Ứng dụng là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của một nền tảng hệ điều hành. Một hệ sinh thái phần mềm có chất lượng sẽ thu hút sự quan tâm của người dùng, và ngược lại, lợi nhuận từ khách hàng là động lực thúc đẩy lập trình viên tham gia. Trong mối quan hệ hai chiều ấy, người dùng nằm ở vị trí trung tâm, và hiểu được khách hàng là điều kiện quan trọng nhất quyết định sự thành công của ứng dụng. Chính vì thế, hãng nghiên cứu Forrester vừa tiến hành khảo sát người dùng di động Mỹ, để xem khách hàng của bốn nền tảng chính là iOS, Android, BlackBerry và Windows Phone giống và khác nhau như thế nào.

Nghiên cứu của Forrester tập trung vào các yếu tố về nhân khẩu học của người dùng như giới tính, độ tuổi và thu nhập. Bên cạnh đó, khảo sát đi sâu tìm hiểu hành vi mua ứng dụng di động, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho các gian ứng dụng cũng như nhà phát triển nhằm cải thiện hơn nữa hoạt động kinh doanh phần mềm. Nghiên cứu được thực hiện trực tuyến với sự tham gia của trên 2.000 người trưởng thành tại Mỹ, có sử dụng ứng dụng trên những thiết bị chạy các hệ điều hành kể trên.

Đầu tiên là phân tích nhân khẩu học. Về giới tính nói chung, nam giới vẫn là nhóm người dùng chính, với tỷ lệ phần trăm nam giới sử dụng smartphone và ứng dụng của cả bốn hệ điều hành đều cao hơn 50%. Trong đó, chênh lệch nam – nữ của iOS và Android là cao nhất, cùng có tỷ lệ 57% – 43%. BlackBerry là nền tảng có tỷ lệ người dùng theo giới tính gần đạt mức cân bằng nhất, 51% – 49%.

Về độ tuổi, phần lớn người dùng ứng dụng di động nằm trong ngưỡng tuổi thanh niên và trung niên: từ 23 – 31 tuổi chiếm khoảng 30% tổng số đáp viên, và ngưỡng tuổi từ 32 – 45 chiếm khoảng 35%. Người dùng iOS có tỷ lệ người dùng trẻ nhất, trong khi đa số người dùng BlackBerry rơi vào độ tuổi sau 30 trở đi. Đây là một tín hiệu không vui cho RIM, khi mà hãng đang muốn hướng hệ điều hành BlackBerry 10 vào đối tượng khách hàng trẻ hơn.

Thu nhập bình quân của người dùng cũng cho thấy sự khác nhau giữa bốn nền tảng. Người dùng iOS có vẻ sung túc nhất, với thu nhập bình quân năm 105.200 USD/người. Ba vị trí còn lại thuộc về BlackBerry, Android và cuối cùng là Windows Phone với 81.100 USD/người. Thu nhập của người dùng là một yếu tố quan trọng, vì nó quyết định đến khả năng “chịu chi” của người dùng khi mua ứng dụng di động. Lẽ dĩ nhiên, hệ điều hành nào cũng mong muốn khách hàng của mình có hầu bao dư dả để đầu tư vào phần mềm.

Như đã nói ở trên, Forrester tiến hành nghiên cứu hành vi mua ứng dụng của người dùng, bao gồm việc mua ứng dụng nói riêng và cách thức khách hàng tìm kiếm thông tin về ứng dụng. Ở phần này, hãng nghiên cứu phân biệt ra người dùng máy tính bảng và điện thoại thông minh, do cơ sở ứng dụng của hai dòng sản phẩm này tương đối khác nhau. Đa phần người dùng đều mua phần mềm từ các gian ứng dụng chính thức như App Store hay Google Play (75% đối với tablet và 60% đối với smartphone). Ứng dụng được cài sẵn trong máy đáp ứng khá tốt nhu cầu cơ bản của người dùng (lần lượt là 50% và 60%).

Thông tin về phần mềm chủ yếu được người dùng lấy từ ý kiến của người thân và bạn bè (59% và 50%). Quảng cáo truyền miệng là một hình thức tiếp thị rất có hiệu quả đối với nhiều ngành hàng, và đây là thông tin có giá trị cho các nhà phát hành ứng dụng. Người dùng cũng tham khảo gợi ý về phần mềm hay do gian ứng dụng cung cấp, phương án này xếp thứ hai với tỷ lệ lần lượt là 49% và 35%.

Forrester nhận định rào cản của việc thực sự sử dụng phần mềm của người dùng hiện nay còn tương đối cao. Cụ thể, người dùng phải tìm kiếm, tải về và đều đặn mở ứng dụng lên để sử dụng. Vấn đề của các hãng phát triển là phải làm sao tiếp cận được đúng nhóm người dùng năng động nhất trên nền tảng sinh lời tốt nhất để tối đa hóa doanh thu. Tại thời điểm này, iOS của Apple xem ra vẫn là miền đất màu mỡ nhất cho lập trình viên và đội ngũ phát triển.

Theo TinhTe

Khóa học lập trình di động tại Techmaster:

Để cài đặt MacOSX lên phần cứng không phải Apple liên hệ chuyên gia cài Hackintosh:

  • Nguyễn Minh Sơn: 01287065634
  • Huỳnh Minh Sơn: 0936225565
  • Website: caidatmacos.com