không thạo việc, không có nổi một kỹ nghệ đủ cạnh trạnh với mặt bằng chung thế giới. Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ học rất nhiều, học rất chăm nhưng chỉ mong tìm được một công việc văn phòng ở một tổ chức NGO. Ước mơ đó quá nhỏ nhoi và còm cõi. Nhiều người chưa qua tuổi 40 mà đã thấy tương lai thất nghiệp, không nghề nhẵn tiền.

Đó là nguyên nhân tôi đã tập hợp các anh em (các thầy) để cùng nhau truyền lại những kiến thức kinh nghiệm CNTT còn đang nóng hổi cho các anh em trẻ hơn, các em sinh viên để họ nhanh chóng trở thành những chuyên gia giỏi. Nhờ có Internet, thế giới đã phẳng, chuyên gia CNTT giỏi có thể kiếm được nhiều tiền (USD) từ khách hàng nước ngoài. Xu hướng di động, hậu PC, máy tính bảng, ảo hoá, đám mây, mạng xã hội, thực tại ảo… diễn ra nhanh chóng và khốc liệt. Công ty nhỏ có thể bùng lên thành một công ty lớn. Công ty lớn có thể suy yếu, mất vị trí dẫn đầu trong một hai năm. Các công ty, khách hàng nước ngoài sẽ cần rất nhiều nhân lực giá rẻ, chất lượng cao đến từ châu Á để tiếp tục cạnh tranh. Không chia sẻ kiến thức, mà bo bo giữ cái know-how thì chỉ qua một đêm, thức dậy kiến thức đó lạc hậu. Ngược lại đừng bán kiến thức một cách rẻ rúng, bán những món hàng quá đát, ôi thiu. Anh em khi đến với TechMaster cần luôn phải giữ một ngọn lửa nhiệt huyết liên tục nghiên cứu, tìm tòi công nghệ mới. Chúng ta ở Hà nội, nhưng phải tìm hiểu xem startup ở Sillicon Valley họ đang làm gì, dùng công nghệ gì, cần nhân lực gì để đào tạo cho hợp thời. Lao vào nghiên cứu và làm thực tế đi, hãy khất những buổi liên hoan, bia rượu bù khú, đôi khi phải bỏ qua những trận đấu bóng quốc tế, những bộ phim hay. Nhớ rằng sản phẩm chúng ta sẽ tạo ra còn thú vị, và sinh động hơn nhiều.

Hãy chứng minh bằng thực tế bản thân cho em sinh viên thấy rằng ngành CNTT là ngành nghề có thể làm cả đời, nếu chuyên tâm có thể sống tốt, thu nhập ổn định, và đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Hãy chỉ cho các em thấy rằng bằng cấp đại học, cao học, liên thông hiện nay ở VN chỉ là thứ phù du, màu mè. Cái mà người làm CNTT nên làm là tạo ra sản phẩm tốt hơn, sáng tạo hơn, đẹp hơn, rẻ hơn với tốc độ sản xuất nhanh hơn.

Chừng nào các hãng công nghệ lớn còn cạnh tranh với nhau, chừng nào sinh viên vẫn còn phải đọc những cuốn sách tin học photo, nơm nớp lo thi những môn học sáo rộng lý thuyết ở trường, chừng đó TechMaster sẽ còn có rất nhiều việc để làm, các thầy sẽ có nhiều đệ tử truyền nghề. Mong các thầy mạnh khoẻ, liên tục cập nhật công nghệ mới để truyền lại cho lớp đàn em giúp các em và cả chúng ta khuân thật nhiều USD về Việt Nam !